Khán giả truyền hình thường rất dễ mủi lòng, thế nên công nghệ “lăng xê cảnh khổ” đang là công cụ hữu hiệu cho những người muốn có một chỗ đứng trong lĩnh vực nghệ thuật.
Thí sinh Tuyết Lan khóc khi về nhì cuộc thi Vietnam's Next Top Model 2010.
Lớn, bé đều khóc
Việc tổ chức vô số các cuộc thi từ sắc đẹp cho đến ca múa nhạc trên truyền hình hiện nay đang góp phần thôi thúc việc được trở nên nổi tiếng một cách đơn giản và nhanh chóng của không ít bạn trẻ. Tuy nhiên, với số lượng thí sinh tham gia các cuộc thi từ số lượng hàng trăm cho đến hàng nghìn người, sẽ không tránh khỏi những “trò lố” mà chính các nhà tổ chức giỏi tiên đoán cũng không hình dung ra nổi.
Trong cuộc thi hát dành cho thiếu nhi như Đồ Rê Mí, những giọt nước mắt của các thí sinh thể hiện sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ, là cảm xúc rất thật của những cậu bé, cô bé tuổi từ 5 đến 12 tuổi... Nhưng sự hồn nhiên trẻ thơ đó đang được áp dụng như một “bí kíp” trong các cuộc thi đòi hỏi phải có sự chín chắn, trưởng thành của những người tuổi đời gấp 2- 3 lần những thí sinh Đồ Rê Mí.
Mới đây, trong số phát sóng đầu tiên cuộc thi Vietnam's Next Top Model trên VTV3 tối 25.9, khán giả đã không khỏi trầm trồ về một thế hệ trẻ Việt Nam phát triển về hình thể, vóc dáng. Nhưng rồi họ cũng “chán ngán” những màn khóc lóc của các thí sinh.
Anh Hà Sơn ở phố Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Xem chương trình tuyển chọn người mẫu mà như tuyển chọn diễn viên. Cứ sau mỗi phần thi lại là một màn khóc “um sùm” của các thí sinh”.
Còn khán giả Đỗ Trí Bình (Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) chua chát: “Các bạn thí sinh của các show truyền hình thực tế ít nhiều có chút năng khiếu nghệ thuật hay lợi thế về hình thể nhưng họ lại không có được sự tự tin ấy mà lại lạm dụng nước mắt”.
Với đặc thù là một cuộc thi tuyển chọn người mẫu trên truyền hình, Vietnam's Next Top Model đòi hỏi sự chuyên nghiệp không chỉ ở các thí sinh dự thi mà còn cả sự “phũ phàng” và kịch tính trong phần nhận xét của các thành viên ban giám khảo nên e chừng càng vào sâu sẽ càng nhiều nước mắt.
Và sau mỗi phần thi là một bản hòa ca “nước mắt” của các thí sinh, bị loại cũng khóc, vào vòng trong... cũng khóc và trong vòng thi ứng xử thì vừa khóc vừa trả lời tới mức khán giả không thể nghe thấy thí sinh đang nói gì như trường hợp của thí sinh Lê Thị Thúy.
Vietnam Idol 2010
Sau khóc sẽ là...?
Cách đây không lâu, trong vòng loại cuộc thi Vietnam Idol, khán giả đã được một đoạn clip (dài 20 phút) tổng hợp các phần thi “quái nhất” của các thi sinh. Từ gào rú, khóc lóc, trai giả gái, “nhái” hình ảnh thần tượng... tất cả đã tạo nên một clip được nhiều người xem đánh giá còn hay hơn cả phim hài của Mr Bean.
Format các chương trình truyền hình thực tế của nước ngoài đang được các nhà sản xuất Việt khai thác ngày càng nhiều. Sắp tới đây, vào tháng 12, phiên bản Vietnam’s Got Talent (chương trình tìm kiếm tài năng) sẽ lên sóng VTV3, với sự đa dạng trong việc thể hiện tài năng, chương trình hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bi hài kịch không cần kịch bản.
Với việc nhiều đất diễn như Vietnam’s Got Talent thì những màn... thoát y hay thí sinh có những hành động quái lạ như ở America’s Got Talent là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ca sĩ Thái Thùy Linh - thành viên Ban giám khảo Đồ Rê Mí đánh giá: “Hiện nay các bạn trẻ tham gia các cuộc thi về âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung đang quá lạm dụng việc khóc lóc để nhận được sự “cảm thương” của khán giả. Nhưng khán giả là những người tinh tường, khi các thí sinh lạm dụng khóc lóc, họ sẽ chỉ nhận được hoặc là sự cảm thông hoặc là sự coi thường”.
Dân Việt