Trăm tỷ về tay ai?
Lướt qua báo giá quảng cáo của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay trên VTV, người ta không khỏi giật mình về số tiền mà nhà sản xuất và nhà đài kiếm được.
Chương trình The Voice Vietnam 2013, lên sóng ngày 19/5 tới đây được báo giá quảng cáo cho các mẩu quảng cáo 10-15-20-30 giây lần lượt là 75-90-112,5-150 triệu đồng. Đây là bảng báo giá đầu tiên của chương trình. Chắc chắn khi chương trình lên sóng, giá quảng cáo sẽ còn tăng cao hơn nữa. Thường giá quảng cáo sẽ thay đổi 3 lần trong một mùa phát sóng tùy theo mức độ hút khách của chương trình.
Kết thúc mùa thi năm 2013, nếu The Voice Vietnam thành công
sẽ có cả trăm tỷ đồng tiền quảng cáo được thu về.
The Voice Vietnam năm nay dự kiến có 20 tập. Thông thường mỗi tập The Voiceđược phát sóng trong vòng hơn 2 tiếng. Thời lượng quảng cáo trong và ngoài chương trình chiếm trung bình khoảng 1/3 - 1/4 thời lượng phát sóng. Tức là vào khoảng 30 - 40 phút quảng cáo. Tương đương với từ 50 - 70 mẩu quảng cáo.
Thử làm phép tính nhân với báo giá mà chương trình đưa ra sẽ thấy mỗi tập phát sóng chương trình cũng thu về trên dưới 10 tỷ đồng. Kết thúc mùa, nếu chương trình thành công, sẽ có cả trăm tỷ đồng được thu về.
The Voice Kids Vietnam mùa đầu tiên hiện nay có báo giá mẩu quảng cáo 10-15-20-30 giây lần lượt là 75-90-112,5-150 triệu đồng. Kém hấp dẫn hơn về thể loại, Vua đầu bếp, phát sóng trong khung giờ vàng tối thứ Sáu hàng tuần trên VTV3 có báo giá quảng cáo cho các mẩu quảng cáo 10-15-20-30 giây lần lượt là 50-60-75-100 triệu đồng.
Nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Project Runway), chương trình chuẩn bị lên sóng vào khung giờ 20h tối Chủ Nhật tuần này (28/4) cũng đưa ra một báo giá quảng cáo khá giật mình.
Giá quảng cáo khởi đầu mùa giải, áp dụng trong ngày 28/4, cho các mẩu quảng cáo 10-15-20-30 giây lần lượt là 60-72-90-120 triệu đồng. Từ 5/5-26/, giá sẽ là 75-90-112.5-150 triệu đồng. Từ 2/6-9/6 giá mới là 90-108-135-180 triệu. Từ ngày 16/6 trở đi giá sẽ là 100-120-150-200 triệu.
Vậy là từ khi khởi động chương trình đến khi kết thúc, Nhà thiết kế thời trang Việt Nam sẽ tăng giá quảng cáo 3 lần. Giá tiền quảng cáo tăng 167%.
Chưa lên sóng nhưng chương trình Nhà thiết kế thời trang Việt Nam
đã dọa tăng giá quảng cáo 3 lần với tổng mức tăng 167%
trong suốt chương trình.
Gương mặt thân quen, chương trình được đánh giá là vui vẻ, không scandal, nhưng ăn khách vì phát sóng vào giờ vàng 21h20 Thứ Bảy hàng tuần trên VTV3, và có danh hài Hoài Linh làm giám khảo cũng đã lập một kỷ lục mới về số tiền quảng cáo thu được trong đêm chung kết, truyền hình trực tiếp lúc 21h20 trên VTV3 ngày 16/3 vừa qua.
Trong hơn hai tiếng phát sóng đêm chung kết, không tính những quảng cáo xuất hiện cực ngắn, quảng cáo chạy dưới chân màn hình, đếm sơ sơ chương trình cũng chạy lọt được... 77 mẩu quảng cáo.
Bảng giá cụ thể, mẩu quảng cáo dài 10-15-20-30 giây lần lượt là 90-108-135-180 triệu đồng. Nhân lên thì có thể thấy sau hơn hai giờ phát sóng, chương trình đã có thể thu về được một khoản tiền khổng lồ.
Tương tự các chương trình khác trong ba tháng phát sóng, Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình Ðài truyền hình VN đã hai lần tăng mức giá quảng cáo trong chương trình này. Cụ thể, ngày 16/1 tăng 25%, mức giá quảng cáo đêm chung kết tiếp tục tăng thêm 25% nữa. Như vậy, mức giá quảng cáo trong đêm chung kết đã được tăng lên 50% so với mức giá từng được áp dụng khi chương trình bắt đầu lên sóng.
Nhìn mức lợi nhuận khổng lồ trên, không khó hiểu việc hiện nay vì sao đài đài, nhà nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế.
Càng nhiều scandal, giá quảng cáo càng tăng
Chương trình có tỷ lệ người xem càng cao, giá quảng cáo để các nhãn hiệu xuất hiện trong chương trình càng lớn. Đó là quy luật tất yếu của thị trường. Nhưng để phù phép một chương trình truyền hình thực tế trở nên hot nhằm thu lợi nhuận cao, lại câu chuyện không dễ.
Ngoài những yếu tố thuộc về chuyên môn như nhà sản xuất chọn mua được những chương trình đang ăn khách nhất thế giới và phù hợp với thị hiếu Việt Nam, chương trình phải tìm ra những nhân tố lạ, độc và ngôi sao hút khán giả.
Một yếu tố nữa không thể bỏ qua trong công thức làm truyền hình thực tế hiện đang phổ biến ở Việt Nam là chương trình phải biết tạo scandal.
Ngay sau khi nổ ra scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả, The Voice
Vietnam đã tăng bình quân 11% giá quảng cáo.
Dù chẳng ai rõ ngọn nguồn những scandal kia từ đâu đến? Trên trời rơi xuống khiến nhà sản xuất chương trình gặp “tai bay vạ gió”, hay chúng được nuôi dưỡng bởi những cái đầu có tài điều khiển người chơi ở mức kinh điển.
Tất cả cũng phục vụ mục đích tối thượng, làm sao để chương trình càng trở nên hot. Mà giữa thời bùng nổ các chương trình thực tế như hiện nay, không tố cáo, không cãi vã, mỉa mai nhau trong và ngoài chương trình, có lẽ sẽ chẳng có chương trình nào được chú ý. Thực tế khá nghịch lý hiện nay là chương trình càng nổ ra nhiều scandal thì càng trở nên hút quảng cáo.
Ở mùa đầu tiên, Vietnam’s Got Talent mở màn thiếu hấp dẫn. 7 tập, đầu tương đương với hai tháng lên sóng giờ vàng lúc 20h Chủ Nhật, giá quảng cáo cho một spot 10-15-20-30 chỉ là 30 – 36 – 45 – 60 triệu đồng. Một con số khá thấp. Khi nổ ra scandal Quỳnh Anh, ngay lập tức biểu giá quảng cáo của chương trình này đã cán mức kỷ lục của năm 2012 với mức giá tăng hơn 200%.
Tương tự tại The Voice Vietnam 2012, ngay sau khi nổ ra scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả, chương trình báo tăng giá quảng cáo thêm hơn 10%. Theo đơn giá này, 10 giây quảng cáo trước chương trình thấp nhất là 75 triệu đồng và cao nhất là 90 triệu đồng.
Với suất quảng cáo 15 giây, đơn giá là 90-108 triệu; 20 giây có giá 112,5-135 triệu và 30 giây là 150-180 triệu đồng. Đơn giá này áp dụng với tổng cộng 12 tuần sau khi nổ ra scandal và càng về cuối càng đắt. Đơn giá mới trên tăng khoảng 10-20 triệu đồng mỗi suất quảng cáo, tương đương mức tăng bình quân 11%.
Khi bị truy hỏi về nguyên nhân tăng giá sau scandal, Công ty Cát Tiên Sa, nhà sản xuất chương trình The Voice Vietnam 2012, cho biết có 2 lý do khiến ban tổ chức quyết định tăng giá. Sau giai đoạn phát lại chương trình đã ghi hình trước, từ 23/9, The Voice bắt đầu phát sóng trực tiếp vào tối thứ 7 hằng tuần, dự kiến sẽ thu hút thêm nhiều người theo dõi.
Hơn nữa, lượng khách đăng ký quá nhiều, ban tổ chức không được phép tăng thời lượng quảng cáo, nên đành chọn cách tăng giá để khách hàng nào đủ khả năng sẽ tiếp tục tham gia.
Những trận cãi vã kịch liệt giữa thí sinh và giám khảo đã giúp
Cặp đôi hoàn hảo 2013 lập giá quảng cáo kỷ lục
mới nhất ở Việt Nam.
Trong mùa đầu phát sóng, chương trình The Voice Vietnam 2012 đã 3 lần tăng giá quảng cáo. Giá quảng cáo được điều chỉnh dựa trên sự quan tâm của khán giả, lượng xem càng cao giá sẽ càng tăng. Sau khi nổ ra scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả, nhiều ý kiến cho rằng rating của chương trình đạt mức kỷ lục so với các chương trình khác đang phát sóng trên VTV.
Bước nhảy hoàn vũ 2013 được đánh giá là khá trầm so với các mùa trước nhưng cũng ở mức nóng hơn các chương trình cùng phát sóng trên VTV3 như Vietnam’s Got Talent 2013.
Ở giai đoạn cuối này giá quảng cáo đội lên cao hơn nhiều so với thời điểm chương trình mới bắt đầu. Báo giá cho 10-15-20-30 giây lần lượt là 90-108-135-180 triệu đồng. Mức giá này tương đương với mức giá quảng cáo kỷ lục của The Voice Vietnam 2012 sau khi xảy ra scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả.
Nhưng mức giá quảng cáo trên chưa phải là điều khiến người ta giật mình về mức độ ăn quảng cáo của những màn tung scandal trên truyền hình. Choáng nhất hiện nay về giá quảng cáo phải nhắc đến Cặp đôi hoàn hảo 2013.
Cuộc thi đang ngập ngụa trong scandal với đủ những tố cáo từ rất nhiều thí sinh tham gia cho đến những trận cãi vã rất chợ búa trên mặt báo về chuyên môn. Những tưởng vậy sẽ khiến chương trình trở nên “mất giá”.
Ấy thế nhưng ngược lại báo giá mới nhất cho các mẩu quảng cáo 10-15-20-30 giây trong chương trình này lần lượt là 100-120-150-200 triệu đồng. Một con số kỷ lục mới nhất của giá quảng cáo trong một show truyền hình thực tế ở Việt Nam.
Dù nhưng scandal nổ ra chỉ là tình cờ thì nhìn vào mức giá quảng cáo liên tục lập kỷ lục mới sau mỗi scandal, nhìn vào số tiền quảng cáo thu được lên đến vài chục, thậm chí cả trăm tỷ sau một mùa phát sóng, khó lòng nhà sản xuất truyền hình thực tế nào lại không “hoang mang” trong cách nghĩ về scandal. Phải chăng scandal không phải là thứ “tai họa” như cách họ vẫn nói với khán giả?
Theo vtc.vn