Trên thế giới, truyền hình thực tế có cách đây từ vài chục năm và vẫn duy trì độ hot qua mỗi mùa phát sóng. Thậm chí, nhiều chương trình có độ tuổi hơn 10 năm nhưng vẫn vẹn nguyên sức hút. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều ngôi sao như: Kim Kardashian, Paris Hilton, Oprah Winfrey, Ellen Degeneres, David Letterman, Jay Leno… đều có những chương trình mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ.
Rất nhiều show truyền hình thực tế đình đám: So you think you can dance, Dancing With the Stars, The Amazing Race, Top Chef, The Voice… đã được xướng tên tại giải Emmy danh giá.
Tuy nhiên, cơn bão truyền hình thực tế tại Việt Nam dù đang ở thời điểm bột phát mạnh mẽ nhất nhưng đã cho thấy xu hướng thoái trào và sự mất niềm tin nơi khán giả.
Show đầu tiên mùa thứ 2 của Cặp đôi hoàn hảo đã kém nhiệt
Cặp đôi hoàn hảo 2013 vừa khởi động đêm thi đầu tiên và sức hút của nó đã giảm nhiệt đáng kể so với mùa phát sóng đầu tiên cách đây 2 năm. Khán giả không còn mấy mặn mà với một phiên bản ca hát đã không còn sức hút và thiếu đi sự đột phá. Thêm vào đó, khi mà đội ngũ nghệ sĩ đình đám đã góp mặt hết trong mùa đầu tiên thì những ứng viên của mùa thứ 2 đã dần trở nên nhạt nhòa.
Trong danh sách 20 cái tên góp mặt tại cuộc thi năm nay, thật khó để dự đoán ai sẽ làm nên đột phá. Ngay cả sau đêm thi đầu tiên đã thiếu vắng hẳn những hiện tượng như Phạm Văn Mách, Cù Trọng Xoay hay những chân dài hát như Hà Anh, Ái Phương… như thời điểm năm 2011.
Nhiều người tự đặt ra câu hỏi, liệu chương trình sẽ nuôi sức hút bằng yếu tố nào: những chiêu trò scandal hay một chiến thuật vẫn được giấu kín. Câu trả lời lúc này vẫn còn là quá sớm nhưng nếu cứ đi lên bằng scandal, cũng tương tự như Bước nhảy hoàn vũ, khán giả sẽ không còn niềm tin ở chương trình này.
Có thể thấy, hiếm có chương trình truyền hình thực tế nào ở Việt Nam mà sức nóng của nó ở Việt Nam được duy trì và ngày càng thăng tiến. Khi mà công thức scandal + người nổi tiếng đã quá quen thuộc và dần đi vào lỗi thời vì “ngôi sao có hạn, thủ đoạn không còn vô biên” thì nó dần trở nên... mất thiêng.
Ngay cả những cuộc thi huy động tận các “hang cùng ngõ hẻm” các tài năng như Vietnam’s Got Talent trong mùa thứ 2 cũng đã giảm nhiệt đi đáng kể.
Vietnam's Got Talent mùa thứ 2 dù có nhiều đổi mới nhưng chưa thật sự đột phá
Còn nhớ, trong mùa phát sóng đầu tiên, rất nhiều các hiện tượng đã lộ diện từ các vòng loại, sân khấu như: Võ Trọng Phúc, Đăng Quân – Bảo Ngọc, cô gái xương thủy tinh Phương Anh, hiện tượng mạng Vũ Song Vũ… Tuy nhiên, tính đến thời điểm này khi đã qua 8 tập phát sóng, nhưng chương trình này vẫn chưa để lại được dấu ấn gì trong lòng khán giả.
Khi các tài năng đều ngang bằng nhau và không thật sự bứt phá, khán giả cũng thờ ơ với cuộc thi. Nhiều khán giả hoài nghi về cái gọi là “tài năng Việt” quá ít ỏi và hạn chế. Một số khác lại nhận định, không phải ai có tài cũng muốn mang tài đi thi thố. Điều này cũng giống như, không phải người đẹp nào cũng chấp nhận tham gia các cuộc thi.
Vì thế, có thể đúc kết rằng không phải những người đi dự thi là những người tài nhất, đẹp nhất. Nếu để dành tặng họ một danh hiệu, có lẽ họ là người dũng cảm và tự tin nhất.
The Voice lắm lùm xùm mùa đầu tiên khiến công chúng dần mất niềm tin
Bức tranh truyền hình thực tế Việt cũng đang cho thấy sự bất cập rõ ràng. Các cuộc thi ca hát xuất hiện quá nhiều và tràn lan. Từ chương trình truyền hình thực tế đầu tiên là Sao mai điểm hẹn cho đến sau này là Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Cặp đôi hoàn hảo… các format đều có các điểm na ná nhau. Vẫn cứ chiêu bài scandal, hát nhép, dàn xếp kết quả… chúng nhanh chóng đánh cắp niềm tin của công chúng và theo đó sức hút còn lại chẳng đáng là bao.
Ở một phương diện khác, nhiều chương trình mang đúng nghĩa thực tế cũng bắt đầu vào cuộc. Đó là Cuộc đua kì thú, Tôi là người dẫn đầu, Thử thách cùng bước nhảy, Siêu đầu bếp, Vua đầu bếp… Việc bùng nổ này cũng là một điều tất yếu của truyền hình thực tế Việt nhưng dường như tất cả đều bước đi “chệch choạc”, thiếu hẳn chiến thuật hút khán giả.
Thành công như Thử thách cùng bước nhảy cũng rất hiếm hoi
Ngoại trừ thành công đầy bất ngờ của Thử thách cùng bước nhảy khi lần đầu tiên hé lộ cho công chúng một phiên bản khác lạ - một cuộc thi về nhảy múa thì các chương trình khác đều thể hiện sự đuối sức ngay trong mùa phát sóng đầu tiên.
Từng đó chương trình thôi đã khiến khán giả cảm thấy “chóng mặt” nhưng cuộc đổ bộ của các show truyền hình thực tế chưa dừng lại ở đó.
Điển hình nhất đó là sự ra đời của một chương trình mới toanh mang tên Gương mặt thân quen. Với một format lạ mà quen, quen mà lạ chương trình bước đầu cũng được khán giả đón nhận khá nhiệt thành.
Theo những thông tin rò rỉ trên báo chí thì sau phiên bản The Voice cho người lớn thì sẽ có The Voice Kids dành cho các em nhỏ. Một số các cuộc thi ca hát lớn như: X Factor, The Winner… cũng đang rục rịch đổ bộ vào Việt Nam. Trong tương lai không xa, mô hình các show truyền hình thực tế của các ngôi sao cũng đang lăm le tấn công showbiz Việt.
Những show thực tế như Cuộc đua kì thú sẽ sống nhờ yếu tố nào?
Trên một phương diện nào đó, các show truyền hình thực tế đã tạo nên một bức tranh sôi động với những cuộc cạnh tranh đầy thú vị giữa các “đại gia truyền thông”.
Từ các cuộc thi rất nhiều nhân tố mới, lạ và có sức hút đã xuất hiện. Tuy nhiên, nếu cứ phát triển theo dạng “phi mã” và khó “cầm cương” như hiện tại, thật khó để nói trước về một tương lai lâu dài của truyền hình thực tế Việt.
Nếu muốn tiến lên thành một nền công nghiệp giải trí thực thụ, câu chuyện “ăn xổi ở thì” có lẽ cũng sớm cần kết thúc.
Khám phá