Ở tập 10 của “Bố ơi Mình đi đâu thế?”, khán giả đã có những giây phút hồi hộp nghẹt thở khi chứng kiến các bé Bờm, Bo, Suti và Tê Giác chông chênh trên chiếc ghe nhỏ xíu, sợ có phù thủy và cá sấu... và khán giả cũng không nhịn được cười cũng như cảm động trước cảnh các ông bố lấm lem lặn lội trong bùn đất với những chiếc nơm để bắt cá bằng tay không, và rồi khi bắt được thì lại bị vuột mất… để có cho các con một bữa cơm khá tươm tất với món cá chiên, và một vài món khác được mua từ số tiền bán cá. Kết thúc tập 10, bốn bố con đã đủ năng lượng để chuẩn bị tập dượt cho vở kịch. Tập 11 đã mang đến buổi công diễn vở “Ba Giai Tú Xuất” phiên bản “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” đầy ắp tiếng cười và nhiều điều hấp dẫn.
Đúng với tất cả khả năng và sở trường của mình, ông bố Trần Lực được vào ngay vị trí chỉ đạo diễn xuất, Phan Anh đương nhiên đảm nhận vị trí MC kiêm nhắc tuồng, Hoàng Bách và Minh Khang đóng vai người hầu diễn chung với các bé. Các bé rất hào hứng diễn tập các thao tác múa hát, đọc lời thoại theo kịch bản mà các ông bố đang nhắc tuồng. Phan Anh còn âm thầm chỉ bảo riêng cho con gái yêu cách lúng liếng, ngoe nguẩy rất đáng yêu khi diễn xuất để có thể nhập vai tốt hơn. Phần này các bé khá hồn nhiên và thoải mái luyện tập do có các ông bố tập chung và hướng dẫn tỉ mỉ.
Không chỉ là một chương trình giải trí, một sân chơi đầy ắp tiếng cười, “Bố ơi mình đi đâu thế?” còn là dịp để các ông bố dạy bảo cho con mình cách làm người, sống tự lập, mạnh mẽ hơn… Phan Anh chia sẻ: “ Thực sự mình thấy con đã có sự tiến bộ, tiến bộ hơn bố rất nhiều. Bố thay đổi thì ít nhưng con thay đổi thì nhiều, tuy không như mình mong đợi nhưng rõ ràng là Bảo Anh của những ngày đầu tiên sẽ rất khác với Bảo Anh của những ngày bây giờ. Con có một cái tật rất là xấu đó là chỉ làm những gì con thích mà thôi, con chỉ muốn mọi người phải theo con mà thôi. Đấy là thói quen từ quá lâu rồi, con không sửa được. Nhưng đến chương trình này thì con đã sửa được, con đã biết chịu khó làm cả những việc mà con không thích nhưng con hiểu rằng con phải làm vì đó là trách nhiệm của bản thân con, con đã ý thức được trách nhiệm của mình. Đó là điều vô cùng đáng mừng”.
Tuy nhiên không dừng lại ở đó, các bé còn có một nhiệm vụ rất quan trọng cần phải hoàn tất đó là đi loan tin đến người dân trong vùng và mời mọi người đến xem buổi diễn vào buổi chiều tối. Hoàng Bách đã mách nước cho hai bé Tê Giác và Bo nội dung của lời mời: “Tối nay 6h tụi con diễn vở kịch ở quán bánh xèo, mời dì tới chơi, tới coi tụi con diễn vì tối tụi con về rồi…”, thế nhưng bé Suti vẫn sợ và nói: “Nhưng mà con không biết mời…” và mãi cho đến khi chị cả của nhóm trấn an là chị sẽ mời thì bé Suti mới yên tâm.
Trở ngại đầu tiên của chuyến hành trình đi mời khán giả đó là chiếc cầu ván có tay vịn bằng tre, bé Suti sợ quá không dám đi qua chiếc cầu mong manh bé xíu thế là mấy anh chị phải quay trở lại dắt em đi cùng qua cầu. Mặc dù còn rất nhát và ngại ngùng nhưng bốn bé đã cùng nhau đi rung chuông khắp làng trên xóm dưới, đến từng nhà để mời bà con khán giả đến xem buổi diễn của các ông bố và các bé cùng diễn.
Sau khi đi mời bà con khán giả ở khu chợ, các bé tìm đường trở về với bố. Thế nhưng do khu chợ có quá nhiều đường nhỏ nên các bé bị hoang mang không nhất trí và cuối cùng mỗi em đi một ngả khiến cho bé Suti bị lạc khá lâu, khóc sướt mướt đi lòng vòng trong khu chợ mãi không thoát ra được.
Trong khi các bé đi mời khán giả, các ông bố ở nhà còn có một nhiệm vụ cao cả cần thực hiện đó là dựng sân khấu với nguyên vật liệu thô sơ và những gì có sẵn xung quanh như: những chiếc rổ tre, những chiếc nơm, những cây chuối ven đường… Và một sân khấu dã chiến đã được hoàn tất bởi công sức của các ông bố. Để thêm phần đặc sắc, các ông bố còn hóa trang mặt hề cho chính mình và hai cậu bé trai để gây cười cho khán giả.
Thế nhưng đôi khi mọi sự không suôn sẻ như mọng đợi, một cơn mưa bất chợt kéo đến ngay trước giờ diễn ít phút. Rất đông khán giả đã kéo đến sân khấu nhỏ ngay giữa miền quê sông nước, và cơn mưa nặng hạt cũng dường như không đẩy lùi được sự háo hức và tình cảm của bà con nơi đây dành cho đoàn hát của các bố con. Mọi người vẫn kiên trì ngồi đợi mưa tạnh, trong khi đó sự lo lắng bắt đầu hiện lên ngày càng rõ nét trên khôn mặt của các ông bố. Và ông trời quả không phụ lòng người, chỉ một lát sau là mưa đã nhẹ hạt.
Những tràng cười rộn rã đã vang lên không ngớt ngay khi Phan Anh xuất hiện với vai trò người dẫn chương trình cho vở kịch trong trang phục áo bà ba đóng thùng, dở dang, xộc xệch và quần vải đen xắn ống thấp ống cao đến đầu gối. Lối diễn hồn nhiên của các bé, sự hài hước của ông bố Minh Khang khi giả gái quấn khăn và mặc chiếc váy ống dài và Hoàng Bách đóng vai người hầu rất nhập tâm và hồn nhiên xem giấy khi đọc lời thoại trên sân khấu đã khiến khán giả cười suốt từ khi mở màn cho đến khi vở kịch kết thúc.
Một món quà đặc biệt cuối tập 11 mà nhạc sĩ Minh Khang dành tặng cho khán giả ngay trên sân khấu kịch đó là ca khúc “Mãi mãi bên con” do chính anh sáng tác. Anh tâm tình về ca khúc này: “Chỉ sau 2 chuyến đi thôi, trái tim tôi đã khao khát và tôi viết rất nhanh ca khúc “Mãi mãi bên con”, viết trên giấy và sau đó về nhà tôi viết lại và hát tới hát lui. Chính chương trình Bố ơi mình đi đâu thế? đã làm nên tác phẩm này. Tôi hy vọng tác phẩm này sẽ là một đề tài về tình cha con thiêng liêng, và mong rằng những đứa con ít tiếp xúc với cha, những người cha ít quan tâm tới con, khi nghe ca khúc này thì tình cảm cha con sẽ ngày càng khắng khít hơn…”. Tập tiếp theo của “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” sẽ có gì thú vị? Hành trình mới lạ nào đang chờ đón các bố con? Tất cả sẽ được bật mí trong chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” được phát sóng vào 12h thứ 7 ngày 17/1/2015 trên kênh VTV3.
Sơn Trí (Theo Giadinhvietnam.com)