Mặc dù ngày càng trở thành một công cụ truyền thông, giải trí mạnh mẽ nhưng Internet vẫn chưa tỏ ra ưu thế vượt trội so với các phương tiện truyền thông truyền thống như truyền hình. Ở lĩnh vực giải trí gameshow, sự lấn át của các format nước ngoài đang mở ra một giai đoạn khán giả được ồ ạt tiếp nhận rất nhiều các chương trình giải trí hấp dẫn và rất được yêu thích khác nhau, đặc biệt là khi được phát sóng vào khung giờ "vàng" của các Đài truyền hình (khung giờ có tỷ lệ người xem cao nhất).
Sự hấp dẫn và kịch tích của các format, cùng với những úp mở và đưa đẩy của truyền thông những vấn đề hậu trường của các gameshow đã chứng minh một cách rõ nét sức hút và tác động nhận thức với những người theo dõi các gameshow hiện nay. Những háo hức được đón xem các tập phát sóng của các gameshow kèm theo các tranh luận, phỏng đoán, đánh giá ngày càng sôi nổi theo từng tập phát sóng đã giúp cho các gameshow ngày càng có lượng khán giả theo dõi đông đảo. Và từ đây, những bảng giá cho các đoạn quảng cáo trước và trong các chương trình này đã được nhà đài thực hiện nhằm thu về nguồn lợi lớn nhất từ các chương trình.
Mẹ của một thí sinh Vietnam's Got Talent từng gây xôn xao
dư luận về chương trình
Thời điểm hiện tại, khán giả Việt Nam đang dành rất nhiều sự quan tâm và yêu thích dành cho 2 chương trình Vietnam's Got Talent và Bước nhảy Hoàn vũ. Đây là hai gameshow lần lượt được mua về thực hiện tại Việt Nam từ phiên bản Got Talent và Dancing with the stars, cũng đã được triển khai sản xuất tại nhiều quốc gia. Và hiện đang giữ vị trí "quán quân" các chương trình có giá quảng cáo đắt nhất Việt Nam hiện nay.
Chương trình có tỷ lệ người xem càng cao, giá quảng cáo để các nhãn hiệu xuất hiện trong chương trình càng lớn. Để có được một đoạn quảng cáo có độ dài 10s, 15s, 20s, 30s trong những chương trình có số lượng người xem khá cao như Vietnam's Got Talent hay Bước nhảy Hoàn Vũ, một nhãn hàng, sản phẩm sẽ phải bỏ ra lần lượt 75 triệu, 90 triệu, 112,5 triệu và 150 triệu đồng (Việt Nam). Đây là một con số không hề "rẻ" đối với các nhà quảng cáo và giải thích lí do vì sao hầu hết các sản phẩm chen chân để được phát sóng trước và trong các chương trình trên đều là các thương hiệu lớn. Giá quảng cáo trên là một bài toán kinh doanh khó khăn ngay cả đối với các thương hiệu mạnh và gần như nằm ngoài khả năng của các thương hiệu nhỏ vì số tiền phải bỏ ra quá lớn vì thường các thương hiệu không mua một vài lần phát sóng (spot), mà mua với số lượng lớn nên kinh phí quảng cáo sẽ bị dội lên nhiều lần.
Áp dụng theo khung giờ có sẵn, Vietnam's Got Talent trải dài từ 20h-21h nhưng hầu như trong các tập phát sóng, kết thúc chương trình luôn rơi vào thời điểm 21h20, tức là vượt 20 phút ngoài chương trình. Ngoài việc biên tập cắt gọt nội dung, chèn quảng cáo trong 1h nói trên, thì việc vượt ngoài khung giờ tới 20 phút cho thấy lượng quảng cáo và tiền quảng cáo chương trình này thu về không hề nhỏ. Đối với Bước nhảy Hoàn vũ, không ít khán giả theo dõi chương trình đã phải "la ó" về số lượng quảng cáo quá nhiều, và dày đặc được phát sóng mỗi lúc chờ đợi các phần thi của các thí sinh khiến cho chương trình kéo dài tới tận nửa đêm. Có lẽ vì đã tiên đoán được điều này mà Bước nhảy Hoàn vũ đã có riêng một khung giờ cho mình, và cũng là dài nhất so với các gameshow (3 tiếng - từ 21h00 cho tới 24h00).
Giá quảng cáo của VGT và Bước nhảy Hoàn Vũ hiện đang ở mức cao nhất trong khung giờ vàng của VTV3 trong tương quan các chương trình giải trí được phát sóng cùng khung giờ từ thứ 2 tới thứ 7. "Đối thủ" duy nhất có thể ngang bằng sức cạnh tranh với VGT, và Bước nhảy Hoàn vũ chính là khung giờ giữa 2 bản tin Dự báo thời tiết và Thể thao 24/07 vì khung giờ này bị khống chế nên muốn quảng cáo phải tiến hành đấu giá.
Càng nhiều scandal, Bước nhảy Hoàn vũ càng thu hút khán giả (!)
Truyền thông "tự nguyện" đi theo các gameshow Vietnam's Got Talent, Bước nhảy Hoàn vũ đã kích thích sự theo dõi của khán giả với các chương trình nói trên như một "món ăn" hàng ngày và là đề tài được yêu thích trên các diễn đàn, báo chí. Dù Vietnam's Got Talent thu hình, biên tập trước rồi phát sóng sau, không truyền hình trực tiếp nào như cam kết ban đầu nhưng lại được "đẩy" lên mạnh mẽ qua những bài báo phân tích, phê bình các màn trình diễn, thậm chí các scandal càng khiến số lượng người xem trở nên "khổng lồ". Bước nhảy Hoàn vũ được song hành rất tỉ mỉ bởi các báo mạng, từ khi chạy chương trình, tổng duyệt cho tới đêm diễn hay các sự kiện hậu trường. Bởi chỉ cần nhìn vào sự thành công về lượng độc giả truy cập 2 mùa thi vừa qua, cũng dễ thấy Bước nhảy Hoàn vũ là một trong những tiêu đề rất ăn khách nhằm thu hút độc giả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi từ đơn vị khai thác quảng cáo của Đài truyền hình Việt Nam, ngoài Vietnam's Got Talent, Bước nhảy Hoàn vũ, thì Vietnam's Next Top Model, Cặp đôi hoàn hảo và sắp tới đây là The Voice, Vietnam Idol và một số chương trình đặc biệt sẽ áp dụng giá quảng cáo theo thông báo riêng. Điều này dự báo sẽ có một cuộc "chạy đua" không ngừng nghỉ của các gameshow, và đáng buồn là sân chơi này không hề có bóng dáng của bất cứ một format gốc nào từ Việt Nam.
2Sao