Nhắc đến Cát Phượng, khắc họa trong lòng công chúng là một chân dung đa tài được bảo chứng qua hàng loạt vai diễn. Cô gần gũi công chúng qua các vai hài và đánh dấu thực lực cùng những vở bi. Để chinh phục khán giả, Cát Phượng đã hun đúc vốn liếng cảm xúc từ chính số phận bão nổi mà đã chỉ mình cô trơ trọi nơi đầu ngọn. Được giới mộ điệu yêu mến, đồng nghiệp ngưỡng vọng nhưng ai biết chuyện đều “thấy bà Cát vừa thương vừa tội”. Tại chương trình "Sau ánh hào quang", Cát Phượng cất đi lớp vỏ xù xì và chân thành chia sẻ: “Cát mặc đằm thắm lại để khán giả cảm thấy dễ chịu hơn khi trò chuyện cùng mình”.
Cát Phượng se duyên với nghệ thuật vào năm 1990. Ngày ấy, thầy cô của trường sân khấu lặn lội đến từng miền quê để tuyển lựa tài năng. Khi đến Bạc Liêu, cô thôn quê Cát Phượng đã lọt vào mắt xanh của ban thẩm định để trở thành sinh viên chính thức của trường. Đam mê và tự gặt hái cơ hội nhưng Cát Phượng lại bị cha mình - ký giả kịch trường Huỳnh Kỳ phản đối gay gắt. Là một ngòi bút nổi tiếng trong diễn đàn văn nghệ, cha cô thường xuyên thâm nhập vào đời sống nhiều lần khuất của giới nghệ sĩ thời bấy giờ. Đằng sau thế giới phù hoa là bao vũng lầy ngụy tạo. Chưa kể, lắm kẻ mượn danh nghệ sĩ để làm nhiều điều nhơ nhuốc, mưu cầu lợi danh. Sợ con nhúng chàm cạm bẫy, ông lạnh lùng ngâm: “Trồng trầu trồng lộn dây tiêu, con đi hát bội mẹ liều con hư” khi thầy cô hết lời dạ thưa để xin cho Cát đi học. Vậy mà, mơ ước được diễn của cô bé vẫn cuồn cuộn dâng. Cha Cát Phượng dùng dây xích để xiềng chân con mình vì cho rằng đó là một giấc mơ mạo hiểm. Lắm lúc, Cát Phượng như hóa điên, ngồi diễn hát giữa màn mưa lẫn với nước mắt.
Bị kìm hãm nhưng sân khấu đã chiếm lĩnh con tim lẫn lý trí của Cát Phượng. Chính niềm đam mê ấy đã thôi thúc bước chân lấm phèn từ Bạc Liêu lên Sài Gòn để thi vào trường sân khấu. Và rồi, chữ “cát” đã hiện hữu khi cô xuất sắc đậu hệ A và nhận 70 ngàn đồng học bổng. Cứ thế, Cát Phượng giấu cha đi học trong âm thầm vì ám ảnh cảnh xiềng xích. Sau 3 tháng, Cát Phượng lấy hết can đảm, cắn môi sứt máu mong cha chấp nhận canh bạc của đời mình. Cô xin cha 10 năm, nếu không sống được với nghề thì sẽ về quê lấy chồng trả hiếu. Cát Phượng kể lại lời thế với cha: “Con hứa sẽ không làm gái, không lừa gạt một ai để không làm ô uế thanh danh của cha và gia đình”. Cha cô đã khóc và lặng lẽ rời Sài Gòn cùng những dòng chữ: “Cha thương con lắm”. Suốt 10 năm trời, ông không liên lạc với Cát Phượng vì sợ con gái “khổ nhưng không dám kể”.
Cát Phượng khổ thật. Những tháng đầu tại Sài Gòn, cô sinh viên nghèo luôn lâm vào cảnh túng thiếu vì đã nghèo lại hay hào sảng. Cô thường nói dối mẹ rằng mình được mời đóng quần chúng nhiều lắm nhưng kỳ thực lại đang trắng tay. Cát Phượng lao vào đóng phim “mì ăn liền” tìm thù lao từ 3 triệu xuống vài trăm, chia lại cho các bạn khổ hơn mình trong trường. Tưởng chừng đã bám được phao cứu sinh, Cát Phượng chới với khi bị đuổi học sau 7 tháng vì “ham chạy show”. Khi không còn tiền, Cát Phượng uống nước trừ cơm thậm chí đi bán máu để lấy được 20 ngàn. Chết ngợp trong con sóng mưu sinh, Cát Phượng bất ngờ khi được Phước Sang - nhà sản xuất “máu mặt” mà cô hết mực kính nể đưa tay cứu vớt. Cô kể: “Ngày đó Cát hút thuốc như đàn ông nhưng thấy anh Sang là vất điếu thuốc, cúi mọt người chào liền”.
Mang chữ “Cát” trên danh xưng nhưng hạnh phúc lại đến với Cát Phượng chẳng trọn vẹn.
Cát Phượng yêu nhiều và tan vỡ rất nhiều. “Nếu những cuộc tình đều kết thúc trong yên bình thì chia tay Thái Hòa là điều tổn thương nhất” - nữ nghệ sĩ thừa nhận trong nước mắt. Cát Phượng và Thái Hòa quen nhau lại sân khấu Phú Nhuận trong một buổi tập kịch. Ngay từ giây phút đầu, nữ nghệ sĩ tên tuổi đã bị nét duyên dáng của người em Thái Hòa thu hút. “Với chị trai đẹp là tầm thường. Đàn ông xấu nhưng có tài và có duyên mới đáng để chú ý” - Cát Phượng chia sẻ. Thấy Cát Phượng khúc khích cười, Thái Hòa ngại ngùng hỏi: “Bộ em diễn vui lắm hả chị” thì được đàn chị động viên, tuyên bố anh sẽ nổi tiếng trong tương lai. Sau hôm ấy, Thái Hòa thường chủ động tiếp cận Cát Phượng. Chưa thành danh và có nguồn thu ổn định nhưng anh vẫn mời “cô Cát” ăn xôi từ tiền diễn quần chúng của mình. Một ngày nọ, Thái Hòa bất ngờ nói: “Chị, em yêu chị”. Đối diện với lời tỏ tình của trai trẻ nhưng Cát Phượng vẫn rất bình tĩnh vì “người ta thương chị nhiều lắm”. Nghe thế, Thái Hòa thẳng thắn: “Em yêu theo cách trai yêu gái, nếu cưới vợ em sẽ cưới người mạnh mẽ nhưng cũng yếu đuối như chị”.
Và rồi, “trai xấu” Thái Hòa đã chiếm lấy trái tim Cát Phượng bằng “những đòn tấn công hơi bị hay”. Thái Hòa - Cát Phượng đến với nhau rất nhanh và yêu bằng bản năng. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Mang thai được 3 tháng rưỡi mà chị còn không biết”. Sinh con được 10 tháng, Cát Phượng thành hôn cùng Thái Hòa vào lễ đường ở tuổi 34 rồi nhanh chóng chia tay như cách họ lao vào nhau.
“Ông là gì của tôi?” - Cát Phượng nhớ lại khoảnh khắc chất vấn chồng cũ trong đêm định mệnh. Cùng cơn sốt “Gala cười”, Cát Phượng ở giai đoạn đó luôn bận rộn với lịch quay hình dày đặc từ 4 giờ sáng đến mịt tối. Thế nhưng, Thái Hòa khi ấy vẫn là 1 nghệ sĩ trẻ chưa tạo dựng được vị trí trong thế giới nghệ thuật lắm đua ganh. Cứ thế, một thân Cát Phượng đơn độc bôn ba khắp nơi khi Thái Hòa chủ yếu làm việc tại nhà. Lắm lúc, cô chạnh lòng nghĩ: “Mình có chồng để làm gì?” khi thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc. Có lần, Cát Phượng cố tình nhờ 1 đồng nghiệp nam nhắn tin mùi mẫn cố ý cho Thái Hòa thấy nhưng đáp trả cô là sự thinh lặng đáng sợ. “Tôi chỉ mong ông ấy lồng lộn lên với mình” - Cát Phượng ngậm ngùi nói. Ngụp lặn với cô đơn, Cát Phượng lớn tiếng đề nghị Thái Hòa dẹp bỏ tự ái để yêu thương mình nhiều hơn. Vậy mà, Thái Hòa vẫn phớt lờ. Trong tích tắc, nữ nghệ sĩ buông nhẹ 2 chữ “ly dị” được nối liền bởi lời đáp “Viết đi tui ký” nhanh như cát chảy từ Thái Hòa. Nước mắt Cát Phượng rơi nhòe trên đơn ly hôn sau 7 ngày mặc váy cưới.
Sau ly hôn, Cát Phượng bước vào cuộc sống thê thảm về vật chất lẫn tinh thần. Dẫu chia tay nhưng Thái Hòa và Cát Phượng vẫn ở chung nhà nhưng trong 2 căn phòng khác nhau. Mỗi lần cảm sốt, “cô Cát” hài hước trên sân khấu tủi thân ngẫm nghĩ: “Nếu không ly dị, mình than nhức đầu thì biết đâu đã có viên thuốc để uống…”.
Thời điểm ấy, Thái Hòa đang viết “Người vợ ma” - vở diễn bước ngoặt và là một cú sốc trong giới kịch nghệ cho đến tận bây giờ. Mỗi khi dựng xong 1 cảnh, anh lại đẩy qua khe cửa để vợ cũ đọc và chỉnh sửa giúp mình rồi chạy về phòng khóc. Cát Phượng thừa nhận trong nước mắt: “Chia tay rồi mà nhiều đêm thấy ổng nằm co ro chị thương quá…”. Cát Phượng tiếp lời: “Cái sai của tôi là quyết định ly dị nhưng sai lớn nhất là vì sao ông không nói với tôi một lời nào”. Cô ước gì Thái Hòa đã níu tay mình lại.
Sau khi bán nhà, Cát Phượng và Thái Hòa chính thức không còn dưới 1 mái ấm nữa. Lâm vào cảnh túng thiếu, nhiều đêm Cát Phượng vừa dỗ con vừa lẩm bẩm: “Mẹ xin lỗi con” vì chẳng còn tiền cháo sữa. Nữ nghệ sĩ đã phải cầu cứu, mượn Việt Hương 20 triệu để làm lại từ đầu. Đến giờ, Cát Phượng vẫn mang ơn Việt Hương vì lời nói “Chị cứ giữ, khi nào có hãy trả. Em không đòi”. Nghĩ đến con, Cát Phượng cho phép mình có 6 tháng để vượt qua nỗi đau tan vỡ và làm lại từ đầu.
“Cô không bao giờ được mặc áo cưới vì nếu mặc, cô sẽ chẳng bao giờ được sống với người ấy trọn đời”. Đó chính là lời mà thầy đã phán Cát Phượng. Thế nhưng, trái tim của Cát lại loạn nhịp một lần nữa khi Kiều Minh Tuấn - “thằng nhóc” diễn viên kém 18 tuổi thì thầm: “Chị, em yêu chị” - một sự khởi đầu hệt như lần tan vỡ đầu tiên.
Diễn viên Cát Phượng rơi nước mắt kể chuyện ly hôn Thái Hòa sau 7 ngày cưới
Lam Khánh (Theo Giadinhvietnam.com)