Mới đây, trên trang cá nhân của một nhà báo nổi tiếng chuyên viết về văn hóa - giải trí có chia sẻ khá dài về nhân vật bà Xuân trong "Hương vị tình thân". Trong đó có đoạn: “30 năm làm vợ anh, nhưng em vẫn là một người dưng”, “em cô đơn lắm”... Xuân đã thốt lên như thế! Ừ, đúng, đúng là Xuân vụng về, kênh kiệu, vô dụng, ăn rồi ngồi chơi cũng không nên hồn, xứng đáng được khán giả vả vào mặt, vân vân và vân vân... Đúng hết! Nhưng, Xuân vẫn là một người đàn bà. Cô ấy có sự nhạy cảm của phụ nữ để hiểu được, cảm nhận được cái tình cảm chân thật, cái sự quan tâm thực sự của chồng con và người thân trong gia đình, thậm chí ngay cả mẹ đẻ mình. Không có lý do gì tự nhiên cô ấy thốt ra những lời cay đắng ấy.
Thật sự, cay đắng và đau đớn nhất chính là “cô đơn trong chính ngôi nhà của mình”. Xuân luôn cảm thấy cô đơn, cho dù trong con mắt mọi người bên ngoài thì cô luôn được chồng chiều chuộng, con thương yêu. Nhưng, thẳm sâu trong tâm hồn Xuân, sâu trong trái tim của cô ấy, có lẽ cô đã không cảm nhận được những tình cảm ấy. Chỉ có cô là hiểu mình nhất. Khang muốn Xuân chăm sóc mẹ chồng, nhưng đâu phải ai cũng được lòng bà cụ như Nam đâu. Với một người bà đã đi qua thanh xuân với bao biến cố, chất chứa trong lòng nhiều ẩn ức, lại mắc bệnh già lúc nhớ lúc quên, khó tính và khó chiều, thì không phải ai cũng chiều được đâu. Có người sẽ so sánh, tại sao Nam lại chăm được bà mà mẹ Xuân và Thy không làm được. Nhưng lật lại vấn đề là, bà cụ sẽ chỉ nghe Nam và con trai Khang, thì những người như Xuân, như Thy sao có thể là người tâm giao. Ngay từ tâm thế của bà cụ đã không muốn rồi, thì hai mẹ con Xuân - Thy có làm gì cũng sẽ khiến bà không hài lòng. Các cụ có câu: “Không ưa thì dưa có giòi”. Nên, Xuân thật đáng thương. Suy cho cùng, phụ nữ luôn là nguời thiệt thòi nhất trong mọi chuyện".
Ngay phía dưới phần bình luận, khi đọc được những đoạn bênh vực bà Xuân, NS Xuân Bắc nêu lên nhận xét của mình. "Ôi, nhà Phụ nữ học đây rồi. Từ đầu dư lào? Xuân là ai? Xinh không? Nếu những phân tích của cụ là đúng về Xuân (ăn không ngồi rồi cũng hỏng, vô dụng...) thì phải lấy làm mừng cho Xuân khi lấy được ông Khang chứ. Vì sao ư!? Vì với tính cách đấy, con người đấy mà lấy phải mấy chế Xã hội hoặc nghiện rượu thì nó phải tẩn cho 3 ngày một trận nhỏ, 5 ngày một trận lớn - chưa kể ngày lễ và Chủ Nhật. Tiếp nữa, ông Khang có mong muốn hạnh phúc không? Tất nhiên là có, nhưng với người vợ như cụ đánh giá thì khó như lên trời. Tiếp phát nữa, nếu chúng ta cứ bênh người như Xuân thì những người phụ nữ với những đức tính tốt đẹp và không ngừng thay đổi tích cực ngoài kia làm gì còn động lực!? Đặt thêm một câu hỏi, một người như Xuân thì sẽ lấy một người chồng như thế nào thì chúng ta mới mừng cho cô ấy hay đến lúc đó lại chửi bố thằng chồng lên vì ngu, vì đụt, vì yếu đuối vì mù quáng... Tóm lại, suy cho cùng, trên đời ai cũng vừa đáng thương vừa đáng trách hết (kể cả những tội phạm nguy hiểm). Nên Xuân ơi, em muốn không cô đơn trong chính ngôi nhà của mình thì em có thể chọn trong 3 cách: 1 - Tự thay đổi mình để người khác thay đổi cùng. 2 - Chấp nhận cuộc sống như vậy. 3 - Xóa ván cờ cũ, bày ván mới đánh lại từ đầu và như Xuân thì lại Chẵn Lẻ thôi.
Trời mưa, viết tí cho vui (ở đây mới dám nói to). Cụ em và các chế cứ lo cho Xuân đi, tôi phải chuẩn bị ăn cơm không thì "Xuân" nhà tôi, cô ấy cho biết thế nào là Hương Vị" - Xuân Bắc viết.
Đoạn bình luận gây xôn xao của danh hài Xuân Bắc
Đoạn bình phẩm vừa hài hước vừa thâm thúy của Xuân Bắc nhận được sự tương tác lớn. Hiện, bình luận trên vẫn đang gây xôn xao với hàng trăm i-con "thả tim", "haha" và lượt "like" từ bạn bè, đồng nghiệp, cư dân mạng và người hâm mộ.
Hoàng Vũ (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)