Trong thời phim truyền hình được sản xuất và phát sóng nhiều như hiện nay, chuyện một bộ phim lặng lẽ lên sóng rồi…lặng lẽ xuống sóng là bình thường. Thế nhưng, với phim của Vũ Ngọc Đãng, một đạo diễn từng được khán giả yêu thích qua: Bỗng dưng muốn khóc, Tuyết nhiệt đới, Ngôi nhà hạnh phúc... cộng hưởng bởi dàn diễn viên trẻ, bối cảnh đẹp, quảng bá rầm rộ trước ngày lên sóng, luôn được khán giả kỳ vọng.
Họ mong chờ Vũ Ngọc Đãng bằng thương hiệu vốn có của mình sẽ "làm nên chuyện" trong Vừa đi vừa khóc vốn được đạo diễn này cho rằng đã ấp ủ suốt 4 năm nhưng rồi vẫn thất vọng nhiều. Đến thời điểm này, phim quả thật "vừa xem vừa ngán" bởi sự cũ kỹ, lặp lại một cách thiếu sáng tạo so với những phim trước đây của mình.
Một cảnh trong phim Vừa đi vừa khóc
Những bất hợp lý đáng nói đầu tiên trong phim này là nhân vật bà nội (NSƯT Lê Thiện) không biết cháu mình-Đông Dương (Minh Hằng) là con gái giả trai. Đây là điều khó tin ở một người phụ nữ đã lên chức bà, quá giàu kinh nghiệm. Nhất là bà nội sống với cháu mình từ lúc cháu 12 tuổi, không lẽ nào nhận ra cháu mình thuộc giới tính nào. Chẳng lẽ cứ mặc quần áo nam, hớt tóc con trai, làm việc nặng nhọc là dễ dàng “qua mặt” mọi người được sao?.
“Nếu kịch bản để nhân vật bà nội bị…mù thì còn hợp lý, chứ mắt sáng vậy mà không phân biệt con gái-con trai mới lạ”- một khán giả thở dài. Ngay nhân vật Thêu ( Nhã Phương đóng) yêu đơn phương Đông Dương một cách cuồng nhiệt và say đắm như thế cũng khó thuyết phục. Nhân vật lố, tuyến nhân vật phụ, làm nghề buôn bán cá cảnh cũng gợi nhớ đến hình ảnh anh Hều do Hiếu Hiền diễn trong Bỗng dưng muốn khóc nhưng nhân vật này được xây dựng khá vô duyên. Nhân vật chính Hải Minh do Lương Mạnh Hải diễn cũng có tính cách, số phận và tất tần tật mọi thứ y hệt nhân vật Bảo Nam cũng do Hải diễn trong phim Bỗng dưng muốn khóc.
Vũ Ngọc Đãng lẩn quẩn với lối mòn cũ kỹ, quanh quẩn với hình tượng Lương Mạnh Hải, sự ưu ái đã đến mức này không phải là mù quáng thì còn là gì nữa?. Công bằng mà nói, Vũ Ngọc Đãng là một trong số ít đạo diễn được kỳ vọng nhiều vào khả năng sáng tạo với những ý tưởng hay, độc đáo. Nhưng cuối cùng với Vừa đi vừa khóc, anh không phải là “dậm chân tại chỗ” mà chính xác là một bước lùi đáng tiếc trong nghệ thuật.
Rõ ràng, Vũ Ngọc Đãng không chỉ bê nguyên xi dàn diễn viên trong phim này vào phim khác mà còn cả nội dung, tình tiết phim. Vì thế, khi xem, khán giả lập tức nhận thấy câu nói này, nhân vật này, cảnh quay này, tình huống này quen quá, hình như đã gặp ở đâu đó rồi. Vừa đi vừa khóc gây chú ý từ những tập đầu nhờ tên tuổi của đạo diễn và một vài diễn viên trong phim nhưng ngay sau đó khán giả như bị tạt “nước lạnh” vào mặt nên đã tình ra. Có thể phim vẫn có lượng khán giả chờ đợi, chăm chú theo dõi phim nhưng chưa hẳn vì yêu thích mà đơn giản là để biết được diễn tiến đến đâu, nó còn vô lý đến mức nào.
Không chỉ bị chê vì Vũ Ngọc Đãng lặp lại chính mình mà phim này còn gặp chỉ trích vì diễn xuất của diễn viên. Lương Mạnh Hải diễn quá gượng ép nhất là cảnh Hải Minh (Lương Mạnh Hải) và Bảo Quyên (Bảo Anh) bày tỏ tình cảm như đang cầm giấy đọc, chẳng cảm xúc gì và câu thoại quá sến. Sau khi Bảo Quyên về, hai cha con có những đoạn nói chuyện xúc động nhưng càng xem và nghe Lương Mạnh Hải diễn, thay vì rơi nước mắt khán giả lại thấy…tức cười vì sự khiên cưỡng quá mức.
Ngoài lối diễn "một màu", chất giọng của Lương Mạnh Hải ẻo lả lại hay khóc lóc, mềm yếu nên mỗi lời thoại của nhân vật không diễn đạt phù hợp với tâm trạng nhân vật (những phim trước đây, vai diễn của Lương Mạnh Hải đều được lồng tiếng). Một khán giả thốt lên sững sờ: “Nói chuyện gì mà nghe ghê quá! Y như đọc tiểu thuyết diễm tình vậy!”.
Không phủ nhận, trong phim này có những diễn viên diễn xuất tốt như Minh Hằng, một số tuyến nhân vật phụ như: nghệ sĩ Thanh Thủy lấy nước mắt khán giả với hình ảnh người mẹ làm nghề đi buôn ve chai để tìm chồng, con; "bà nội bá đạo" của nhân vật Đông Dương luôn mang đến tiếng cười mỗi khi xuất hiện; Hai nhân vật Thêu (Nhã Phương) và em gái Lụa (Ninh Dương Lan Ngọc) nhí nhảnh, dễ thương... Tuy nhiên, các tuyến phụ này do là hình ảnh lặp lại từ các phim trước nên cũng không đủ sức cứu bộ phim.
Làm phim theo ê - kíp không phải là chuyện xa lạ trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. Chuyện một đạo diễn đắt sô biến một diễn viên nào đó thành “gà nhà” rồi liên tục mời họ đóng phim quá phổ biến, như Victor Vũ - Vân Trang, Lưu Huỳnh - Đinh Y Nhung, Charlie Nguyễn - Thái Hòa... Một đạo diễn có tên tuổi từng tự tin khẳng định anh sẽ tiếp tục “chọn mặt gởi vàng” nếu anh tìm thấy ở người diễn viên ấy những nét mới hay có thể khai thác thành một hình ảnh mới. Vì thế, chẳng có gì đáng trách nếu những sự kết hợp này luôn mang lại sự mới mẻ!
Làm chung một ê- kíp giúp những người trong cuộc tìm thấy được tiếng nói chung trong nghệ thuật, nhưng điều đó không có nghĩa phải khiên cưỡng, cố ép mãi vào một mẫu nhân vật nhàm chán. Trong trường hợp Vũ Ngọc Đãng và Lương Mạnh Hải, khán giả đang nhìn thấy sự nhàm chán khi đạo diễn này cố gắng "đo ni đóng giày" cho "gà nhà" bằng những vai diễn giống hệt nhau với hình tượng: công tử nhà giàu, đẹp trai tốt bụng nhưng mềm yếu, mít ướt. Lối mòn sáo rỗng này khiến cho một đạo diễn từng được đánh giá cao đã bước thụt lùi trong sáng tạo nghệ thuật.
Theo Nld.com.vn