Có thêm 2 bộ phim kinh dị của các nhà sản xuất Việt Nam sẽ ra mắt vào cuối năm nay là "Lời nguyền huyết hải" và "Giữa hai thế giới". Có người hào hứng nói phim kinh dị "Made in Vietnam" đã đến thời, song kỳ thực, dòng phim này còn lắm nỗi truân chuyên...
Poster phim "Giữa hai thế giới" (sẽ ra rạp vào tháng 7 tới).
Trước năm 1975, phim kinh dị hoàn toàn vắng bóng trong điện ảnh cách mạng Việt Nam, trong khi đó, ở miền Nam, một vài phim đã từng làm mưa làm gió tại các rạp chiếu như "Lệ đá" (năm 1971, đạo diễn Võ Doãn Châu) hay "Con ma nhà họ Hứa" (năm 1973, đạo diễn Lê Hoàng Hoa).
Càng làm càng... dở
Vào đầu thập niên 1990, khán giả yêu điện ảnh Việt bắt đầu được chứng kiến sự trở lại của thể loại phim kinh dị với “Ngôi nhà oan khốc” và "Chiếc mặt nạ da người" của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín.
Bẵng đi một thời gian khá dài, vài năm gần đây, một số hãng phim tư nhân mới bắt đầu tham gia làm phim kinh dị như hãng Phước Sang hợp tác với Hàn Quốc làm phim "Mười", Hãng phim Chánh Phương cho ra mắt "Suối oan hồn", "Ngôi nhà bí ẩn", "Chết lúc nửa đêm".
Hãng phim Thiên Ngân trong 2 năm liền (2009 và 2010) đầu tư 2 dự án phim kinh dị để chiếu Tết là "Khi yêu đừng quay đầu lại" và "Bóng ma học đường"... Mới đây, có 2 dự án phim dự định sẽ ra rạp vào cuối năm nay là "Giữa hai thế giới" của đạo diễn Vũ Thái Hòa và "Lời nguyền huyết hải" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Cảnh trong phim "Bóng ma học đường".
Trái với chiều hướng càng làm càng hay, càng lên tay của dòng phim kinh dị ở các nước, phim kinh dị Việt Nam có xu hướng càng làm càng... dở vì nhiều lý do: Kịch bản thường thường, diễn viên diễn chưa tới, đầu tư kỹ xảo còn nhiều hạn chế... Tất cả các phim trước khi ra rạp đều được tung hô bằng những lời quảng cáo có cánh, thế nhưng khi ra mắt khán giả, tất cả chỉ là một sự thất vọng ê chề.
Xem phim "Mười", khán giả thất vọng vì yếu tố kinh dị quá mờ nhạt. Bộ 3 phim của Hãng Chánh Phương thì ngắn quá, chỉ 45 phút/tập phim, khán giả vào rạp chưa kịp có cảm giác rùng rợn, ghê sợ thì... đèn đã bật sáng. Phim "Khi yêu đừng quay đầu lại" bị đánh giá là "dở dở ương ương" chẳng ra thể loại tâm lý hay kinh dị. Còn dự án phim 3D đầu tiên của Việt Nam mang tên "Bóng ma học đường" lại là một nỗi thất vọng lớn.
Minh Anh - một khán giả tuổi teen ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận xét: "Phim "Bóng ma học đường" để chiếu Tết mà chất lượng quá tệ. Ma, quái các kiểu thấy quá bình thường, kỹ xảo video thì như của học sinh mới học được vài chiêu làm ra. Mới nghe tên phim, em cứ tưởng nói về một sự tích bí ẩn nào đó của trường học, ai dè coi thì chả có cái gì, đã thế phim lại còn đưa thêm mấy cảnh cởi đồ, xé áo chẳng hề mang tính giáo dục...".
Ý tưởng nghèo nàn
Bệnh của phim kinh dị Việt Nam đã được khán giả chỉ ra, đó là bệnh nghèo ý tưởng. Hầu hết các đạo diễn đều kéo đoàn phim lên Đà Lạt để quay, tận dụng tối đa những ngôi biệt thự ẩn khuất trong rừng và các triền dốc mờ sương làm bối cảnh để tăng độ "ma quái" cho phim. Nhưng xem một vài phim còn thấy có tác dụng, xem tới 5 - 7 phim vẫn thấy bối cảnh đó, khán giả lắc đầu, thở dài chán nản.
Điểm mặt tất cả các phim, có thể thấy chất “liêu trai” thấm đẫm trong hầu hết các chuyện tình giữa ma và người, cộng thêm một vài linh hồn oan khuất lởn vởn đòi nợ máu; những cảnh ma trong phim đều hiện lên giữa một không gian với những ngọn nến leo lét, ánh trăng mờ ảo; không khí lạnh lẽo, âm u... kèm theo những tiếng gào thét, tiếng rên la ghê rợn.
Nhưng giá chỉ có từng ấy nguyên liệu mà làm phim "đến nơi đến chốn" thì còn chấp nhận được, đằng này, các thủ pháp để tạo nên yếu tố "kinh dị" của các đạo diễn còn quá non tay, nên khán giả thay vì sợ hãi thì xem phim chỉ thấy... buồn cười.
Tạo hình có lẽ sẽ là điểm yếu của phim kinh dị Việt, nhân vật Trùm Ma trong "Bóng ma học đường" luôn mang trên mình bộ áo choàng đen đen đỏ đỏ loè loẹt thường dành cho nhân vật chú hề, các ma nữ thì bị make-up (hoá trang) rất quá tay, mắt tô đậm, môi đen, môi bóng khiến khán giả nhận xét rằng những nhân vật này nhìn thấy... gớm chứ không ghê rợn chút nào.
Khán giả Bình Tú (Công ty HĐ ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Được mời đi xem phim "Khi yêu đừng quay đầu lại", nghe nói là phim kinh dị, tôi cũng run lắm vì tôi vốn yếu bóng vía mà. Nhưng xem xong thì chẳng thấy yếu tố kinh dị đâu, chỉ thấy cặp đôi nhân vật chính yêu nhau theo kiểu minh họa cho một chuyện thần thoại Hy Lạp nào đó, ra khỏi rạp rồi chỉ còn ấn tượng về tiếng kèn do hồn ma thổi chói hết cả tai. Nói tóm lại là tiếc tiền mua vé cho bạn tôi".
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên- người khá nổi tiếng với các phim "Sống trong sợ hãi", "Chơi vơi", cho biết anh khá tự tin khi bắt tay làm "Lời nguyền huyết hải" song cũng từng gặp khó về vấn đề ý tưởng kịch bản: "Phim kinh dị quan trọng nhất là phải có ý tưởng lạ, hấp dẫn người xem, sau đó mới tính đến chuyện để cho đạo diễn trổ tài. Làm phim để kéo được nhiều khán giả đến rạp là một thách thức không nhỏ đối với tôi".
Dân Việt