Sau thành công của Gạo nếp gạo tẻ, Trung Dũng đã trở lại với phim truyền hình dài tập của đạo diễn Nguyễn Phương Điền. Bộ phim lấy bối cảnh thập niên 40 ở miền Tây Nam Bộ với câu chuyện ân oán tình thù đầy kịch tính, đẫm nước mắt kéo dài từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Đánh dấu sự trở lại lần này, Trung Dũng sẽ vào vai kỹ sư Hải đẹp trai và phong độ. Hải có vợ ở quê do gia đình sắp xếp nhưng không có tình yêu. Bởi thế khi lên Sài Gòn, Hải đã tình cờ gặp gỡ Hạnh nhưng anh lại giấu diếm không cho Hạnh biết mình đã có vợ. Dù nuốn xây dựng hạnh phúc hôn nhân bên người mình yêu thật lòng nhưng anh lại vô tình mang đến những bi kịch đau đớn nhất cho cô và kéo theo đó là những hệ lụy cho đời sau.
Trung Dũng cho biết, nội dung phim không phải quá mới nhưng lại có sức hút riêng trong từng tuyến nhân vật và đường dây kết nối câu chuyện với những drama dồn dập kịch tính. Thêm nữa là đã lâu lắm anh mới trở lại với dòng phim xưa. Bản thân là một diễn viên dày dạn kinh nghiệm và từng trải qua nhiều thể loại phim khác nhau, Trung Dũng đánh giá dòng phim xưa thực sự "khó nuốt" với các diễn viên nếu không có chuyên môn nhất định. Anh cho biết: "Ở Việt Nam, không phải diễn viên nào cũng được đào tạo bài bản. Yêu cầu tiên quyết nhất đối với diễn viên khi nhận vai diễn trong phim xưa là phải thuộc thoại, nắm đài từ cho vững, cho chắc. Thậm chí, diễn viên còn phải thoại với bạn diễn trước để khắc phục những khuyết điểm như: diễn hơi kịch, câu thoại hơi lố cần đổi, thoại đủ sức thuyết phục trong tình huống và sức diễn của diễn viên chưa…
Ở trường quay hiện nay, diễn viên thường được nhắc thoại. Từ sự không chuyên tâm đó dẫn đến đôi mắt họ cứ chao đảo và cảm xúc cũng không liền mạch. Chưa kể, không thuộc thoại thì làm sao diễn viên hiểu được ở phân đoạn đó nên lột tả tâm trạng nhân vật thế nào cho chân thực nhất, đẩy tình huống lên cao trào như thế nào cho tự nhiên.
Đến khi làm hậu kỳ, nhiều diễn viên được hỗ trợ rất lớn từ các diễn viên lồng tiếng để cứu lại phần nào vai diễn. Nhưng vai diễn của chính bạn không thể tròn vì tai bận nghe nhắc thoại thì còn cảm xúc đâu mà diễn. Đây cũng chính là khuyết điểm lớn nhất và tôi không bao giờ muốn mình bị mắc phải. Tôi không muốn nói ra khuyết điểm này của các diễn viên khi đóng dòng phim xưa vì không được gì, đôi khi lại còn bị ghét ngầm nhưng không nói lại ức chế. Không phải diễn viên nào cũng ý thức trau dồi những điều cơ bản đó nhưng cũng mong các bạn nhìn nhận đúng vấn đề để phát triển hơn cái nghề của chúng ta".
Trung Dũng khẳng định rằng không phải diễn viên nào cũng diễn được phim xưa. Anh mạnh dạn chỉ ra những khuyết điểm của đa số diễn viên Việt hiện nay.
Theo Trung Dũng, để đảm nhận một vai nam chính nặng kí ở dòng phim xưa, anh đã phải cân bằng giữa cách diễn ở sân khấu và trong điện ảnh. Anh cho biết, chính bản thân đã tự làm khó mình trước cả đạo diễn: "Phim xưa hơi thiên về kịch, phải tròn vành rõ chữ hơn, đài từ phải tốt hơn nên có nhiều người bị thiên về kịch quá, giống diễn cải lương. Phải cân đối làm sao vẫn giữ được nét tự nhiên nhưng vẫn có sự chỉn chu. Phim xưa để kiếm được tiền chắc chắn vất vả hơn phim hiện đại. Trong phim hiện đại có thể một ngày, tôi quay được 10 đến 15 phân đoạn, còn trong phim xưa, một ngày có khi 10 phân đoạn đã quá đuối, vì ê-kip cũng phải setup nhiều thứ, còn phim hiện đại cứ thuê địa điểm rồi quay thôi".
Bảo Quỳnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)