Hollywood: Trào lưu remake 3D
Nối tiếp thành công từ màn ra mắt ấn tượng của Avatar năm 2009, trào lưu làm phim 3D tiếp tục lan tỏa sức ảnh hưởng lên nhiều thể loại như hành động, kinh dị, giả tưởng và đặc biệt là hoạt hình. Những bộ phim được làm dưới định dạng 2D truyền thống và cả 3D như Rio, Kungfu Panda 2, Puss in Boots, Arthur Christmas… chinh phục được nhiều thế hệ khán giả từ người già đến trẻ nít trên toàn thế giới.
Captain America - một trong những siêu anh hùng thành công năm 2011.
Không dừng lại ở đó, phiên bản Titanic của đạo diễn James Cameroon cũng đang gấp rút hoàn thành phiên bản remake dưới dạng 3D hóa. Đặc biệt, sơn sốt 3D còn mạnh mẽ đến mức những đại gia hoạt hình danh tiếng như Pixar hay Walt Disney đã 3D hóa lại toàn bộ kho phim hoạt hình kinh điển của mình mà bắt đầu là The Lion King 3D. Nối gót sự thành công mà Vua sư tử phiên bản 3D mang lại sẽ là sự ra mắt của Beauty and the Beast và The Little Mermaid vào năm tới.
Năm 2011 vừa qua tiếp tục chứng kiến hàng loạt những bộ phim bom tấn thuộc đủ các thể loại từ hài tình cảm, hành động, khoa học viễn tưởng cho đến siêu anh hùng… lần lượt ra mắt và thu về khoản lợi nhuận khổng lồ cho các hãng phim. Những siêu anh hùng bước ra từ truyện tranh (comic-book) như thần sấm Thor hay Thuyền trưởng Captain America: The First Avenger đã chứng minh rằng sức hút từ việc chuyển thể giữa văn học và điện ảnh không bao giờ cũ và nguội lạnh. Tuy nhiên, xen lẫn trong thành công cũng xuất hiện sự thất bại, ví dụ như Đèn lồng xanh (Green Lantern) đã cho thấy mặt trái về sự cẩu thả của một dự án phim dù ấp ủ trong nhiều năm cũng có thể dẫn đến thất bại.
The Twilight Saga: Breaking Dawn (Part 1) là một ví dụ thành
công của những phần làm tiếp.
Cùng với những siêu anh hùng, các phần tiếp theo (sequel) - như một "đặc sản" không thể không có vào mỗi mùa tiệc phim đầu năm, hè và giáng sinh - vẫn tiếp tục khuynh đảo các phòng vé. Bắt đầu từ chiến thắng vang dội của phần cuối Harry Potter And The Deathly Hallows (Part 2) đã biến Harry Potter trở thành series phim ăn khách nhất trong lịch sử và kết thúc bằng thành tích vẻ vang của The Twilight Saga: Breaking Dawn (Part 1) mới công chiếu gần đây cho thấy các phần tiếp theo luôn là món hời mà không một nhà sản xuất nào có thể bỏ qua.
Bollywood: Dấu ấn về thương mại
Vốn nổi tiếng thế giới với thể loại phim ca nhạc đặc trưng phong cách Ấn Độ, nhiều người nhầm tưởng cứ nhắc đến Bollywood là nhắc đến hát, nhảy với những bối cảnh rực rỡ sắc màu hay mang đậm văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây Bollywood đã thực sự chuyển mình để thích hợp với thời đại hơn.
Điện ảnh Bollywood tràn ngập những bộ phim mang tính giải trí cao.
Những sản phẩm thị trường ăn khách không còn là "con cưng" riêng của dòng phim ca nhạc nữa mà trở nên phong phú hơn với tình cảm, hài, lãng mạn hay hành động giả tưởng… Năm 2011 vừa qua, Bollywood hoạt động không ngừng nghỉ và cho ra mắt hơn 80 đầu phim, trong đó phải kể đến những cái tên lọt vào top phim ăn khách như Singham, Ready, Ra.One, Bodyguard hay Zindagi Na Milegi Dobara… Tuy thành công về mặt thương mại, nhưng Bollywood năm qua đã không để lại dấu ấn nhiều tại các Liên hoan phim hay Giải thưởng điện ảnh uy tín trên thế giới như thời kì đầu.
Điện ảnh Châu Âu và Iran: Dòng chảy cũ.
Từng gây tiếng vang lớn tại các Liên hoan phim bởi những bộ phim sâu sắc, giản dị nhưng chứa đầy tính nhân văn sâu sắc, Iran đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng dù trong một điều kiện khó khăn về văn hóa, chính trị, kiểm duyệt… thì họ vẫn có thể làm nên điều kỳ diệu. Từ sau những cái tên như Children of Heaven, Turtles Can Fly hay Taste of Cherry…, tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 61 diễn ra vào đầu năm, Iran lại góp thêm một cái tên nữa là Nader and Simin: A Separation (Giải Gấu vàng phim xuất sắc, Gấu bạc cho Nam/Nữ diễn viên xuất sắc).
Đây là lần đầu tiên một bộ phim của Iran đoạt giải Gấu Vàng và đạo diễn Farhadi của phim cũng từng đoạt giải Gấu Bạc cho Đạo diễn xuất sắc vào năm 2009 với bộ phim About Elly. Bộ phim vẫn đi theo một hơi hướng thường thấy ở điện ảnh Iran đó là mang một câu chuyện đơn giản, nhưng ẩn chứa trong đó nhiều giá trị sâu sắc. Rõ ràng điện ảnh Iran không lấy lượng làm số đo cho sự thành công, mặc dù chỉ sản xuất rất ít phim trong một năm nhưng các bộ phim đó đều được thế giới ghi nhận và đánh giá cao về chất.
Mặc dù chủ nhân của Cành cọ vàng cho Phim xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes là một bộ phim của Mỹ (The Tree of Life) nhưng điện ảnh Pháp không lấy vì thế mà bị lép vế. Từng gây tiếng vang lớn với nhiều tác phẩm điện ảnh có xu hướng "chống Hollywood" từ phong cách, nội dung cho đến hình thức, điện ảnh Pháp trong một năm qua cũng có những hoạt động không ngừng nghỉ.
Tomboy - bộ phim của đạo diễn Céline Sciamma kể về cô bé 10 tuổi tin rằng mình là một cậu bé - mới đầu năm nay đã vinh dự chiến thắng giải Jury Prize (giải thưởng nằm trong hệ thống giải Teddy Awards - phim có chủ đề đồng tính - của Liên hoan phim Berlin).
Pháp kết thúc năm 2011 với 6 đề cử Quả Cầu Vàng cho The Artist.
Tại Liên hoan phim Cannes không lâu sau đó, Poliss - một bộ phim chính kịch khác về vấn đề trẻ em cũng đoạt giải của Ban giám khảo. Vào thời điểm cuối năm nay, điện ảnh Pháp tiếp tục gây chú ý với những cái tên như Declaration of War (ứng cử viên của Pháp sẽ tranh đề cử tại hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc tại Oscar lần thứ 84 sắp tới), Intouchables của bộ đôi đạo diễn Olivier Nakache và Éric Toledano đoạt giải Phim xuất sắc và Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo. Mới đây nhất là The Artist - bộ phim câm thể loại lãng mạn lấy bối cảnh những năm 30 đã từng đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc tại Cannes 2011 tiếp tục chiếm tới 6 đề cử tại Quả Cầu Vàng sẽ diễn ra vào đầu năm sau.
Châu Á: Bắt đầu cho sự trỗi dậy
Đất nước vốn được biết đến với sự lớn mạnh của thể loại phim truyền hình đủ các đề tài vẫn từng bước khẳng định mình trong cuộc chơi điện ảnh thế giới. Trong năm vừa qua, điện ảnh Hàn Quốc cũng cho ra mắt nhiều tác phẩm khác nhau. Ngoài chiến thắng lớn của phim Poetry - một bộ phim thiên hướng nghệ thuật của đạo diễn Lee Chang Dong - tại AFAs (Giải thưởng Điện ảnh khu vực châu Á) lần thứ 5 hồi đầu năm thì sự thành công tại thị trường phòng vé nội địa của những phim thương mại cũng đủ để Hàn Quốc tự hào.
Hàn Quốc vừa gây chú ý với những phim nghệ thuật như Poetry.
Năm 2011 vừa qua, Sector 7 (có sự tham gia của Ha Ji Won, Oh Ji Ho và Ahn Sung Gi) - bom tấn 3D đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc - đã ra mắt khán giả. Mặc dù nhận nhiều lời khen, chê khác nhau nhưng Sector 7 là một minh chứng cho thấy Hàn Quốc thừa sức để bắt kịp xu hướng "3D hóa" của thế giới.
Bên cạnh đó, những bom tấn hành động khác như Quick (được mệnh danh là Speed phiên bản Hàn), The Red Muffler (có sự tham gia của Bi Rain), My Way (Song Kang-Ho)… lần lượt công chiếu và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Cùng với đó, những bộ phim thể loại tình cảm lãng mạn vẫn tiếp tục chiếm được lòng công chúng như La Quotidienne (Song Hye-Kyo), Only You (So Ji-Sub và Han Hyo-Joo), Pain (Kwon-Sang-Woo và Jung Ryeo-Won)… Và thật là thiếu sót khi không nhắc đến Silenced (tựa gốc Dogani) - bộ phim điện ảnh u ám gây chấn động dư luận Hàn Quốc thời gian vừa qua vì đã bóc trần sự thật về việc bạo hành và lạm dụng tình dục học sinh khuyết tật tại tỉnh Gwangju - Hàn Quốc.
Điện ảnh Hàn cũng hốt bạc với những phim thương mại như Sector 7.
Năm 2011, điện ảnh Trung Quốc chứng kiến sự thống trị của thể loại phim hành động và phim dã sử - những thể loại vốn được coi là sở trưởng của điện ảnh Hoa Ngữ. Sự liên kết giữa dự án phim lớn, được đầu tư tới chục triệu USD với những tên tuổi ăn khách (Lý Liên Kiệt, Thành Long, Phạm Băng Băng, Tạ Đình Phong, Châu Tấn…) đã tạo nên sự mong chờ, háo hức từ phía khán giả hâm mộ.
Mở màn đầu tiên là Tân Thiếu Lâm Tự (Shaolin) ra mắt tháng 1 đầu năm với sự tham gia của Lý Liên Kiệt, Thành Long, Tạ Đình Phong…. Tiếp theo là Long Môn phi giáp (The Flying Swords of Dragon Gate - Lý Liên Kiệt, Trần Khôn, Châu Tấn); Quan Vân Trường (The Lost Bladesman - Chân Tử Đan); Nhất Đại Tôn Sư (The Grandmasters)… Còn với thể loại dã sử có Thời không địa đạo (Underground Resistance), Kim Lăng thập tam thoa (Nanjing Heroes) hay China 1911 (Thành Long, Lý Băng Băng)…
Cũng giống Hàn Quốc, Trung Quốc đã bắt nhịp với xu hướng khi áp dụng công nghệ 3D vào một số dự án điện ảnh lớn của mình trong thời gian qua, đặc biệt là ở các bộ phim hành động hay huyền thoại như Thanh Xà Bạch Xà.
Người đẹp và quái vật - một trong những dự án được 3D hóa của Disney.
Còn rất nhiều nền điện ảnh khác nhau của các khu vực trên thế giới cũng xứng đáng được điểm mặt kể tên. Tuy nhiên, chỉ với những đại diện trên cũng đủ để cho chúng ta thấy rằng năm 2011 quả là một năm "không ngừng nghỉ" của điện ảnh thế giới.
Năm 2011 khép lại để lại nhiều dư âm nhiều chiều. Có thể nói điện ảnh thế giới trong năm qua dù không mang lại quá nhiều thành tựu đặc sắc hay dấu ấn thực sự nổi bật thế nhưng chúng ta vẫn không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể trong đó. Điện ảnh luôn mang lại những điều mới mẻ không thể đoán trước, vì vậy những người hâm mộ điện ảnh hãy sẵn sàng chờ đón những sự kiện, trào lưu hay những bộ phim mới sẽ ra mắt vào năm 2012 tới.
Thế giới điện ảnh