Stop-motion là thuật ngữ để chỉ những đoạn phim được tạo nên bởi hàng loạt những hình ảnh chụp tĩnh. Nguyên tắc cơ bản của loại hình nghệ thuật này là sẽ chụp liên tiếp những bức ảnh (ở trạng thái tĩnh) sau đó tiến hành xử lý trên bàn dựng chuyên dụng để tạo thành một đoạn phim (ở trạng thái động).
Stop-motion xuất hiện ngay từ thuở sơ khai của điện ảnh và vẫn luôn là một trong những kỹ thuật làm phim có sức mê hoặc lớn nhất đối với các nhà làm phim bởi tính độc đáo và những hiệu ứng đặc biệt mà nó tạo ra.
Sau khi tiến hành chụp từng bức ảnh riêng lẻ (và chuẩn khung hình đối với ảnh động là 24 hình/giây), các chuyên gia hoạt ảnh sẽ thao tác và cắt ghép tỉ mỉ để có thể tạo ra những đồ vật cụ thể, có thể là nhân vật, đạo cụ hay cảnh dựng… Khi hàng ngàn bức ảnh như vậy được chỉnh sửa và sắp đặt trình tự định sẵn thì các nhân vật và khung cảnh sẽ trở nên vô cùng sống động. Phép màu điện ảnh quả thực được tạo ra từ đôi bàn tay của họa sĩ.
Theo chia sẻ của ông Travis Knight, nhà sản xuất kiêm trưởng bộ phận xử lý hoạt ảnh của The Boxtrolls - Hội quái hộp (một trong những phim hoạt hình chiếu rạp hot nhất hiện nay) thì “Stop-motion thực tế không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp. Bạn đơn giản chỉ di chuyển các vật thể rồi chụp lại ảnh của chúng. Nghe thì đơn giản nhưng để hoàn thành cho thật tốt thì lại khá tốn thời gian và công sức”.
Hoạt cảnh đầu tiên đánh dấu sự ra đời của kĩ thuật Stop-motion là The Humpty Dumpty Circus (1898) của đạo diễn Albert E. Smith và J. Stuart Blackton. Sau này, hàng triệu khán giả đã được thưởng thức những bộ phim kinh điển sử dụng phương pháp stop-motion như Rudolph the Red-Nosed Reindeer (1964) và Santa Claus is Comin’ to Town (1970) của các đạo điễn Arthur Rankin, Jr và Jules Bass; loạt phim hoạt hìnhWallace and Gromit (1989) của Nick Park. Shaun The Sheep cũng đã đưa những chú cừu stop-motion lên đỉnh cao, trở thành một nhân vật biểu tượng được đông đảo khán giả trên thế giới mến mộ.
Sang thế kỷ 21, với sự tối tân của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của định dạng 2D, 3D khiến phim hoạt hình stop-motion có một bước ngoặt mới giúp hình ảnh chân thực hơn. Như trong bộ phim hoạt hình The Boxtrolls, ngoài các hiệu ứng hình ảnh trên máy tính, nhiều chi tiết còn được làm bằng những mẫu vật đất sét để tăng độ sống động cho phim. Theo một thống kê, các nhà làm phim đã phải mất tới 1 tuần để có thể hoàn thiện 1 cảnh quay có độ dài 3,7 giây, sử dụng tới 56 máy quay và 892 bóng đèn chiếu sáng.
Các đoạn phim Stop-motion được ghi hình bằng máy Canon 5D trong khi bộ phận xử lý hình ảnh đặc biệt sử dụng máy quay RED cùng 2 máy quay khác. Ngoài ra, các nhà làm phim còn áp dụng phương pháp Rapid Prototyping (RP) để giúp tạo thêm nhiều biểu cảm trên khuôn mặt của nhân vật mà không làm ảnh hưởng đến tạo hình của các con rối.
Trước khi có RP, các nhà làm phim thường phải tạo biểu cảm cho các con rối bằng phương pháp thủ công. Điều này đã hạn chế cách nhân vật biểu lộ cảm xúc. Cách đây 21 năm, nhân vật chính trong The Nightmare Before Christmas có tổng cộng 800 kiểu biểu cảm, nhân vật Coraline trong bộ phim cùng tên có 270.000 biểu cảm trong khi con số này của nhân vật Norman trong ParaNorman và Eggs trong Hội quái hộp là 1.4 triệu. RP đã đưa công nghệ sản xuất hoạt hình lên một tầm cao mới bằng việc kết hợp giữa stop-motion và công nghệ kỹ thuật số hiện đại.
Một số hình ảnh hậu trường của phim hoạt hình The Boxtrolls
Báo Đất Việt