The tree of life kể về Jack, một người đàn ông luôn cảm thấy lạc lõng bơ vơ giữa cuộc đời sau một cú chấn thương tâm lý. Để thoát khỏi trạng thái này, Jack đã quay ngược về quá khứ trở lại tuổi thơ để biết được điều gì khiến anh trở nên như hiện tại, và về sâu hơn nữa để tìm hiểu nguồn gốc cuộc sống.
Bộ phim mở đầu bằng những mốc thời gian đan xen nhau: lúc Jack còn nhỏ sống cùng hai em trai, bên cạnh một người mẹ dịu dàng và một người cha độc tài (Brad Pitt), và lúc Jack ở hiện tại (Sean Penn), thành đạt nhưng luôn bất hạnh vì không hiểu được chính mình. Tiếp đó, phim đưa khán giả đến với thời kỳ hình thành vũ trụ, từ hiện tượng Big bang cho đến kỷ Jura của loài khủng long trước khi quay trở lại tuổi thơ và hiện tại của Jack.
Không như những phim Hollywood thông thường, The tree of life không hề dễ xem.
Bộ phim đoạt Cành cọ vàng 2011 này không hề dễ xem vì câu chuyện không “có đầu có cuối” như những phim Hollywood thông thường, mà được ghép lại bởi những mảnh hồi ức và hiện tại. Sự đan xen, trở đi trở lại của nhiều mốc thời gian cũng khiến khán giả nếu xao lãng sẽ bị rối. Thêm vào đó, những khung hình đầy tính trừu tượng về sự hình thành vũ trụ, những hình ảnh trái đất thuở sơ khai được lồng vào câu chuyện gia đình, có thể tạo cảm giác mông lung khó hiểu. Nhưng nếu lùi ra xa một chút để nhìn tổng thể cả bộ phim, sẽ dễ thấy hơn dụng ý của đạo diễn muốn đối chiếu những điểm tương đồng trong cuộc sống ở các cấp độ rộng dần: từ một gia đình, một giống loài cho đến cả vũ trụ.
Trong con mắt của Jack hồi nhỏ, cha cậu là một kẻ độc tài. Ông bắt con cái nhất nhất tuân lệnh trong khi bản thân không chịu làm theo những quy tắc do chính mình đặt ra. Sự vô lý đến mức thô bạo của người cha đã khiến Jack thù ghét ông, thậm chí còn mong cho ông ta chết đi. Nhưng Jack ở tuổi trưởng thành và sau khi ý thức được quy luật cuộc sống, đã nhìn lại tuổi thơ của mình, về mẹ, về cha bằng con mắt bao dung hơn, để nhận ra ở đó chỉ có tình yêu thương.
Khác với mẹ, cha anh thương con theo cách của một người đàn ông, cứng rắn, mạnh mẽ mà một đứa trẻ nhiều khi không hiểu được. Sự cứng rắn ấy nhiều khi bị hiểu là tàn nhẫn, chẳng qua cũng vì muốn con cái sau này có thể đương đầu được với những khó khăn của cuộc sống. Cách hành xử của người cha thực ra cũng giống như bản năng nuôi con ở loài khủng long hay biết bao giống loài khác trên trái đất từ xưa đến giờ.
Bộ phim khép lại, khái niệm “cây đời” còn lại đậm nét nhất. Đó có thể là cái cây con mà cha Jack vun xới, sau này lớn lên tỏa bóng mát cho cả nhà, là hình ảnh đôi bàn chân lúc mới sinh ra thì nhỏ bé nhưng khi lớn lên thì nâng đỡ cả một đời người, là tình cảm yêu thương vô bờ mà cha mẹ luôn dành cho con cái.
Nếu nhìn rộng ra nữa, từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì gốc rễ của cây đời bắt nguồn từ việc hình thành vũ trụ, hình thành sự sống và ngày càng sum suê nhờ có tình yêu thương. Cây đời cũng hiển hiện trong lời người cha dạy con lúc nhổ cỏ, rằng gốc rễ luôn là phần quan trọng nhất để giữ sự sống và giúp cây phát triển.
Đất Việt