Để vào vai "quả bom sex" của thế kỷ 20, cô đào Hollywood đã phải ăn nhiều hơn nhằm tăng cân và có được những đường cong như Marilyn Monroe, và dành thời gian cả ngày cả đêm "nghiên cứu" phong cách của người đẹp tóc vàng trong suốt 6 tháng.
"Tôi cảm giác như mình được tái sinh. Nó giống như việc tôi phá vỡ cơ thể của chính mình, rồi nhào nặn nó theo hình ảnh Marilyn, học cả cách cô ấy bước đi, trò chuyện". - Michelle Williams chia sẻ.
Michelle Williams trong My week with Marilyn.
Vẻ đẹp trai trời phú của Leonardo DiCaprio là thách thức đối với nhà làm phim khi anh được chọn hóa thân thành cựu giám đốc FBI J. Edgar Hoover trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Clint Eastwood.
DiCaprio phải ngồi 7 tiếng liên tiếp để hóa trang: đeo kính áp tròng, làm hói, tạo tóc giả, đắp mũi, lắp răng giả, đệm người và gắn silicon lên mặt. Với nam diễn viên điển trai, kết quả cuối cùng khiến anh không dám tưởng tưởng ra hình ảnh của mình trong tương lai.
"Tôi hy vọng mình sẽ không như thế. Dù đó là xây dựng nhân vật dựa trên những đặc điểm của Hoover nhưng tôi có cảm giác, họ đã rất tỉ mỉ để tạo ra một phiên bản "quá khổ" của chính tôi" - ngôi sao Hollywood chia sẻ trong buổi ra mắt phim.
Leonardo DiCaprio trong J. Edgar
Các chuyên gia trang điểm đã phải mất nguyên 1 ngày để biến Rooney Mara thành cô nàng nổi loạn Lisbeth Salander trong bộ phim Cô gái có hình xăm rồng (ra rạp ngày 21/12).
"Điều sốc nhất chính là cặp lông mày. Chúng khiến tôi không còn nhận ra chính mình" - Rooney chia sẻ trên tạp chí Vogue.
Rooney Mara trong The girl with the dragon tattoo
Vai diễn "bà má" gangster Madea (cũng do chính anh viết kịch bản và đạo diễn) đã đem lại cho Tyler Perry khoản tiền kếch xù.
Tại một sự kiện quảng bá Madea goes to jail năm 2009, Tyler Perry lần đầu tiết lộ "chuyện hậu trường": "Phần thân hình đồ sộ của Madea là một bộ trang phục mà tôi chỉ việc mặc vào. Nhưng nó rất nặng, nhất là phần hông. Tôi càng toát mồ hôi thì nó lại càng nặng. Vì vậy, bây giờ tôi đã hiểu tại sao phụ nữ thường bị đau lưng, chính vì họ có bộ ngực đồ sộ. Phải mang thứ đó ở phần trên cơ thể thực sự là rất khó khăn".
Tyler Perry trong phim Madea
Meryl Streep vốn nổi tiếng với khả năng bắt chước giọng nước ngoài. Nhưng với 40 năm sự nghiệp, khả năng "biến hóa" của Meryl Streep còn vượt xa cả giọng nói của cô. Nữ diễn viên kỳ cựu thể hiện từ bà sơ "cổ lỗ" của Doubt (2008) cho tới người đầu bếp vui vẻ Julia Child trong Julie & Julia (2009). Lần hóa thân mới nhất của Meryl Streep sẽ là cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong bộ phim The Iron lady.
Meryl Streep trong Doubt, Julie & Julia và The Iron lady
Hollywood đã phải ngã mũ kính phục Charlize Theron - một cô người mẫu lấn sân điện ảnh nhưng đã thể hiện quá hoàn hảo kẻ sát nhân hàng loạt Aileen Wuornos trong bộ phim Monster (2003). Ngoài răng giả, kính áp tròng, một chút trang điểm tạo làn da nám, Theron còn phải xem rất nhiều tài liệu, học cách nói không mở hàm và trợn trừng mắt của Wuornos thật.
Charlie Theron trong Monster
Khi Christian Bale nhận lời tham gia một bộ phim, anh luôn "dâng hiến" cả tâm hồn và thể xác của mình cho nhân vật. Trong cả The Fighter (2010) và The Machinist (2000), chàng diễn viên người Anh này đều khiến fan phải khâm phục và xót xa khi phải ép cân đến mức chỉ còn "da bọc xương". Đặc biệt, với The Machinist (ảnh dưới), Christian Bale đã phải giảm tới 28,6 kg.
"Tôi đã tới gặp một chuyên gia dinh dưỡng và khi giảm được số cân mà cô ấy nói rằng là an toàn, tôi đã nói rằng: "Tôi có thể làm hơn thế". Vì vậy tôi tiếp tục và tôi đã giảm thêm 9 kg, dưới cái mức mà cô ấy bảo tôi nên ngừng lại" - Christian Bale chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với BBC.
Christian Bale trong The Machinist và The Fighter
Glenn Close từng thể hiện nhân vật Albert Knobbs trên sân khấu kịch năm 1982. Và nữ diễn viên kỳ cựu này đã mất 15 năm để đưa câu chuyện về một người phụ nữ Ailen ở thế kỷ 19 thường "trốn" trong vẻ ngoài của một người đàn ông lên màn ảnh (công chiếu ngày 21/12). Để làm mình thêm phần nam tính, Close đã đeo mũi giả và xem xét hình ảnh của Charlie Chaplin.
Nói về nhân vật đặc biệt của mình, Close cho biết: "Cô ấy thích giả trai hơn là làm một người phụ nữ như hình hài mình được sinh ra. Nếu mặc váy, cô ấy sẽ không biết phải cư xử và hành động như thế nào. Cô ấy sẽ rất lúng túng và cảm thấy lạc lõng".
Glenn Close trong Albert Knobbs
Khi còn là một diễn viên trẻ và nhận được vai diễn lớn đầu tiên, Matt Damon đã rất muốn gây ấn tượng. Để vào vai một cựu chiến binh nghiện heroin trong bộ phim Courage under fire (1996 - ảnh dưới), Damon đã chạy 21 km mỗi ngày và giảm 18 kg. Ép cơ thể hoạt động quá sức trong một thời gian ngắn đã khiến Matt Damon bị rối loạn trao đổi chất trong nhiều năm sau đó.
Năm 2009, trong The Informant (ảnh trên), Matt Damon lại phải tăng 14 kg để vào vai một kẻ 2 mang.
"Tăng cân là một điều rất dễ và cũng rất vui. Tôi chỉ việc ăn tất cả những gì mình nhìn thấy trong vòng vài tháng liên tục" - Matt Damon chia sẻ trên tạp chí Access Hollywood.
Matt Damon trong Courage under fire và The Informant!
Để vào vai nhà văn nữ Virginia Woolf trong The Hours (2002), "thiên nga Úc" đã phải "hy sinh" vẻ ngoài quyến rũ. Sử dụng mũi giả, để đầu tóc bù xù, ăn mặc tuềnh toàng, Nicole Kidman đã hoàn toàn biến thành một người khác. Nhưng bù lại, bộ phim đem về cho nữ diễn viên xinh đẹp giải Oscar danh giá.
"Khi đưa những đứa trẻ nhà tôi đi xem phim, Conner đã chỉ vào tấm poster và bảo: "Con không thích cái mũi này"" - Kidman tiết lộ trong chương trình của Oprah Winfrey.
Nicole Kidman trong The Hours
Trong sự nghiệp của mình, Cate Blanchett từng thể hiện các nhân vật Nữ hoàng Elizabeth I (Elizabeth 1998 và Elizabeth: The golden age 2007), Katherine Hepburn (The Aviator, 2004) và gần đây nhất là Bob Dylan trong bộ phim I'm not there (2007). Khoác lên mình một mái tóc bông xù, đôi kính đen, Cate Blanchet trông không khác gì huyền thoại âm nhạc. Với vai diễn này, nữ diễn viên người Úc đã được đề cử giải Oscar.
"Tôi chỉ buộc chặt bộ ngực này lại và làm quen với nó. Nếu ai đó thách thức tôi điều gì, tôi sẽ luôn nói "Được thôi", một cách rất nhanh" - Cate Blanchett chia sẻ.
Cate Blanchett trong I'm not there
Bưu Điện Việt Nam