Những ngày này tại Trung Quốc, sau khi đạo diễn Dương Khiết qua đời, người hâm mộ Tây du ký 1986 đã chia sẻ về các câu chuyện phía sau ống kính. Theo truyền thông, đoàn phim năm ấy giống như người trong gia đình, không nề hà công việc.
Một diễn viên có thể đóng nhiều vai, không phân biệt vai chính vai phụ. Một chuyện trùng hợp nữa là hai diễn viên đóng chung vai còn mất ở cùng độ tuổi, thậm chí "liên đới" đến cả người đóng cùng. Đó là câu chuyện của Diêm Hoài Lễ và Vương Phu Đường. Trong bản phim năm 1986, Ngưu Ma Vương xuất hiện trong ba tập phim. Hiếm ai biết rằng, vai diễn này do hai nghệ sĩ đảm nhận.
Ban đầu, đạo diễn Dương Khiết cảm thấy Đại Lý Ba vào vai Ngưu Ma Vương sẽ rất phù hợp. Thế nhưng sau khi hóa trang xong tạo hình nhân vật Ngưu Ma Vương, Đại Lý Ba cảm thấy tức ngực và khó thở. Khi xem xét kỹ thì nhận thấy, mặt nạ được nghệ sĩ hóa trang Vương Hy Chung thiết kế khá chật và khít. Khi dán lên mặt sẽ chỉ chừa hai lỗ rất nhỏ ở vùng mũi cho diễn viên thở. Thêm nữa, không khí trong động Ba Nguyệt tương đối ngột ngạt và thiếu dưỡng khí. Tuổi tác của Đại Lý Ba cũng không còn trẻ, cơ thể có phần hơi béo và dễ ra mồ hôi.
Do vậy, sau khi hóa trang xong, khoác lên mình bộ trang phục võ tướng cồng kềnh và nặng nề, chỉ cử động một lúc cũng đủ toát mồ hôi, vùng lưng ướt đẫm như tắm. Đạo diễn Dương Khiết thấy dáng bộ Ngưu Ma Vương đi lại loạng choạng, nếu cố nữa sẽ gây nguy hiểm cho diễn viên liền yêu cầu cho tẩy trang và để Đại Lý Ba nghỉ ngơi, đồng thời hủy vai diễn Ngưu Ma Vương. Thế nhưng cảnh quay ngày hôm đó có khá nhiều phân cảnh xuất hiện Ngưu Ma Vương.
Tạo hình nhân vật Ngưu Ma Vương của Diêm Hoài Lễ
Phân cảnh Ngưu Ma Vương của Diêm Hoài Lễ trong tập 2 - Phong quan Bật Mã Ôn
Vừa hay trong đoàn có nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ đóng vai Sa Tăng, thân hình vạm vỡ, cao 1m8, đầu lớn và khá hợp với nhân vật Ngưu Ma Vương. Không còn lựa chọn nào khác, nữ đạo diễn yêu cầu hóa trang cho Diêm Hoài lễ ngay lập tức. Sau khi hóa trang xong, Dương Khiết thở phào vì từ thân hình cho đến dáng điệu của Diêm Hoài Lễ hoàn toàn phù hợp với vai diễn Ngưu Ma Vương. Nhờ có sự trợ giúp của Diêm Hoài Lễ, cảnh quay ngày hôm đó đã hoàn thành một cách suôn sẻ và thuận lợi.
Nghệ sĩ Vương Phu Đường chụp hình lưu niệm cùng đạo diễn Dương Khiết
Tạo hình nhân vật Ngưu Ma Vương của Vương Phu Đường trong tập 17
- Ba lần lấy quạt Bà Tiêu
Về sau, những cảnh có nhân vật Ngưu Ma Vương, đặc biệt trong tập 14 - Đại chiến Hồng Hài Nhi và tập 17 - Ba lần mượn quạt Ba Tiêu vai diễn Sa Tăng của Diêm Hoài Lễ không thể thay thế. Vì vậy Dương Khiết đã mời nghệ sĩ Vương Phu Đường đảm nhiệm vai Ngưu Ma Vương.
Cho dù hóa trang và trang phục của nhân vật này là thử thách khó khăn nhất đối với diễn viên, Vương Phu Đường vẫn hoàn thành tốt. Ông thường đặt ra cho bản thân những thử thách khó khăn nhất, đồng thời bắt tay thực hiện vai diễn và hoàn thành cho đến cùng, khi nào kết thúc mới thôi.
Năm 2005, Vương Phu Đường qua đời vì bệnh phổi ở tuổi 73. Ông là nghệ sĩ gạo cội ở sân khấu kịch Hà Nam. Khi qua đời ông để lại gia tài với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bát tiên truyền thuyết, Mặt trời mọc, Băng đường hồ lô. Điều khiến nhiều người bất ngờ là bốn năm sau khi ông qua đời, "Sa Tăng" Diêm Hoài Lễ cũng ra đi. Diêm Hoài Lễ qua đời tại Bắc Kinh vì bệnh phổi, hưởng thọ 73 tuổi.
Vương Phu Đường mất cũng vì bệnh phổi ở tuổi 73
"Có lẽ lúc sinh thời đạo diễn Dương Khiết cũng không ngờ bộ phim do mình thực hiện có nhiều câu chuyện ly kỳ phía sau ống kính đến thế", một ý kiến chia sẻ. Truyền thông còn bình luận "Ngưu Ma Vương" là nhân vật "dữ tướng". Không chỉ hai diễn viên đảm nhận qua đời, ngay cả "Thiết Phiến công chúa" - vợ Ngưu Ma Vương trong phim cũng mất sớm.
Nữ diễn viên vào vai vợ Ngưu Ma Vương qua đời ở tuổi 38
Bà La Sát - Vương Phụng Hà sinh tháng 5/1955 tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Khi 31 tuổi, Vương Phụng Hà gây tiếng vang trên màn ảnh nhỏ nhờ vai Thiết Phiến công chúa - Bà La Sát. Cho đến giờ, nhân vật Bà La Sát của Vương Phụng Hà vẫn được coi là đẹp và thành công nhất.
M.S (Theo Giadinhvietnam.com)