"Thời xa vắng"
Cảnh trong phim "Ván bài lật ngửa".
Khó có thể mang ra so sánh giữa việc làm phim hiện nay, trước sức ép của chi phí sản xuất, của thị trường, của thời gian với tiêu chí "làm phim nhanh nhất, giá thành rẻ nhất, doanh thu cao nhất" với thời điểm cách nay ba chục năm, khi một đoàn làm phim phải mất hàng năm mới hoàn thành một bộ phim. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là thế hệ làm phim trước đây tâm huyết hơn và dành nhiều thời gian, công sức hơn cho những đứa con tinh thần của mình.
Có lẽ không một nhà sản xuất nào hiện nay dám để cho một đạo diễn, bất kể là tài đến đâu dành cả năm trời cho một bộ phim như cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã làm với "Ván bài lật ngửa". 8 tập phim, mỗi tập dài 90 phút được thực hiện trong suốt 7 năm trời, trung bình cứ một năm là có một tập phim ra rạp. Gần như trong suốt cả thập niên 1980, nhiều khán giả khi đó đều phát sốt vì Ván bài lật ngửa, thuộc làu các tình huống trong 8 tập phim. Các fan nữ thì hâm mộ đến cuồng nhiệt đại tá Nguyễn Thành Luân, nhân vật do diễn viên Nguyễn Chánh Tín thủ vai khi đó bởi vẻ đẹp rất hào hoa và diễn xuất vô cùng thuyết phục của ông.
Khi nghe tin đạo diễn Lê Hoàng Hoa qua đời, rất nhiều độc giả đã chia sẻ trên Vietnamnet ấn tượng về bộ phim "Ván bài lật ngửa". Rằng dù đã ra đời nhiều năm nhưng có lẽ chưa có bộ phim nào cùng chủ đề "qua mặt" được "Ván bài lật ngửa". Rằng những năm khó khăn đó mà có những tác phẩm điện ảnh như thế thì thật là tuyệt vời, không có lời nào là nổi. Và giá như "Giờ vàng cho phim Việt" có được những bộ phim như thế!
Khán giả Lê Thị Duyên Hải nói: "Tôi đã thua anh trong một ván bài mà tất cả các quân bài đều lật ngửa", một câu nói kinh điển trong một tác phẩm kinh điển. Một câu nói súc tích, cô đọng mà ăn đứt hàng trăm hàng ngàn các bộ phim VN bây giờ, nói nhiều hơn diễn mà chẳng để lại chút cảm xúc nào cho người xem". "Từ khi mới là học sinh cấp 2, trước những năm 90 của thế của thế kỷ 20 tôi đã được xem bộ phim ngay tại sân chiếu bóng của xã. Và đến ngày nay cho dù xem đi xem lại nhiều lần tôi vấn không thể nào biết chán", khán giả Hà Lam chia sẻ về bộ phim.
Các bộ phim kinh điển của điện ảnh VN đều được chăm chút trong nhiều năm.
Một bộ phim đã trình chiếu cách đây 30 năm nhưng vẫn để lại những ấn tượng đặc biệt với khán giả nhiều thế hệ. Bạn đọc Trần Minh tâm sự: "Có lẽ đây là bộ phim tình báo ấn tượng nhất của nước ta từ trước tới nay. Mỗi lần xem đoạn mở đầu, hình ảnh nhà tình báo Nguyễn Thành Luân đội mũ hơi lệch khoác áo choàng đi trong rừng cao su sao mà ấn tượng khó tả. Hồi đó thế hệ cha chú làm nghệ thuật với tình yêu nghề cao cả. Tình yêu, cảm xúc của họ thể hiện được trên từng thước phim. Chính điều đó đi vào lòng người qua nhiều thế hệ.
Thật buồn vì khung cảnh hỗn loạn hiện nay của nền văn hóa nghệ thuật trong nước. Khi tiền bạc thế chỗ tình yêu và lòng đam mê thì mọi thứ trở nên thật tầm thường và nhố nhăng. Phim hiện nay diễn viên thì thiếu cảm xúc, diễn cứng như robot. Nội dung thì tầm thường, nhạt nhẽo. Tình yêu, lý tưởng bị thế chỗ bởi những mưu lợi tầm thường. Tinh thần học tập, ý chí phấn đấu bị thay thế bằng những hình ảnh của văn hóa hưởng thụ, chơi bời. Buồn thay!"
Diễn viên Hai Nhất, người nổi tiếng với vai Ba Cẩn trong loạt phim "Biệt động Sài Gòn" cũng từng gây chấn động các rạp chiếu thập niên 1980 mới đây cũng chia sẻ rằng làm phim thời đó không như bây giờ. Quá trình quay một bộ phim có khi mất cả mấy năm. Không chỉ có đạo diễn mà các diễn viên cũng chăm chút cho từng chi tiết nhỏ trong phim. Cũng chính vì sự chăm chút như vậy nên bộ phim tái hiện lại những chiến công của đội biệt động Sài Gòn trước 1975 này cũng từng được người xem thế hệ đó thuộc lòng tên từng tập phim với Điểm hẹn, Tình lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em.
Phải nói rằng những bộ phim cá biệt như "Ván bài lật ngửa" hay "Biệt động Sài Gòn" sở dĩ tìm được sự đồng cảm lớn như vậy của người xem phần còn vì nó có nội dung mang hơi thở của thời đại, khai thác đề tài tình báo vốn đã có nhiều sức hút. Tuy nhiên, một tác phẩm điện ảnh sẽ không thể sống lâu trong lòng công chúng nếu như nó được làm ẩu, làm cẩu thả, làm quấy quá cho xong.
Làm phim siêu tốc và công nghệ "ăn sống"
Hãy xem các bộ phim hiện nay đang được thực hiện với tốc độ thế nào?
Thiên mệnh anh hùng do là phim cổ trang nên thời gian quay kéo dài 4 tháng
gấp đôi thời gian của nhiều bộ phim truyện nhựa hiện nay.
Năm 2011 có 17 bộ phim điện ảnh Việt Nam ra rạp. Như vậy là trung bình 3 tuần lại có một phim mới. Những đạo diễn thuộc hàng ăn khách thì trung bình mỗi năm có một phim. Kỷ lục như Victor Vũ trong 1 năm có đến hai dự án ra mắt. Đầu năm nay có Thiên mệnh anh hùng (bộ phim bắt đầu bấm máy vào thời điểm này năm ngoái), dự kiến tháng 10 đã có thêm Scandal ra mắt dù phim mới khởi quay từ tháng 6. Như vậy là chỉ có 4 tháng để hoàn tất việc quay và làm hậu kỳ. Thiên mệnh anh hùng do là phim cổ trang nên thời gian quay kéo dài 4 tháng, gấp đôi thời gian của nhiều bộ phim truyện nhựa hiện nay.
Áp lực về thời gian, kinh phí và thời điểm phát hành buộc các nhà làm phim phải hoàn thành bộ phim của mình một cách nhanh nhất. Thêm nữa, ai cũng cần có thời gian để chạy sô làm việc khác khi hầu hết diễn viên đóng phim điện ảnh chủ yếu sống bằng phim truyền hình với các dự án đan xen dày đặc. Do vậy hiếm có bộ phim nào thực hiện mất cả năm, trừ khi gặp trục trặc trong quá trình sản xuất. Kỷ lục về thời gian thực hiện "siêu nhanh" có lẽ là bộ phim "Nàng men chàng bóng". Vừa khởi quay ngày 20/6, đóng máy vào cuối tháng 7, vậy mà phim đã có lịch phát hành vào ngày 31/8.
Tuy nhiên nếu so với làm phim truyền hình hiện nay thì phim điện ảnh còn thua xa về tốc độ. Kỷ lục 2 ngày xong một tập đến giờ đã là chuyện cũ bởi tiến độ đã được đẩy lên 3 ngày cho 2 tập phim cách đây khá lâu trước sự bung nở của các kênh truyền hình vốn dĩ luôn tiêu tốn một lượng phim cực lớn. Nhà sản xuất muốn phim làm càng nhanh càng tốt để tiết kiệm chi phí và mau có phim ra mắt còn bán quảng cáo. Diễn viên làm 2-3 phim một lúc là chuyện thường, đôn đáo chạy như con thoi từ phim trường này sang phim trường khác chưa kể còn làm thêm nhiều việc khác. Chuyện không học thoại, ra trường quay mà không biết hôm nay phải diễn gì vẫn xảy ra như cơm bữa.
"Nàng men chàng bóng" chỉ cần hơn 2 tháng để đưa phim ra rạp.
Diễn viên Quyền Linh từng chua chát nói: "Thực sự trong bối cảnh thế này, toàn phim đặt hàng, phim giao khoán thì không chỉ là các nhà sản xuất muốn làm phim cho nhanh để đừng có lỗ mà ngay cả đạo diễn và diễn viên cũng muốn làm phim cho nhanh. Không có kịch bản cũng đóng. Đến trường quay không biết kịch bản là gì, mình đóng vai gì. Đạo diễn bảo gì làm đó, cứ thế sáng tác tại trường quay. Bây giờ sáng đọc kịch bản chiều quay, thậm chí chưa nhìn kịch bản thì làm sao phim hay được. Ngày xưa những vai diễn thời mì ăn liền là đã sợ lắm rồi. Bây giờ còn hơn cả mì ăn liền nữa. Hình như là họ không có nấu, họ ăn sống luôn".
Trong bối cảnh làm phim như hiện nay thì chuyện diễn viên dành nhiều tháng trời để nghiên cứu nhân vật, thậm chí đi thực tế để chuẩn bị cho vai diễn của mình quả là một điều xa xỉ. Vậy thì kiếm đâu ra những vai diễn, những bộ phim để đời? Chuyện cũng dễ hiểu thôi!
Vietnamnet