Câu chuyện phim Việt “mang chuông đi đánh xứ người” vốn đã không còn mấy xa lạ. Khá nhiều bộphim Việt Nam đã ít nhiều thành công tại các LHP danh tiếng quốc tế. Trong đó, đáng kể nhất phải kể đến Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng từng lọt vào top đề cử rút gọn của Oscar. Đây cũng là bộ phim giành giải Quay phim xuất sắc nhất tại Cannes 1993. Sau này, khá nhiều bộ phim Việt cũng chinh chiến tại các LHP trong khu vực, châu lục và ít nhiều tạo những dấn ấn đặc biệt.
Trong khi đó ở một phương diện khác cũng đáng mừng không kém khi các bộ phim điện ảnh của Việt Nam lần lượt xuất ngoại và được công chiếu tại các thị trường lớn. Rất nhiều bộ phim, kể cả truyền hình còn mạnh tay đầu tư quay bối cảnh nước ngoài để có những thước phim chân thật nhất.
Phim Việt vươn ra trời Tây
Những năm gần đây bên cạnh việc tham gia các LHP quốc tế, khá nhiều bộ phim Việt đã tìm đường để phát hành ở các thị trường nước ngoài. Mặc dù còn khá nhỏ lẻ và chưa tạo được tiếng vang lớn về mặt doanh thu cũng như uy tín nhưng đây có thể coi là những bước đi đầu tiên đáng mừng.
Dòng máu anh hùng từng được phát hành ở Hàn Quốc
Gần đây nhất, Mỹ nhân kế đã được chiếu tại một số rạp ở Australia, New Zealand, Mỹ… sau khi gây tiếng vang tại thị trường Việt Nam với doanh thu cao nhất trong lịch sử phim Việt – hơn 60 tỷ đồng.
Trước đó, Dòng máu anh hùng từng được phát hành ở Hàn Quốc; Bẫy rồng đến với khán giả Kuwait;Hotboy nổi loạn xuất ngoại sang Singapore, Đài Loan; Bi, đừng sợ cũng thẳng tiến đến Đài Loan, Pháp…
Một số bộ phim như Âm mưu giày gót nhọn; Quả tim máu; Cô dâu đại chiến 2… của công ty phim Thiên Ngân cũng luôn được chọn để mang đi phát hành nước ngoài.
Ngôi nhà trong hẻm được khen ngợi ở Mỹ
Mới đây, bộ phim Ngôi nhà trong hẻm dù đã được phát hành tại Việt Nam từ mùa Tết 2012 nhưng cũng có cơ hội sang Mỹ. Bộ phim được công chiếu tại hàng loạt các bang lớn của Mỹ như: California, New York, California, Houston, Texas, Virginia, Illinois… Đặc biệt, báo chí nước ngoài cũng dành cho bộ phim những lời khen ngợi rất tốt, đặc biệt là nữ diễn viên chính do Ngô Thanh Vân thủ vai.
Trong chuyến quảng bá của mình, DV Trần Bảo Sơn vừa bất ngờ vừa háo hức: “Không thể tin nổi khán giả lại dành tình cảm đặc biệt cho bộ phim đến vậy. Ở buổi công chiếu, được tổ chức tại Nam California, nơi có đông người Việt sinh sống nhất, ê kíp chỉ dám hi vọng khán giả người Việt sẽ chào đón. Không ngờ khán giả nước ngoài đến xem rất đông. Họ còn nhận ra các diễn viên và nán lại xin chữ ký”.
Trong số các phim Việt xuất ngoại có lẽ Lửa phật được ưu ái tại nhiều thị trường quốc tế nhất. Phim được hai nhà phát hành và phân phối danh tiếng của Mỹ là Grindstone Entertainment Group (phụ trách mảng marketing) kết hợp với Lionsgate (phát hành) gật đầu đồng ý.
Dustin đưa Lửa phật đến với hội chợ phim ở Cannes
Ngoài ra, phim còn có cơ hội đến với hàng loạt các quốc gia khác như: Đức, Áo, Alto Adige, Thuỵ sĩ, Liechtenstein và Benelux (bao gồm Luxembourg, Hà Lan và Bỉ). Theo tính toán, phim sẽ được công chiếu tại khoảng 20 thị trường nước ngoài.
Ông Stan Wertlieb – Đồng Sáng lập và Giám đốc Bộ phận Bản quyền của Grindstone Entertainment cho biết: “Chúng tôi quyết đinh mua phim Lửa Phật để phát hành tại Bắc Mỹ thông qua đối tác của chúng tôi là Lionsgate vì vẻ đẹp và võ thuật của bộ phim hành động giả tưởng Châu Á này làm tôi thật sự rất ấn tượng. Mọi thứ chúng tôi muốn thấy trong một phim tốt đều ở đó, với một thể loại phim quen thuộc với khán giả toàn cầu”.
Xu hướng xuất ngoại quay phim
Trong khi chất lượng các bộ phim, đặc biệt ở lĩnh vực truyền hình ngày càng bị báo chí xếp vào hàng thảm họa… thì các nhà sản xuất luôn đau đầu để tìm hướng đi mới. Việc chọn quay bối cảnh ở nước ngoài từng được áp dụng khá nhiều trong các bộ phim điện ảnh: Âm mưu giày gót nhọn, Chuyện tình xa xứ… Dịp Tết 2014 này bộ phim Hai lúa cũng đưa khán giả Việt đến với nước bạn Campuchia với những bối cảnh quay tuyệt đẹp.
Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long phải sang Trung Quốc để quay
Nhiều bộ phim truyền hình cũng ngoại tiến như: Đôla trắng, Bước chân hoàn vũ (Thái Lan), Đua nhau làm giàu (Mỹ), Tình ca phố (Hong Kong), Thái sư Trần Thủ Độ và Lý Công Uẩn - Đường tới Thành Thăng Long (Trung Quốc)…
Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện xuất ngoại để quay phim còn khá nhiều điều để bàn. Nhiều bộ phim chỉ mượn danh câu chuyện xuất ngoại nhằm PR vì thực chất các cảnh quay chỉ mang tính chất cưỡi ngựa xem hoa.
Tại buổi họp báo ra mắt bộ phim Duyên trầu cau, đạo diễn Nguyễn Minh Cao từng chia sẻ với kinh phí cho mỗi tập phim truyền hình (khoảng 180 triệu/tập) thì việc xuất ngoại không hề đơn giản. Phim đã sang tận Đài Loan để có bối cảnh cũng như khiến các câu chuyện về những cô dâu Việt được sống động và chân thật hơn.
Đạo diễn Minh Cao tiết lộ dĩ nhiên không thể đưa cả đoàn phim hay toàn bộ trang thiết bị máy móc đi mà cần có sự tính toán rất kỹ lưỡng. Việc quay cũng phải đảm bảo tiến độ nhanh, nhằm giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, theo như ông tiết lộ quá trình quay Duyên trầu cau gặp rất nhiều thuận lợi khi được chính quyền địa phương, người dân hỗ trợ hết mình. Đây không phải là may mắn mà đoàn phim nào cũng có được.
Duyên trầu cau được quay khá nhiều bối cảnh tại Thái Lan
Nói về những khó khăn, có lẽ đoàn Trở về 3 là gặp nhiều áp lực nhất.
Nữ đạo diễn Việt Trinh từng chia sẻ: “Khi sang Thái Lan công việc xin giấy phép vô cùng khó khăn. Chúng tôi phải mất hơn 3 tháng với hơn 100 triệu mới được phép thực hiện những cảnh quay tại đây. Ngay cả việc nhờ một người địa phương dẫn đường mỗi ngày chúng tôi cũng phải trả khoảng 100 đô la. Ngay cả chuyện ăn uống, di chuyển tại Thái Lan cũng đắt đỏ hơn rất nhiều so với những nước chúng tôi từng quay phim”.
Được biết, những phân cảnh quay tại Thái Lan của đoàn đã được phía đài truyền hình cũng như các mạnh thường quân hỗ trợ khá nhiều. Trước đó, Trở về 1 và 2 cũng từng đến Lào và Campuchia để quay phim.
Lâm Chí Khanh – Nữ DV Trở về 3 với cảnh quay được thực hiện tại Thái Lan
Từ việc xuất ngoại để quay phim cho đến việc mang được các bộ phim đó công chiếu với khán giả trên toàn thế giới là điều không dễ. Phim Việt vốn còn nhiều hạn chế so với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới do đó, để tạo tiếng vang ở thị trường nước ngoài vốn không hề đơn giản. Câu chuyện về ngân sách, kịch bản, diễn viên… vẫn luôn là bài toán làm đau đầu các nhà sản xuất và phát hành.
Theo Khampha.vn