Chuyện thế nghe cũng buồn nhưng mà có vẻ như là thật rồi, cái câu “không bao giờ bỏ tiền ra rạp để xem phim Việt Nam”, dù ai có đọc mà phản đối thì cũng không thể thay đổi được sự thật rằng nó là câu cửa miệng của khá nhiều người, trong đó lại là phần đông là giới trẻ - lực lượng khán giả chủ yếu của các rạp chiếu phim. Mặc dù trên thực tế vẫn có nhiều phim Việt Nam được đầu tư kĩ lưỡng và làm ăn nghiêm túc, nhưng số phận chịu chung nhà với những sản phẩm lảm nhảm, nhiều sạn vẫn khiến cho một bộ phận phim Việt đáng xem bị đánh đồng với “phim rác”.
Cảnh trong phim "Tèo em"
Chúng ta đang nói đến phim hài Việt, những bộ phim phần lớn có nội dung đơn giản, kinh phí thấp, dễ sinh lời (thậm chí kể cả khi bi ném đá). Tiên cử như trường hợp của “Tèo em”, bộ phim đạt kỉ lục doanh thu phòng vé những ngày cuối năm 2013.
Nội dung nhạt, diễn xuất lố, bối cảnh phim thiếu đầu tư là những điều khán giả phàn nàn khá nhiều về siêu phẩm của đạo diễn Charlie Nguyễn. Nhưng những người trong cuộc thì vẫn vô cùng tự tin về chiến thắng của mình. Mà những chiến thắng kiểu đó, phần nào đã cổ xúy cho phong trào làm phim nhảm phát triển rộng rãi ở cái đất nước 90 triệu dân này.
Loanh quanh từ cái thời “Nụ hôn thần chết” 6 năm về trước, đến nay, phim hài Việt cũng chẳng tiến bộ hơn được là bao nhiêu. Cứ nhìn vào loạt phim hit của Tết năm nay thì thấy, nào là “Cô dâu đại chiến 2”, “Cưới chạy”, “Hai lúa” rồi đến “Năm sau con lại về”. Chỉ coi poster thôi cũng đã 6 phần ngán ngẩm chứ chưa nói đến việc ra rạp coi phim.
Poster "Năm sau con lại về"
Trong khi “Hai lúa”, “Năm sau con lại về” và “Cưới chạy” phát hành khá gọn nhẹ và kín tiếng thì “Cô dâu đại chiến 2” lại được quảng bá rầm rộ quá mức với một phim hài. Cũng phải thôi, vì siêu phẩm này không những hội tụ những gương mặt diễn viên đình đám của làng điện ảnh mà còn là bộ phim gắn liền với tên tuổi đạo diễn hàng đầu của dòng phim giải trí Victor Vũ. Sau những review khá ấn tượng về phim được đăng tải trên internet, nhiều người không khỏi háo hức và kì vọng về một phim hài “chân chính” sẽ ra rạp trong tháng 1 này. Nhưng thực tế đã “out” hoàn toàn khỏi mong đợi, từ vai diễn cho đến cốt phim. Mặc dù vậy, đây vẫn được ghi nhận là bộ phim mang màu sắc điện ảnh nhiều hơn so với 3 phim còn lại.
Cảnh trong phim "Cô dâu đại chiến 2"
Với “Hai lúa” khán giả được trải nghiệm cảm giác “du lịch qua màn ảnh rộng” nhiều hơn là đang xem một bộ phim, vai diễn của các nhân vật chính cũng rất nhạt nhòa, không để lại ấn tượng gì nổi bật, mặc dù có sự góp mặt của trùm hài Trấn Thành và hoa hậu xinh đẹp Diễm Hương. “Năm sau con lại về” hay “Cưới chạy” cũng không thoát được cái kiểu luẩn quẩn này. Cả 3 bộ phim nếu nói công bằng đều chỉ giống như những tiểu phẩm hài thi thoảng phát trên tivi, hay nhẹ nhàng hơn là kiểu phim truyền hình 1 tập, có điều thời lượng được kéo dài ra chút ít.
Hình ảnh trong phim "Hai lúa"
Năm nào cũng vậy, cũng vẫn ngần ấy gương mặt, đóng hết từ phim chính kịch đến phim hài, rồi thậm chí cả phim kinh dị. Khán giả nếu chưa chán vì hài nhạt thì cũng đã quá ngấy với cảnh “lại gặp người quen” rồi. Nếu như một vài năm trước đây, điện ảnh Việt vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ có một vài đạo diễn giỏi dám ra tay làm phim điện ảnh thì vài năm trở lại đây xu hướng này ngày càng “dễ dãi”.
Những bộ phim hài không quá cầu kì về dàn dựng mà chủ yếu là xây dựng tình huống gây cười được nhiều nhà làm phim áp dụng. Tận dụng vốn sẵn có, nhiều nghệ sĩ hài xuất thân từ sân khấu cũng tham gia sản xuất phim. Dĩ nhiên để đánh giá về chất lượng theo chuẩn mực điện ảnh, các tác phẩm này còn phải chạy đường dài, nhưng kể cả khi xét trên tiêu chí “bổ, rẻ” cũng còn khiến cho khán giả phải ngao ngán.
Đoàn làm phim "Cưới chạy"
Thực ra cái “gu cười” cũng còn phụ thuộc vào lối sống vùng miền. Trong khi phần đông khán giả miền Nam vẫn dễ dàng tiếp nhận những phim hài chiếu rạp kiểu cười cho đã rồi thôi (phần lớn do người miền Nam sản xuất) thì người miền Bắc lại khắt khe hơn và đòi hỏi nhiều hơn. Tuy vậy, vẫn phải nhận định một điều rằng phim hài đang ngày càng kém duyên, thiếu tinh tế trong lời thoại và cách xử lý tình huống.
Có lẽ, “Tèo em” sẽ không quá tệ nếu như Thái Hòa biết tiết chế vừa phải cái hài của mình và kết thúc phim đạo diễn cũng không cần phải làm cho nó quá sến tới mức hơi lố đến nỗi cười hay khóc đều không ra. “Cô dâu đại chiến 2” có lẽ cũng sẽ được khen như phần 1 nếu không mắc những sai lầm casting và cú hích không - thể - hiểu - nổi ở đoạn kết. Hay “Cưới chạy” có lẽ đã không khiến khán giả vừa chạy mất dép phải vừa ném lại chiếc dép trái nếu diễn viên Hoàng Mập không xin báo chí hãy “rộng lượng nhẹ tay” với siêu phẩm theo kiểu chọc cười sinh học, ngô nghê và thô thiển của đạo diễn Đỗ Mai Nhất Tuấn.
Maya trong "Cô dâu đại chiến 2"
Vẫn biết cười là cần thiết và phim Hài là một món ăn tinh thần bổ dưỡng nhưng tẩm bổ theo kiểu “nhồi nhét” thì dĩ nhiên chẳng thể khiến người xem vừa mắt, vừa tai. Đến bao giờ các nhà làm phim mới lao động thực thụ và coi phim Hài không chỉ một tác phẩm hội tụ những gương mặt hài mà là một bộ phim điện ảnh có chứa những yếu tố hài hước một cách trí tuệ và tinh tế. Đó phải là một bộ phim mà người xem cảm nhận được cái “sự hài” trong những tính huống tình cờ chứ không phải một bộ phim hắt một rổ “hài” vào mặt khán giả rồi biểu “cười đi”.
Tuy vậy, những thứ đã bị coi là lối mòn vẫn thường rất khó thay đổi và chừng nào kiểu làm phim trình độ thấp này vẫn còn hút khách thì cái mong đợi một tương lai sáng hơn cho phim hài Việt vẫn còn quá đỗi xa vời. Điều đó đồng nghĩa với việc kêu ca để mà làm gì khi biết chắc rằng năm sau vẫn lại từng ấy siêu phẩm như thế ra rạp và từng ấy những ý kiến phê bình lên báo. Người chê cứ chê, người xem cứ xem và người sản xuất thì vẫn cứ nhiệt tình sản xuất.
Theo Depplus.vn/ MASK