1) Braveheart - “William Wallace là một con người có thực, và lịch sử sẽ sống mãi”.
Mang nỗi đau mất cha và anh trai trong cuộc chiến chống lại quân Anh, nỗi đau lại nhân đôi khi người vợ yêu dấu sau này cũng chết dưới tay lãnh chúa độc ác, William Wallace với niềm khát khao tự do và nỗi đau mất mát đã đứng lên tập hợp nghĩa quân nổi dậy vì nền tự do của Scotland. Đây là bộ phim hoàn hảo từ khâu viết kịch bản tới đạo diễn, diễn xuất, nó xứng đáng đạt doanh thu 202 triệu USD và đoạt 5 giải Oscar, trong đó có Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc.
Nội dung chính của phim là về con người Scotland dũng cảm, hầu như ai cũng khó có thể tránh khỏi việc nảy sinh tình cảm đối với đất nước tươi đẹp đó. Bộ phim đã góp phần tô điểm cho quá khứ vốn đã rất thú vị của Scotland, không chỉ đối với cả thế giới, mà với cả chính người Scotland. Fan hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây để xem nơi mà William Wallace đã chiến đấu vì tự do cho người dân nơi đây, và đương nhiên họ cũng không thể bỏ qua những địa điểm mà đoàn phim đã dùng để quay bộ phim hấp dẫn này.
2) Titanic
Titanic là bộ phim kể về vụ đắm tàu Titanic - một trong những sự kiện kinh hoàng nhất thế kỉ 20 - đã được đạo diễn James Cameron dàn dựng thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất mọi thời đại. Tàu Titanic là một tàu vượt đại dương chở khách chạy bằng động cơ hơi nước – được mệnh danh không thể chìm, đã đi vào lịch sử ngành hàng hải vì vụ tai nạn hàng hải kinh hoàng và bất ngờ đã xảy ra với nó cũng như những bí ẩn liên quan. Tàu bắt đầu được đóng vào năm 1909 và được hạ thủy năm 1912. Trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó vào tháng 4/1912, Titanic đã đắm do đâm vào một tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người tử nạn. Vụ đắm tàu này đã đi vào lịch sử như là vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình.
Đạo diễn James Cameron đã nhận xét về bộ phim của mình như sau: "Cốt truyện không thể viết hay hơn được nữa...Sự sánh đôi của kẻ giàu người nghèo, trách nhiệm của giới tính được đề cao và thực thi cho đến chết (phụ nữ trước nhất), chủ nghĩa Khắc kỷ và tính cách quý phái của một thời đã qua, sự hoành tráng của con tàu vĩ đại được so sánh cùng với sự ngu dại của con người khăng khăng lái con tàu băng qua đêm tối. Trên hơn cả là bài học: cuộc sống là một sự bất tiền định, tương lai là một điều không thể biết trước hoặc suy tính trước được."
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công của bộ phim là nội dung tuyệt vời và dàn diễn viên với lối diễn xuất không chê vào đâu được, nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc Titanic thu hút được sự thành công ngoài sức mong đợi là do nó dựa trên một sự kiện có thật, một sự kiện mà cho đến ngày nay vẫn khiến không ít người tò mò.
3) Anh hùng thành Troy
Bi kịch nổi tiếng – sự thất thủ của thành Troy thần thoại chỉ sau một đêm đã được đạo diễn phim Anh hùng thành Troy xây dựng dựa trên bản trường ca hùng tráng The Iliad. Đó là một trong nhữngcuộc chiến tranh giành tình yêu lớn nhất trong lịch sử cổ đại. Nguyên nhân bắt đầu từ tình yêu mù quáng của chàng hoàng tử trẻ tuổi Paris (Orlando Bloom) dành cho nàng Helen xinh đẹp - Nữ hoàng xứ Sparta (Diane Kruger). Tình yêu vụng trộm giữa hai người đã châm ngòi cho một cuộc chiến tàn phá quyền bình yên của dân tộc. Kết thúc phim, thành Troy thất thủ, xác người chết khắp nơi, máu của cả hai bên tham chiến đều đã đổ ra.
Với bối cảnh rộng, hoành tráng, đạo diễn Wolfgang Petersen đã tái hiện lịch sử Hy Lạp cổ đại khá thuyết phục. Đã có những tài liệu chứng minh rằng cuộc chiến thành Troy thực sự đã xảy ra, và lịch sử chứng minh nó đã xảy ra cách đây hàng ngàn năm.
4) Schindler’s List – (Bản danh sách của Schindler)
Bộ phim được thực hiện dựa trên tiểu thuyết của Thomas Keneally, được công chiếu năm 1993. Phim có nội dung xoay quanh nhân vật có thật là Oskar Schindler, một nhà kinh doanh người Đức đã bảo vệ cuộc sống của hơn một ngàn người Do Thái Ba Lan trong nạn diệt chủng Holocaust bằng ý tưởng đưa họ vào làm trong nhà máy của ông. Phim do đạo diễn Steven Spielberg trực tiếp chỉ đạo, cùng sự góp mặt của các gương mặt diễn viên nổi tiếng Liam Neesonj, Ralph Fiennes và Ben Kingsley.
Phim đã giành tổng cộng 7 giải Oscar, bao gồm cả Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nhạc phim hay nhất, cũng như rất nhiều giải thưởng khác. Trong năm 2007, viện điện ảnh Hoa Kỳ AFI xếp hạng phim đứng thứ tám trên danh sách 100 phim hay nhất của Mỹ trong mọi thời đại.
5) Saving private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan)
Được rất nhiều nhà phê bình thừa nhận là một bộ phim đặc sắc về chiến tranh thế giới thứ 2. Đạo diễn Steven Spielberg đã rất xuất sắc trong việc mô tả những trận giao tranh ác liệt khi Mỹ đổ quân lên bờ biển Ohama cũng như những trận chiến bên sâu trong lòng địch trong cuộc giải thoát binh nhì Ryan. Phim do Tom Hanks thủ vai chính trong vai Đại Úy John Miller
6) 300
300 là một thiên anh hùng ca kể về cuộc chiến Thermopylae lẫy lừng trong lịch sử cổ đại, năm 480 trước CN, khi Vua Leonidas cùng 300 tinh binh Sparta đã quyết tử đánh trả đạo quân Ba Tư khổng lồ gần 1 triệu quân do Vua Xerxes chỉ huy nhằm thôn tính đất nước Hy Lạp. Ngay khi trận chiến bắt đầu, hoàng hậu Gorgo (Lena Headey) luôn hướng về chồng mình từ Sparta, một lòng mong chiến thắng.
Phim được công chiếu ở Mỹ vào ngày 9/3/2007. Trong ngày công chiếu đầu tiên, nó đứng thứ 24 trong danh sách những phim ăn khách, mặc dù những nhà phê bình không tiếc lời chê diện mạo và phong cách của bộ phim. Một số nhà phê bình cho rằng nó đã đưa phiên bản gốc lên một diện mạo mới, trong khi một số khác lại cho rằng những gì mà các nhà làm phim đưa vào là kệch cỡm và không đặc trưng cho người Ba Tư cổ đại.
7) Gladiator (Võ sĩ giác đấu)
Hoàng đế Marcus quyết định chọn vị tướng tin cẩn là Maximus làm người kế vị ngai vàng. Ðiều đó làm Commodus, con trai Marcus, nổi giận. Hắn đã giết cha để chiếm ngôi rồi hãm hại gia đình Maximus. Bản thân Maximus bị trở thành nô lệ, phải tham gia vào các cuộc thi giác đấu... Cuối cùng Maximus cũng về đến Rome và trả thù cho gia đình... Cuộc đời Maximus thay đổi từ ấy, từ một vị tướng oai dũng trở thành một kẻ nô lệ phải trải qua bao thử thách...Gladiator đã thành công trong việc khái quát hóa thành công những vấn đề lịch sử liên quan đến Rome, từ sự vinh quang cho đến bi tráng.
Được công chiếu ở Mỹ vào tháng 5/2000, nó đã đạt được thành công lớn về doanh thu phòng vé, đem lại những lời khen ngợi quý giá từ phía các nhà phê bình dành cho phim lịch sử. Phim đã được đề cử và giành nhiều giải thưởng: 5 giải Oscar trong đó có Phim xuất sắc nhất. Mặc dù có nhiều tin đồn về việc làm lại bộ phim này, nhưng cho đến nay, chưa có bất cứ việc sản xuất nào được bắt đầu.
8) The Sound of Music
The Sound of Music (1965) được coi là một bộ phim thành công đặc biệt vào giữa thập niên 60. Nó được đánh giá là đỉnh cao của thể loại phim ca nhạc Hollywood. Bộ phim do Robert Wise – cũng chính là đạo diễn của bộ phim West Side Story (công chiếu năm 1961). Phim dựa trên vở nhạc kịch Broadway của Richard Rodgers và Oscar Hammerstein (1959) do Mary Martin diễn vai nữ chính. Nội dung chính của phim kể về những gian truân của một gia đình gồm các ca sĩ khi đào thoát khỏi ách áp bức của phát xít Đức tại Áo.
The Sound of Music trở thành hiện tượng từ sau Gone With The Wind (Cuốn theo chiều gió). Phim được chiếu liên tục 4 năm 6 tháng ở Mỹ. Tháng 12.1965, 9 tháng sau buổi chiếu ra mắt đầu tiên, The Sound of Music luôn chiếm vị trí đầu về doanh thu trong 30 tuần của 43 tuần công chiếu và thu được 50 triệu đô la tiền vé. Điều đặc biệt là, chỉ với chi phí 20 triệu đô la cho sản xuất, quảng cáo và tiếp thị thì doanh thu của bộ phim quả là lớn. Ảnh hưởng của nó còn lan tận đến ngày nay, mỗi năm có khoảng 450 vở kịch The Sound of Music khác nhau diễn tại nước Mỹ và Canada. Trên thế giới còn hàng trăm vở nữa sử dụng tiếng địa phương. Năm 1975, hệ thống truyền hình ABC bỏ ra 15 triệu đô la để phát sóng bộ phim. Hiện nay, nó vẫn chiếm vị trí thứ 8 trong 10 bộ phim nhựa được nhiều người xem nhất khi chiếu trên truyền hình. Công ty American Express mở hẳn một tour du lịch “The sound of music”, trong đó du khách được hướng dẫn tham quan các địa điểm mà bộ phim đã từng quay.
Bộ phim đã giúp đạo diễn Robert Wise đoạt giải thành tựu đạo diễn của hội Directors Guid of America. Ngoài ra, phim còn đoạt giải Quả cầu vàng phim hay nhất và Julie Andrew đoạt Quả cầu vàng vai nữ chính xuất sắc nhất. Trong số 10 đề cử Oscar, The Sound of Music đoạt 5 giải: phim hay nhất, đạo diễn, âm thanh (James Corcoran và Fred Hynes), chuyển thể âm nhạc (Irwin Kostal) và dàn dựng cắt ráp phim. Phim còn đoạt giải phim nước ngoài hay nhất của Peru, Ý, Nhật Bản và nhiều giải thưởng quốc tế khác. Nhạc nền của phim cũng bán được 10 triệu album trên khắp thế giới.
9) Kingdom of Heaven
Kingdom of Heaven là một bản anh hùng ca hoành tráng về một người chàng trai bỗng nhiên phát hiện ra mình bị đẩy vào một cuộc chiến kéo dài cả thập kỉ. Trở thành cư dân trong một vùng đất xa lạ, chàng phải phục vụ cho một tên vua bị đày ải, rồi đem lòng yêu một cấm cung hoàng hậu xinh đẹp và trở thành một hiệp sĩ. Chàng vừa phải bảo vệ dân chúng Jerusalem khỏi các thế lực tàn bạo, vừa phải đấu tranh để giữ gìn nền hòa bình vốn đã rất mong manh.
Câu chuyện về cuộc chiến thần thoại này trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất lịch sử với doanh thu 20 triệu đô la ngay tuần đầu công chiếu. Phim có sự góp mặt của Orlando Bloom trong vai Balian, một người thợ rèn trở thành chiến binh ở Jerusalem vào khoảng giữa cuộc thập tự chinh thứ 2 và thứ 3. Phim được công chiếu rộng rãi trên 3216 rạp, mỗi rạp trung bình thu được 6219 đô la. Nó cũng xuất hiện ở trên 100 thị trường quốc tế và kiếm được thêm 56 triệu đô la doanh thu.
10) Bordertown
Dựa trên một câu chuyện có thật, bộ phim là câu chuyện về 1 nhà báo nữ người Mỹ một mình đơn độc đến Juarez, một thị trấn vùng biên giới Mexico để điều tra về những vụ giết người hàng loạt tại đây xảy ra ở các nhà máy của chủ Mỹ. Càng điều tra, cô càng dấn sâu vào nguy hiểm.
Với bộ phim này, Jennifer Lopez đã được nhận giải Artist for Amnesty cho vai trò nhà sản xuất và diễn viên của bộ phim. Ngoài ra, bộ phim còn được đề cử giải Gấu vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 2007.
Thế giới điện ảnh