1. Swingers
Swingers là một bộ phim cực kỳ phù hợp với một trái tim đang sầu muộn vì thất tình, nếu không nói đây là bộ phim hay nhất ở đề tài này. Mặc dù Swingers hướng tới thông điệp rằng người xem nên tống khứ đi những sai lầm trong quá khứ, giống như một vết sẹo đến từ cuộc chia tay, nhưng nhân vật chính của phim - anh chàng Trent (vai diễn của Jon Favreau) vẫn thương nhớ một cô gái đã bỏ anh ta đi từ cả tháng trước.
Chàng Trent đã lang thang khắp đất nước không có mục đích gì cả. Sau cuộc chia tay, sự tự tin của anh chàng cũng theo đó mà tiêu tan. Một trong những khoảnh khắc đau đớn nhất trên màn ảnh là cảnh anh chàng không thể ngăn bản thân khỏi việc nhắn những tin nhắn, với độ sướt mướt càng ngày càng tăng, cho người yêu cũ. Đây là một cảnh rất ngắn nhưng khá hoàn hảo: nó rất hài hước, rất logic, và rất thực.
2. High Fidelity
Một phần cũng từ bối cảnh phim (ở Chicago thay vì Londo), High Fidelity đã thể hiện trung thành tinh thần cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nick Hornby.
High Fidelity kể về anh chàng độc thân 30 tuổi tên Bob. Anh tình cờ gặp một cô nàng tên Laura và muốn trở thành người đàn ông có gia đình. Bộ phim đã miêu tả một cách sắc sảo tính cách của những người đàn ông độc thân theo một cách khá hấp dẫn.
Điều quan trọng nhất ở cả phim và sách, đó là tác giả của nó hiểu rất rõ sức ảnh hưởng của văn hóa bình dân tới việc xây dựng và định hình cảm xúc của người xem. Hornby cũng có một câu hỏi khá thông minh: "Liệu tôi nghe nhạc pop vì tôi quá bất hạnh phải không? Hay tôi quá bất hạnh vì tôi nghe nhạc pop?".
3. White
Đây là bộ phim thứ 2 trong chùm phim kinh điển của đạo diễn lừng danh Krzysztof Kieslowski (chùm phim là bộ ba phim có tên lần lượt là Đỏ - Trắng - Xanh). Trắng là câu chuyện về sự trả thù hơi "ảo" mà nhiều khán giả có thể từng muốn làm dành cho người yêu cũ của mình.
Bộ phim mở ra bằng cảnh Karol - một người Ba Lan nhập cư xuất hiện tại phiên tòa ở Pháp và nói rằng vợ anh chàng muốn ly dị, mà phần lớn nguyên nhân là vì anh ta không có khả năng làm cho vợ có một đêm tân hôn hoàn hảo (thật lố bịch khi nguyên nhân này bị truyền đi với âm thanh rất to trong phiên tòa).
Karol bị mất tất cả mọi thứ sau việc ly dị. Anh chàng đã cố gắng xoay sở để thành đạt trong sự nghiệp, tuy nhiên lại không thể vượt qua được nỗi cay đắng, đau đớn mà mình đã phải nếm trải từ vợ cũ. Sau khi xem bộ phim này, chắc chắn khán giả sẽ noi gương Karol để tìm ra cách giúp bản thân đi tiếp.
4. Annie Hall
Có lẽ đây là bộ phim hay nhất của đạo diễn Woody Allen, và nó không chỉ hài hước mà còn khám phá ra rất nhiều khía cạnh có phần "hơi điên" của việc chia tay. Một cô nàng hơi lập dị, đầy mâu thuẫn tên là Annie (vai diễn của Diane Keaton) gây hấn với người yêu là Alvy (vai diễn của đạo diễn Allen).
Ban đầu thì anh chàng Alvy cũng bị kéo vào cuộc - vì chàng ta khá hoàn hảo, được giáo dục tốt và tự tin - nhưng sau đó Alvy đã lảng tránh những cuộc cãi vã này vì cảm thấy mình bị dồn vào chân tường.
Cả bộ phim là một chuỗi những cuộc tranh luận không mệt mỏi giữa Annie và Alvy. Nếu tranh cãi đến mức không chịu nổi, cả hai sẽ chia tay, nhưng chia tay rồi lại quay lại, rồi lại chia tay. Giữa họ tồn tại nhiều tình cảm nhưng họ không sống được bên nhau vì không giải quyết được những xung khắc.
Chân lý của tình cảm được minh họa rất ổn trong phim này, như khi Alvy đúc kết: tình yêu thật phức tạp và nhiều lúc điên rồ nhưng dường như ta không thể sống thiếu nó.
5. Closer
Closer là bộ phim thể hiện sự ghen tuông đầy nhục dục một cách trần trụi hơn bất cứ phim nào trong hơn một thập kỷ qua. Khán giả chắc chắn sẽ tìm thấy bản thân được thể hiện trong bộ phim, mà không hề có sự tô vẽ nào, trong bốn nhân vật rất đặc biệt của nó.
Có lẽ đây không phải là phim hay nhất trong danh sách Phim dành cho những người bị phụ tình, nhưng nó cũng rất đáng để xem.
TTVN