"Mùa hè lạnh" quá hạn nhận phim vẫn được tranh giải.
Bất chấp quy tắc?
Là giải thưởng nghề nghiệp do Hội điện ảnh trao hàng năm nhưng từ năm 2003, khi chính thức mang tên Cánh diều, giải thưởng này đã tạo được sự chú ý của những người trong nghề cũng như những khán giả quan tâm đến phim ảnh nước nhà. Lễ trao giải Cánh diều cũng là sự kiện điện ảnh được quan tâm. Tuy nhiên, qua mỗi năm, công tác tổ chức lại nảy sinh nhiều vấn đề khiến dư luận băn khoăn.
Chiều 26/2, danh sách 10 phim dự giải Cánh diều mới được chính thức công bố trên báo chí, chỉ cách lễ trao giải chưa đầy 10 ngày. Trong khi đó, lễ trao giải Oscar của Mỹ vừa kết thúc tưng bừng trước đó 1 ngày công bố đề cử từ ngày 10/1.
Danh sách 10 phim tranh "Oscar Việt" công bố ngày 26/2 cũng được xem là đã "khóa sổ" đối với hạng mục Phim truyện điện ảnh năm nay và được giữ nguyên trong buổi họp báo công bố phim trao giải ngày 28/2 tại TP.HCM.
Tại cuộc họp báo, đại diện của Hội điện ảnh có tiết lộ rằng đã liên lạc với một đạo diễn để "mời" anh này gửi phim nhưng không thấy trả lời. 2 ngày sau, có thông tin đạo diễn Ngô Quang Hải đã liên lạc với Hội điện ảnh tại HN để đăng ký gửi phim và ngay lập tức được bật đèn xanh bởi giám khảo vẫn chưa chính thức làm việc! "Mùa hè lạnh" có tên trong danh sách phim tranh giải vào phút chót, nâng tổng số phim lên 11.
Trong khi đó, một chuyên viên phát hành của hãng Thiên Ngân khi được hỏi vì sao Mỹ nhân kế, bộ phim thu bộn tiền của Hãng này dịp Tết vừa qua không có tên trong danh sách tranh giải Cánh diều thì cho biết không phải hãng này không hứng thú với giải Cánh diều mà khi liên lạc với Hội điện ảnh về việc gửi phim (do Mỹ nhân kế bận chiếu Tết) thì được thông báo đã là hết hạn nên đành đứng ngoài cuộc.
"Mỹ nhân kế" không dự giải Cánh diều vì đăng ký muộn?
Sự việc này khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi về tính chuyên nghiệp của giải thưởng, và liệu rằng có sự ưu ái với phim này, sự khắt khe với phim kia mà bất chấp quy tắc hay không? Và phải chăng có sự ngoại lệ với riêng cá nhân từng đạo diễn?
Bất thường
Danh sách các phim tranh giải Cánh diều cũng bộc lộ nhiều điểm trái ngược. Trong khi bộ phim Lạc lối của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang vừa mới kịp hoàn tất và có giấy phép (tức là có thể hiểu phim hoàn thành trong năm 2013) thì bộ phim Thiên mệnh anh hùng, được sản xuất từ năm 2011 và công chiếu từ mùa phim Tết năm ngoái bất ngờ có tên trong danh sách tranh giải trong khi giải Cánh diều chỉ xét các bộ phim được sản xuất trong năm 2012.
Như vậy là trong số 11 phim tranh giải Cánh diều (chỉ khoảng 1 nửa số phim được sản xuất và phát hành trong năm qua) thì có tới 3 phim chưa được công chiếu rộng rãi. Đó là Lạc lối (vừa hoàn thành) và 2 phim tranh giải, chiếu khai mạc tại LHP quốc tế Hà Nội lần 2 cuối tháng 11/2012 là Đam mê và Cát nóng.
Hai trong số này là Lạc lối và Cát nóng cũng không được chiếu cho khán giả TP.HCM trong những ngày diễn ra giải Cánh diều mà chỉ được chiếu cho Giám khảo xem. Do vậy, nếu đặt trường hợp 2 phim này giành được giải thưởng nào đó năm nay thì công chúng cũng không biết đâu mà lần bởi họ chưa được xem phim.
Hiển nhiên Cánh diều là giải thưởng mang tính nghề nghiệp của Hội điện ảnh và không có yêu cầu bắt buộc nào về việc phải chiếu các phim tham dự cho công chúng. Tuy nhiên, với một giải thưởng điện ảnh không còn giới hạn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp của Hội và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng như Cánh diều thì khán giả có quyền đòi hỏi phải được xem, được tham gia bàn luận về những bộ phim, những giải thưởng họ quan tâm.
Và nếu đặt vấn đề rằng Cánh diều là giải thưởng mang tính nghề nghiệp dành riêng cho các hội viên để trao giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất trong năm thì tại sao Hội điện ảnh không gom tất cả các bộ phim được sản xuất phát hành trong năm qua lại để xem xét, đánh giá là chọn ra những bộ phim, những vai diễn xuất sắc nhất thay vì phải vận động từng đạo diễn, từng hãng phim tự nguyện gửi phim tranh giải, ai thích tham gia thì đăng ký, không thì thôi và đăng ký gửi phim muộn coi như hết cửa được xét giải.
Nhiều hạng mục quan trọng của Cánh diều 2012 không có người đến nhận.
Hiện tại Ban giám khảo đang xem phim và sẽ đưa ra quyết định của mình trong vài ngày tới. Tuy nhiên, những gì diễn ra ở lễ trao giải Cánh diều năm ngoái tại Hà Nội khiến nhiều người không khỏi lo ngại về uy tín của giải này với chính giới làm nghề. Tại Cánh diều 2012, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã không tới dự dù "Hotboy nổi loạn" của anh được trao bằng khen của Giám khảo và đoạt giải của BGK Báo chí.
Không chỉ có Vũ Ngọc Đãng mà cả đạo diễn Charlie Nguyễn và diễn viên Thái Hòa, người được trao giải Đạo diễn xuất sắc và Nam diễn viên chính xuất sắc cũng không tới nhận giải. Đây quả thực là một điều đáng buồn với một giải thưởng. Mong rằng kịch bản của Cánh diều năm ngoái sẽ không lặp lại và tất cả các giải thưởng được trao ngày 9/3 tới đều có người đến nhận.
Vietnamnet