Em bé Hà Nội (1974):
Lấy bối cảnh khi Hà Nội bị oanh tạc bởi chiến dịch Linebacker II của quân đội Mỹ vào năm 1972, bộ phim xoay quanh một cô bé 12 tuổi và chuyến hành trình tìm lại gia đình giữa làn khói đạn. Người thủ vai cô bé đó lúc bấy giờ là nữ diễn viên Lan Hương và biệt danh “em bé Hà Nội” vẫn còn gắn liền với cô cho tới tận bây giờ. Tác phẩm của đạo diễn Hải Ninh từng giành giải đặc biệt tại LHP Quốc tế Moscow của Liên Xô cũ.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973):
Bộ phim là câu chuyện về những kiếp đời “ba chìm bảy nổi” của người dân ở hai bờ sông Bến Hải, đang sống trong hai chế độ chính trị khác nhau. Đó cũng là câu chuyện về chị Dịu, một người vợ đảm quyết tâm chờ chồng đi lính trở về, mặc cho bao hiểm nguy vùi dập. Với vai diễn Dịu, nữ diễn viên Trà Giang thắng giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Moscow. Đạo diễn Hải Ninh cũng nhận được đề cử Giải Vàng, nhưng cuối cùng không thắng giải.
Mùi đu đủ xanh (1993):
Đây là tác phẩm đầu tiên trong dự án bộ ba phim về Việt Nam của đạo diễn Trần Anh Hùng. Bộ phim kể về số phận nổi trôi của Mùi (Trần Nữ Yên Khê), cô hầu gái sống trong gia đình của một nghệ sĩ piano. Sau đó, người nghệ sĩ phải lòng Mùi, đến mức cuộc hôn nhân của ông tan vỡ. Mùi đu đủ xanh vinh dự giành giải Camera vàng cùng giải Tài năng trẻ tại LHP Cannes 1993, giải César cho phim đầu tay. Tới nay, đây cũng là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt Nam lọt vào vòng đề cử cuối cùng của Oscar khi bộ phim lọt vào hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất hồi năm 1994.
Xích Lô (1995):
Chuyện phim kể về anh Xích Lô (Lê Văn Lộc), một thanh niên mồ côi hiền lành, làm nghề đạp xe xích lô kiếm sống ở đất Sài Gòn. Vì làm mất chiếc xe “cần câu cơm”, Xích Lô buộc phải gia nhập băng đảng côn đồ, cướp của giết người để trả nợ. Câu chuyện thêm phần phức tạp khi Nhà Thơ (Lương Triều Vỹ), thủ lĩnh của băng xã hội đen, còn là người yêu của chị gái Xích Lô (Trần Nữ Yên Khê). Bộ phim giành được giải Sư tử vàng tại LHP Venice ngay trong năm ra mắt.
Ba mùa (1999):
Đúng như tựa đề, Ba mùa trải dài xuyên suốt ba giai đoạn gồm quá khứ, hiện tại và tương lai của Sài Gòn trong thời kỳ Đổi mới. Phim xoay quanh nhiều số phận buộc phải hòa nhập và thích nghi với sự thay đổi của thời cuộc, trong đó có chàng xích lô đem lòng yêu cô kỹ nữ, tình yêu bị ngăn cấm giữa cô thôn nữ và ông thầy giáo già, một cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam để tìm đứa con rơi thất lạc... Những câu chuyện gần như xa lạ, nhưng lại gắn bó lạ kỳ, giúp hoàn thành trọn vẹn bức tranh về một Sài Gòn hoa lệ. Ba mùatừng thắng giải Golden Satellite năm 2000 tại hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất, giải do khán giả bình chọn và giải giám khảo tại LHP Sundance 1999, cùng một số đề cử tại các LHP ở khu vực châu Âu.
Mùa len trâu (2003):
Dựa trên câu chuyện cùng tên nằm trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, bộ phim kể lại cuộc sống nay đây mai đó của những người làm nghề “len trâu” ở vùng Nam Bộ, đưa trâu đi tìm cỏ ăn mỗi khi lũ về. Tuy mới chỉ là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Mùa len trâu thắng liền 4 giải: giải đặc biệt của LHP Amazonas - Brazil, giải thưởng lớn của LHP Amiens - Pháp, giải đặc biệt ở LHP Lorcano - Thụy Sĩ và giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở LHP Chicago - Mỹ. Bộ phim sau đó được lựa chọn làm đại diện của điện ảnh Việt Nam đi tranh tài tại Oscar 2006.
Áo lụa Hà Đông (2006):
Là một trong những bộ phim nhựa Việt Nam có kinh phí cao nhất lịch sử (hơn 2 triệu USD), Áo lụa Hà Đông lấy bối cảnh những năm 1950, khi thực dân Pháp sắp rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Hai vợ chồng Dần (Trương Ngọc Ánh) và Gù (Quốc Khánh), vốn là nô bộc của hai gia đình tư sản giàu có, hay tin có biến nên quyết định di tản về miền Nam để làm lại từ đầu, với tài sản chung là một chiếc áo lụa Hà Đông mà Gù tặng Dần ngày đám cưới. Bộ phim cảm động của đạo diễn Lưu Huỳnh từng giành được giải do khán giả bình chọn tại LHP Quốc tế Busan, Hàn Quốc, giải Tầm nhìn Kodak tại LHP Châu Á Fukuoka Nhật Bản, và là đại diện của Việt Nam đi tranh tài tại Oscar 2007.
Bi, đừng sợ (2010):
Tác phẩm của đạo diễn Phan Đăng Di xoay quanh cuộc sống của một gia đình tại Hà Nội với hình ảnh viên đá lạnh xuyên suốt cả bộ phim. Viên đá giúp cho cậu bé Bi ướp những chiếc lá, giúp người ông xoa dịu cơn đau, giúp người cha giải khát và giúp người cô kìm hãm những dục vọng bản thân. Trước khi được trình chiếu tại chính quê nhà và gây ra vô số tranh cãi, Bi, đừng sợ từng giành được hai giải thưởng nhỏ trong tuần lễ phê bình thuộc LHP Cannes lần thứ 63 và giành giải Phim đầu tay xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Stockholm lần thứ 21.
Đập cánh giữa không trung (2014):
Chuyện phim kể về Huyền (Thùy Anh), một cô gái nhà quê lạc lõng giữa Hà Nội phải tìm kế mưu sinh, sau khi gã bạn trai nhu nhược bỏ rơi cô để trốn nợ, để lại cho Huyền đứa con đang ngày một lớn dần trong bụng. Tình cờ, Huyền gặp được Hoàng (Trần Bảo Sơn) - một gã trai giàu có sở thích kỳ lạ với những thiếu phụ mang bầu. Những khoái cảm tình dục đến từ Hoàng khiến Huyền ngày một lún sâu trong hoan lạc mà quên mất rằng có một sinh linh nhỏ bé đang nằm trong bụng cô. Bộ phim Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp vừa thắng giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice, một hoạt động thuộc LHP Venice lần thứ 71. Giải thưởng này do FEDEORA - hiệp hội các nhà phê bình châu Âu và Địa Trung Hải bầu chọn.
zing.vn