1. Xin hãy tin em
“Xin hãy tin em” là bộ phim đầu tay của đạo diễn Đỗ Thanh Hải được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Những tình huống dí dỏm và tự nhiên, những câu chuyện rất "sinh viên” đã được đạo diễn Đỗ Thanh Hải khai thác thành công. Đây là bộ phim đặt dấu ấn đầu tiên của Đỗ Thanh Hải - mở đầu cho chuỗi phim truyền hình thành công của anh. Nhân vật Hoài “Thatcher” trong phim cũng là một vai diễn để đời với Lệ Hằng - khi mà bây giờ, nhiều người nhớ tên cô là Hoài “Thatcher” hơn cả tên thật của cô.
“Xin hãy tin em” là câu chuyện về một nhóm sinh viên lên Hà Nội học. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, một số phận… nhưng cùng chung sống và đùm bọc nhau trong cảnh khó khăn đi học xa nhà. Nhân vật chính - Hoài “Thatcher” là nhân vật mà người xem ấn tượng nhất - Một cô gái được nuông chiều nên ngang ngạnh, phá phách.
Thế nhưng, tiếng sét ái tình lại đến với Hoài khi cô gặp Thắng - một thanh niên đẹp trai, con nhà gia giáo và rất hiền lành. Hoài cố gắng thay đổi mình để phù hợp với Thắng. Những chuỗi ngày hạnh phúc trong tình yêu diễn ra cho tới khi cô “lộ bản chất” của mình khi tới gặp gia đình Thắng. Và tình yêu của họ tan vỡ. Kết thúc phim là cảnh tất cả các cô gái trong phòng trọ ôm nhau khóc. Phim để lại nhiều tiếng cười ở những tình huống vui nhộn, hài hước nhưng cũng mang lại cho khán giả những suy ngẫm sâu sắc.
2. Phía trước là bầu trời
Người đạo diễn có duyên với phim về đề tài sinh viên - Đỗ Thanh Hải lại một lần nữa thành công với một bộ phim “Phía trước là bầu trời” - cũng được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Nếu “Xin hãy tin em” có Hoài “Thatcher” thì “Phía trước là bầu trời” lại có Trà “cave” - một nhân vật cũng ngang ngược, ghê gớm nhưng có nội tâm sâu sắc.
Phim không đưa ra nhiều triết lý, không áp đặt, giáo dục thế hệ trẻ theo kiểu giáo điều, khô cứng mà những nhân vật chân thực như Thương, Nguyệt, Nam, Nghĩa béo, Vinh, Trà “cave”… và những tình huống khó khăn, những cám dỗ mà họ gặp phải trên đường đời chính là những bài học “để đời” cho thế hệ trẻ.
3. Sóng ở đáy sông
Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Lê Lựu dựa trên một câu chuyện có thật về một đời người. Nhân vật Núi (Xuân Bắc thủ vai) là một cậu bé ngoan ngoãn nhưng bị hoàn cảnh xô đẩy nên trở thành kẻ trộm cắp. Được sự giúp đỡ của một người tốt, Núi đã hoàn lương và trở về cố gắng hòa nhập với cuộc sống. Thế nhưng quá khứ với những vết nhơ đã khiến anh không thể trở lại một cuộc sống bình thường như bao người khác. Bộ phim cũng là bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất của Xuân Bắc và Kim Oanh, mang tên tuổi họ đến với khán giả Việt.
4. Của để dành
Vẫn được chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, vẫn được “nhào nặn” dưới bàn tay của Đỗ Thanh Hải nhưng “Của để dành” không khai thác về đề tài sinh viên mà ca ngợi tình mẫu tử sâu sắc. Nội dung của phim rất giản dị nhưng có những chi tiết khiến người xem vô cùng cảm động và phải suy ngẫm.
Phim có sự tham gia diễn xuất của diễn viên kỳ cựu Hoàng Yến (vai bà Vi), Hương Mai (vai bé Luyến), Quách Thu Phương, Anh Tú,… Hình ảnh cô bé Luyến nhớ mẹ nên tự trò chuyện với cái bóng của mình trên tường hay hình ảnh bà Vi ngậm ngùi khóc khi các con bận bịu, không có thời gian ở bên bà vẫn không phai mờ trong trí nhớ của khán giả sau bao nhiêu năm bộ phim được phát sóng.
Phim xoay quanh gia đình bà Vi và những đứa con của bà. Chỉ khi bà bỏ nhà đi, các con mới hiểu rằng: không phải chỉ tìm người chăm sóc cho mẹ, lo cho mẹ già một cuộc sống đầy đủ về vật chất là đã làm tròn nghĩa vụ, đáp trả tấm ân tình bao nhiêu năm của mẹ đối với con cái. Thứ mà người mẹ già cần nhất là tình cảm và sự quan tâm của các con mình.
Bộ phim mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhưng rất tự nhiên bởi những chi tiết trong phim quá chân thật, như bước ra từ chính cuộc sống đời thường.
Afamily