Tuy nhiên, bộ phim đầu tiên của đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt "trình làng" với khán giả Việt Nam lại có quá nhiều chữ "nhưng".
Cốt truyện cũ kỹ
Trước hết đây là một câu chuyện tình. Cốt truyện đơn giản: người chồng (Trần Bảo Sơn) cố gắng giúp vợ (Ngô Thanh Vân) vượt qua nỗi đau mất con nhưng sự việc càng lúc càng trở nên trầm trọng khi người vợ có dấu hiệu bị... ma ám. Trạng thái bất thường của người vợ khiến cho người chồng cũng bị cuốn vào khủng hoảng tâm lý. Hai người thực sự bị mắc kẹt trong ngôi nhà liên tục có tiếng chân người chạy và tiếng trẻ con khóc, cho tới cao trào người vợ cầm rìu truy sát chồng. Bộ phim cho thấy đứng trước một tổn thương, mất mát mà bạn không đủ mạnh mẽ và can đảm bước qua. Nếu để nó trở thành quá khứ thì nó sẽ ám ảnh rồi hủy hoại hiện tại và tương lai. Ngõ hẻm sâu, lắt léo như con đường dẫn tới thế giới nội tâm của mỗi người. Ngôi nhà đó chất chứa rất nhiều bí mật và bóng tối mà mỗi chúng ta phải tự thắp sáng bằng tình yêu và niềm tin với cuộc sống.
Thành công về thủ pháp kinh dị...
Bộ phim được đầu tư rất kỹ lưỡng, đẹp và tỉ mỉ. Bối cảnh là một ngôi nhà cổ, thiết kế kiểu Pháp, có mái ngói, hành lang, sân vườn và nhiều cây cối trong nhà. Màu sắc rất phù hợp với không khí của bộ phim. Phim sử dụng những cú máy dài tạo thành những trường đoạn gây cảm giác căng thẳng, hồi hộp, như đoạn mở đầu phim hay đoạn người vợ cầm rìu rượt đuổi chồng thực sự nghẹt thở. Sử dụng handycam, trung cảnh, lắc rung tự nhiên như có một nhân vật vô hình cùng tham gia câu chuyện, khiến khán giả tăng thêm cảm giác hồi hộp, bất an. Tuy nhiên giống như một người chơi tung hứng, đôi khi cũng bị lỗi nhịp, nhiều cảnh quay bị lạm dụng kỹ xảo thiếu hợp lý gây cảm giác sa đà, không rõ dụng ý nghệ thuật. Âm thanh tiếng khóc trong đêm, âm thanh sử dụng hiệu quả, khiến khán giả rợn tóc gáy và đôi khi giật mình.
Trần Bảo Sơn và Ngô Thanh Vân diễn nội tâm rất đạt, tuy thoại còn cứng và dở phần nhiều do khâu kịch bản, đặc biệt là lời thoại của anh chồng có sự lặp lại và nhiều câu vô nghĩa. Ngô Thanh Vân thể hiện tốt tâm trạng một người mẹ mất đi đứa con đầu lòng: sự tủi thân khi nói chuyện với mẹ, bế tắc hoang mang khi nói chuỵên với bạn gái, sự cô đơn, trống rỗng lúc có một mình và tâm trạng phức tạp khi đối diện với chồng. Khó có diễn viên nào vừa diễn xuất nhuần nhuyễn được cả tâm lý và hành động như Ngô Thanh Vân. Trong bộ phim này vai diễn của Trần Bảo Sơn không có gì đột phá so với Giao lộ định mệnh, song anh cũng đã diễn rất tròn vai. Phim có tuyến nhân vật phụ diễn xuất tốt với nhiều chi tiết gây cười khiến cho không khí phim không bị quá nặng nề.
Tuy vậy, sự liên kết cảm xúc giữa Ngô Thanh Vân và Bảo Sơn trong vai cặp vợ chồng vẫn chưa tốt, khi hai người diễn khá rời rạc, xa cách, khiến người xem không cảm nhận được sự gần gũi giữa họ.
... nhưng vẫn chưa tới và có nhiều tình tiết vô lý
Tuy cốt truyện không có gì phức tạp nhưng kịch bản còn nhiều chỗ lỏng lẻo và bất hợp lý. Trong phim có một vài mắt xích là hai vợ chồng Thành - Thảo, chiếc tiểu sành và những tiếng động lạ sau này được giải mã là những đứa trẻ chết cháy trong qua khứ. Nhưng những mắt xích này rời rạc, không rõ sự liên quan, không giải thích hợp lý động cơ của nhân vật. Câu chuỵên không có chiều sâu, thiếu điểm nhấn. Phần đầu phim tẻ nhạt, dài dòng, quẩn quanh rồi kết lại quá nhanh và có phần khiên cưỡng gây hẫng.
Nhiều tình tiết vô lý ở chỗ: Bối cảnh Sài Gòn hiện đại nhưng đồ đạc trong nhà khá cũ kỹ, có cảnh người chồng khóa trái cổng bên ngoài nhưng người vợ vẫn mở ra được, hay đoạn Ngô Thanh Vân dượt đuổi chồng, lấy rìu chém đứt hai ngón tay chồng nhưng máu không tuôn mà tự dưng mà máu đen khô lại chỗ vết đứt. Ngoài ra, chiếc tiểu sành để trong phòng vài tháng trời mà không bốc mùi, đến khi người chồng chỉ cần quẹt vài que diêm ( mà không cần tẩm dầu) chiếc tiểu cháy bùng bùng như được tẩm dầu.
Các nhân vật phụ ngoài gây cười thì không tham gia tích cực vào câu chuyện, thành ra có thì vui mà không có có lẽ cũng chẳng sao. Mâu thuẫn của mẹ chồng và nàng dâu mặc dù đã được đưa ra và khai thác đẩy lên gần tới cao trào nhưng rồi lại bỏ lửng. Đặc biệt là lời thoại đuối, lặp lại, nhiều khi vô nghĩa, không thể hiện được rõ cá tính nhân vật. Cái kết dù hơi khiên cưỡng và chưa làm khán giả thỏa mãn nhưng là cái kết an toàn. Những bộ phim kinh dị thường kết thúc mở như vậy để tạo cảm giác ngẹt thở từ đầu đến cuối, thậm chí sau khi xem xong vẫn có cảm giác bất an về số phận các nhân vật.
Bộ phim khá ổn, là món ăn lạ, hấp dẫn, mặc dù trong hương vị của nó vẫn thấy thiếu điều gì đó mà đầu bếp - đạo diễn làm chưa tới. Điểm yếu đó có lẽ thuộc về khâu kịch bản. Tuy nhiên đây vẫn là một lựa chọn không tệ cho dịp Valentine. Bộ phim nhắc bạn đừng buông tay người mình yêu cho dù chuyện gì có thể xảy ra như ở Ngôi nhà trong hẻm.
Infonet