Mỹ nhân trong “Tây Du Ký”
Nói đến mỹ nhân trong phim “Tây Du Ký”, đã có không ít những cuộc tranh luận nảy lửa về chuyện có bao nhiêu người đẹp trong phim, hay ai là đệ nhất mỹ nhân của “Tây Du Ký”… Đối với bộ phim này, đạo diễn Dương Khiết lấy chủ nghĩa cái đẹp làm tiêu chí cho việc dựng phim, chính vì vậy mà bà đã nỗ lực hết sức để lấy cái đẹp làm nên danh tác điện ảnh như “Tây Du Ký”, và vẻ đẹp nữ tính cũng là yếu tố tạo nên sự thành công cho bộ phim.
Những mỹ nhân trong "Tây Du Ký".
Những tiên nữ xinh đẹp
Hạnh Tiên – Vương Linh Hoa. Việc tìm được Vương Linh Hoa với Dương Khiết cũng là một sự ngẫu nhiên. Khi đó, nữ đạo diễn từng xem vai diễn Hạnh Tiên của một nữ diễn viên ở đoàn ca vũ kịch Thượng Hải liền cho người đến đoàn kịch đó liên hệ dò hỏi, thời gian đó đoàn phim đang quay ở danh thắng Cửu Hoa Sơn. Tiếc là người của đoàn phim cho biết nữ diễn viên đó đang bận theo đuổi một vở diễn khác, trong khi thời gian của đoàn phim “Tây Du Ký” lại khá gấp gáp và cần kíp, việc lại không thể chờ đợi thêm được nữa.
Vương Linh Hoa trong tạo hình Hạnh Tiên.
Thời gian đó, đạo diễn của đoàn ca vũ kịch Thượng Hải đã giới thiệu một nữ diễn viên khác cho Dương Khiết và cho rằng nữ diễn viên này còn phù hợp hơn người mà Dương Khiết “chấm” trước đó cho vai Hạnh Tiên. Cô chính là Vương Linh Hoa.
Khi Vương Linh Hoa tới đoàn gặp đạo diễn Dương thì bà mới phát hiện ra rằng lời của vị đạo diễn nọ quả không sai, cô có thần thái và tư chất của một Hạnh Tiên như lời đồn thổi. Thêm vào đó, Vương Linh Hoa còn có thể phát huy khả năng múa thuần thục, thật đúng là một yêu tiên tuyệt trần!
Liên Liên – Hà Tinh. Trường hợp của nữ diễn viên Hà Tinh cũng là sự ngẫu nhiên như của Vương Linh Hoa. Trong thời gian đoàn phim đang tiến hành quay tập “Dọc đường 3 lần gặp nạn” ở Triết Giang, các nhân vật như Trân Trân (nữ diễn viên Thẩm Tuệ Phân thuộc Viện hý kịch Bắc Kinh đóng), Ái Ái (Dương Phượng Nhất, Viện Côn kịch Bắc Kinh thể hiện) đều đã tìm được người đóng, chỉ còn lại nhân vật Liên Liên, một nhân vật khá nhỏ nhưng cũng đáng yêu và linh lợi nhất thì vẫn chưa tìm ra.
Hứa Tinh trong tạo hình nhân vật Linh Linh.
Trong lúc bước lên xe lửa, đạo diễn Dương Khiết để ý thấy ở cửa xe có một cô gái trẻ có dung mạo xinh đẹp, không biết cô ấy đi tiễn người thân hay là khách đi tàu. Dương Khiết liền quay sang mấy diễn viên bên cạnh và nói: “Cô bé kia xinh đáo để! Tiếc là không biết người ở đâu?”. Khi mọi người đều đã lên tàu, Diêm Hoài Lễ liền dẫn đến một người tới trước mặt Dương Khiết và nói: “Đạo diễn, bà xem đây là ai?”.
Nữ đạo diễn vừa nhìn đã nhận ra ngay đó chính là cô gái ban nãy bà bất giác gặp khi lên tàu. Hỏi ra mới biết đó chính là nữ diễn viên Hà Tinh, đến từ đoàn Côn kịch Triết Giang. Hà Tinh khi đó vừa diễn xong một bộ phim và đang trên đường trở về Hàng Châu, thật may là cả hai bên cùng đi trên một chuyến tàu định mệnh. Đúng là đang trong lúc không tìm thấy Liên Liên đầu thì lại gặp được Hà Tinh trên cùng chuyến tàu một cách thật tình cờ.
Tạo hình Trân Trân (Thẩm Tuệ Phân đóng), Ái Ái (Dương Phượng Nhất đóng)
và Liên Liên (Hứa Tinh đóng) trong "Tây Du Ký".
Những cảnh quay của Hà Tinh trong phim không phải nhiều, thế nhưng trong số ba tiên nữ thì Liên Liên lại có vẻ đẹp ngọt ngào, trong sáng và để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng khán giả.
Yêu tinh, yêu quái
Những mỹ nhân tiếp theo đến từ những nữ yêu tinh, yêu quái mà trong “Tây Du Ký” thì xuất hiện khá nhiều. Những nữ yêu này cũng cần phải có ngoại hình đẹp, nhưng mỗi người mang một vẻ đẹp khác nhau. Có vẻ đẹp nham hiểm độc ác như Bạch Cốt Tinh của nữ diễn Dương Xuân Hà đến từ Viện Kinh kịch Bắc Kinh, Tì Bà Tinh của Lý Vân Quyên, yêu tinh cáo đen của Hàn Phượng Hà từ đoàn ca múa Không Chính…. Họ đều là những người có vẻ đẹp ngoại hình, còn để làm toát lên tính hung ác của nhân vật thì phải dựa vào kỹ năng diễn xuất của diễn viên.
Tạo hình người đẹp trong các nhân vật yêu tinh, yêu quái trong "Tây Du Ký".
Đối với những diễn viên thể hiện các vai nữ yêu, nữ quái thì đạo diễn Dương đau đầu nhất là tìm diễn viên đóng vai Bạch Cốt Tinh, cái khó cũng chỉ vì cái tên của nhân vật mang đầy ám ảnh và khiếp sợ, cũng như sự khinh ghét dành cho nhân vật này.
Yêu cầu của đạo diễn đối với diễn viên thể hiện vai Bạch Cốt Tinh trước tiên phải là một người đẹp, ngoại hình quyến rũ, thu hút. Đây là một nhân vật có nội âm tàn độc và hiểm ác, rắp tâm biến hóa khôn lường cũng như dùng mọi yêu ma chước quỷ hòng ăn cho bằng được thịt của Đường Tăng, về sau bị Tôn Ngộ Không đánh chết. Thế nhưng sau vài lần biến hóa thì Bạch Cốt Tinh đều qua mắt được Đường Tăng cũng như khiến Ngộ Không bị thầy đuổi về Hoa Quả Sơn.
Tạo hình Bạch Cốt Tinh của Dương Xuân Hà trong "Tây Du Ký".
Trên thực tế thì loại nhân vật này so với những nữ yêu khác cũng không có gì khác biệt nhiều, thế nhưng khi đạo diễn Dương đề xuất nữ diễn viên vào vai Bạch Cốt Tinh thì tất thảy đều từ chối: “Bạch Cốt Tinh á? Sợ chết khiếp đi được, diễn vai khác được thì thế nào cũng được, còn Bạch Cốt Tinh thì xin thôi…”, đó là những lời từ các nữ diễn viên mà Dương Khiết nhận được khi mời họ thể hiện vai diễn “ba chìm bảy nổi” này.
Dương Khiết vẫn không hạ yêu cầu đối với vai diễn này, bởi trong con mắt của bà thì Bạch Cốt Tinh cũng là một nhân vật quan trọng, không phải tùy tiện mời diễn viên nào cũng được. Trước đó, phó đạo diễn Vương Tiểu Dĩnh đã mời được nữ diễn viên Lưu Hiểu Khánh và nhận được sự đồng ý của bà, thế nhưng khi đề cập đến vai diễn Bạch Cốt Tinh thì bà liền đưa ra điều kiện, được đóng 3 nhân vật cùng lúc, đó là nhân vật thôn nữ, bà lão và Bạch Cốt Tinh. Dương Khiết nghe xong liền từ chối và cho rằng, hóa thân của Bạch Cốt Tinh là phải sát thực, dù có hóa trang cũng không thể giống với tướng mạo của thôn cô khi bị Bạch Cốt Tinh hóa thân, nhìn là nhận ra đó chỉ là một người đóng.
Cảnh quay trong động của Bạch Cốt Tinh.
Khi đoàn phim quay ngoại cảnh ở Trương Gia Giới và chỉ còn 2 ngày cuối để tìm cho ra diễn viên đóng vai Bạch Cốt Tinh, tình thế lại đang khá cấp bách. Dương Khiết đột nhiên nhớ đến nữ diễn viên Dương Xuân Hà, nếu nhận được sự đồng ý của bà thì không còn ai có thể phù hợp hơn. Điều lo sợ của nữ đạo diễn là liệu Dương Xuân Hà có chịu hay không? Trong đầu Dương Khiết đã nghĩ, Dương Xuân Hà là người làm nghệ thuật, ắt hẳn bà sẽ vì nghệ thuật mà vào vai một nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả, lẽ nào bà ấy lại từ chối?
Thời gian đã rất gấp gáp, Dương Khiết bèn cùng phó đạo diễn Vương Tiểu Dĩnh đi gặp Dương Xuân Hà. Mới đầu khi nghe nói tới việc tham gia đoàn phim “Tây Du Ký”, Dương Xuân Hà tỏ ra rất hào hứng và vui vẻ, thế nhưng khi nghe đến vai Bạch Cốt Tinh thì bà trợn trừng mắt và buông một câu khá nặng nề: “Cái gì? Mọi người thấy tôi giống Bạch Cốt Tinh lắm hay sao?”.
Tạo hình thành công của Dương Xuân Hà trong vai nhân vật Bạch Cốt Tinh đã để lại
nhiều ấn tượng trong lòng khán giả yêu mến "Tây Du Ký".
Dương Khiết vội vàng giải thích không phải vì hình tượng bên ngoài yêu ma quỷ quái mà là hình tượng một mỹ nhân, một người đẹp thực sự và có khí chất tôn quý, uy nghiêm của một nữ vương. Một nhân vật xảo quyệt, biến hóa khôn lường. Về lối diễn xuất cũng như yêu cầu đối với một diễn viên bình thường thì là quá cao, không ai có khả năng đóng vai diễn này, chỉ có nhờ vào tài diễn của Dương Xuân Hà mới có đủ khả năng đảm nhiệm một vai khó như vai Bạch Cốt Tinh.
Sau một vài phút do dự, Dương Xuân Hà đã nhận lời với một điều kiện: Vai quốc vương Nữ Nhi quốc sẽ được trao cho bà đóng. Dương Khiết cũng đắn đo một lúc rồi cũng gật đầu đồng ý trước đề nghị của họ Dương.
Ngày thứ 3, Dương Xuân Hà cùng Dương Khiết đến đoàn phim, và kết quả là nhân vật Bạch Cốt Tinh do Dương Xuân Hà thể hiện đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Thế nhưng còn chuyện vai diễn nữ vương nước Tây Lương nữ quốc thì Dương Khiết đành phải “nuốt lời”. Không phải Dương Xuân Hà không đủ khả năng đóng vai này, bởi xét về năng lực và kinh nghiệm diễn xuất thì bà có thừa, thế nhưng hình tượng nữ diễn viên mà bà đã đặt ra cho vai diễn này thì nhất định không thể thay đổi được, Dương Khiết không thể để khán giả nhầm tưởng một nữ vương thành Bạch Cốt Tinh được.
Đây cũng là một điều vô cùng áy náy của Dương Khiết khi không giữ lời hứa trước kia với Dương Xuân Hà, và điều mà bà canh cánh là liệu Xuân Hà có hận hay ghét gì bà hay không?
Giáo dục Việt Nam