Và vào ngày 21/12 vừa qua, bộ phim đó đã ra mắt đông đảo khán giả Việt Nam dưới tên chính thức là Mùa hè lạnh, tạo ra những dư luận trái chiều xung quanh nó.
Nội dung của Mùa hè lạnh bắt đầu kể từ khi nhân vật Kiên quyết tâm vào Sài Gòn để tìm kiếm người mẹ đã bỏ đi theo tâm niệm của người cha quá cố. Tại mảnh đất xa lạ này, anh đã gặp gỡ và có quan hệ với hai người phụ nữ. Một người là Hoa, vợ của ông chủ khách sạn nơi Kiên thuê, có khát khao cháy bỏng về thể xác. Người còn lại là Nhâm, cô sinh viên ngây thơ, trong sáng, yêu Kiên ngay từ lần đầu gặp mặt.
Cả hai người phụ nữ này đã mang lại cho Kiên tình yêu và những dục vọng mà anh chưa từng trải nghiệm. Tuy nhiên, chính chàng trai trẻ lại không lường trước được những nguy hiểm của mối quan hệ tình ái tay ba đó.
Lý Nhã Kỳ vào vai Hoa trong Mùa hè lạnh
Một ngày nọ, ông Quảng chủ khách sạn đột ngột qua đời vì bị người xấu hãm hại. Cơ quan công an vào cuộc và tổ chức hàng loạt các cuộc thẩm vấn, từ đó hé lộ ra những khoảng tối khó ngờ của những người xung quanh ông Quảng, nhằm tìm ra ai là kẻ đứng sau tội ác vô nhân tính đó...
Mùa hè lạnh có cốt truyện khá thông minh, phức tạp với nhiều chi tiết, nút thắt xoắn quyện với nhau, mà mọi vấn đề chỉ được giải quyết khi bộ phim kết thúc.
Phần kịch bản được đầu tư kỹ lưỡng theo thể loại điều tra, hình sự ly kỳ nhằm tạo nên sức hấp dẫn của bộ phim. Bối cảnh phòng hỏi cung và trong khách sạn với độ tương phản cao giữa các mảng màu sáng - tối cũng tạo ra bầu không khí u ám, đặc sệt, khiến cảnh phim trở nên mờ ảo và chìm sâu vào tội ác bí hiểm. Tất cả nhằm tạo ra một bộ phim mang tính Neo-Noir bó chặt và điển hình.
Bộ phim có một kịch bản hấp dẫn, kịch tính và nhiều tình tiết bất ngờ, đặc biệt là ở phần kết, nhưng thật không may khi đạo diễn Ngô Quang Hải đã chưa thể tận dụng được nó để tạo ra một sản phẩm viên mãn. Bộ phim kéo dài quá mức cần thiết với tuyến truyện dở dang, những đoạn thoại lê thê, những cảnh phim phi logic không có lời giải thích kết hợp với công tác dựng phim trúc trắc không cần thiết. Mùa hè lạnh vì thế mà trở nên loạn nhịp về cấu trúc và thiếu sắc sảo về ngôn ngữ điện ảnh.
Midu và Hà Việt Dũng trong một cảnh quay
Ngay trong những phân cảnh đầu tiên, việc dựng đan xen bối cảnh hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội đã tạo ra một sự nhiễu loạn không gian. Còn sau đó, đạo diễn dùng cách dựng phim phi tuyến tính có mục đích lật mở và gây bất ngờ cho khán giả, nhưng do khoảng cách giữa hai mối nối cách xa nhau và sự lười nhác trong việc thay đổi góc quay, tạo ra một cảnh phim mệt mỏi, lề mề và thiếu sức sống.
Bộ phim có thời lượng 100 phút, nhưng khiến người xem có cảm giác kéo dài đến cả… thế kỷ nhờ việc xoay vòng cảnh phim, đồng thời chèn vào nhiều chi tiết không có tác dụng gì, tạo ra sự rườm rà quá mức.
Cảnh trước không liên quan tới cảnh sau, nhiều phân đoạn hoàn toàn có thể rút ngắn hoặc cắt bỏ,Mùa hè lạnh còn giải quyết câu chuyện “vào Sài Gòn tìm mẹ” hoàn toàn chửng hửng, khi để tuyến truyện then chốt nhằm mô tả mục đích hành trình này bị chết lịm ở khoảng giữa phim lúc tội ác vừa xảy ra.
Đạo diễn đã thể hiện sự lúng túng của mình trong việc điều phối nhịp phim, khiến chỗ cần khúc triết, rành mạch thì lại lủng củng quá đà, chỗ cần khai thác thêm thì lại không đi tiếp. Bộ phim vì thế vừa thừa mứa, vừa thiếu thốn, tạo ra một tổng thể không hài hoà.
Bố cục phim loạn nhịp, còn mối quan hệ tâm lý giữa các nhân vật không có sự đầu tư kỹ lưỡng. Họ vừa mới gặp nhau, nhưng sẵn sàng đi cafe hay thậm chí lên giường với nhau mà không hề có bất kỳ chất xúc tác nào khác như sự rung động thông qua thoại và các chi tiết gần gũi nhau.
Mối quan hệ giữa các nhân vật trở nên phi logic và tạo cho khán giả sự nghi ngờ về tính giả tạo trong đường dây liên hệ nhân vật - điều được đưa vào kịch bản nhằm đem đến phần sau phim bất ngờ hơn mà đạo diễn đã không tinh ý cắt bỏ. Các nhân vật trong phim đều có tâm lý sâu sắc, có tiềm năng khai thác, nhưng cách thể hiện hời hợt của đạo diễn đã làm cho họ trở nên nhạt nhẽo đến thảm hại.
Bộ phim có rất nhiều lời thoại do chỉ xoay quanh câu chuyện thẩm vấn, nhưng các nhân vật trong phim không thể hiện được trí tuệ của mình thông qua những câu thoại trúc trắc và khiêu khích như các phim Noir cổ. Thoại của phim vì thế chỉ mang tính minh họa kiểu phim truyền hình chứ không có tác dụng nâng tầng lớp u ám trong phim. Thông qua rất nhiều cách, bộ phim đem tới sự ảm đạm khi tiền bạc là nguồn gốc của tội ác và con người phải gây tội mới có thể đạt được mục đích. Tiếc là tới tận cuối phim, khán giả vẫn chưa thể hiểu được lý do hành động của Kiên với ông Quảng, phần nhiều do có quá nhiều khoảng trống trong sự phát triển tâm lý.
Mùa hè lạnh chưa hẳn được gọi là “thảm họa điện ảnh” bởi chí ít phần kịch bản của nó đã được đầu tư công sức đáng kể, tuy nhiên, khả năng của đạo diễn trong việc tái hiện những trang giấy lên màn ảnh rộng lại khá hạn chế. Dường như đạo diễn có suy nghĩ là càng làm phim khó hiểu, dựng phim phi tuyến tính khiến nhiều người vò đầu bứt tai thì sẽ là một bộ phim “nghệ thuật”.
Nhưng, theo khái niệm thông thường nhất, phim khó hiểu mà không có tác dụng thì là một bộ phim dở. Nó còn nguy hiểm ở chỗ khiến nhiều khán giả “trưởng giả học làm sang” nghĩ rằng đó là “nghệ thuật”, bất chấp bản chất của nó chỉ là nghệ thuật giả tạo.
24h