Là một bộ phim khai thác nội dung về thể loại cảnh sát hình sự, lột trần những bức màn bí ẩn và góc khuất đầy tăm tối của những con người tưởng chừng như trong sạch, không thể phủ nhận rằng sức hút mà "Mặt nạ gương" gây ra cho khán giả truyền hình Việt là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố hấp dẫn người xem như tình tiết bí ẩn hay "phản ứng hóa học" đầy ngọt ngào giữa các cặp đôi Bảo Anh – Lương Thu Trang và Bình An – Ngọc Huyền, "Mặt nạ gương" cũng không ít lần "gây lú" người xem bởi những "hạt sạn", chi tiết vô lý, khó giải thích.
Điển hình có thể kể đến là tình tiết diễn ra ở tập 8, trong phân đoạn ''Hoa nhà văn đến viếng mộ mẹ mình, những khán giả tinh mắt đã phát hiện ra một chi tiết vô cùng khó lý giải.
Một chi tiết vô lý đã xuất hiện trong tập 8, khi Hoa đến viếng mộ mẹ mình
Cụ thể, khán giả đã phát hiện ra một chi tiết nằm trên báo cáo của Tùng đã không trùng khớp với bia mộ. Trong khi báo cáo được ghi lại ngày mất là 03/01/2001 thì trên bia lại là 27/01/2001. Điều này là tương đối vô lý vì báo cáo chỉ có thể trễ hơn hoặc cùng lắm là bằng đúng ngày mất của nạn nhân. Vì vậy phần báo cáo của Tùng không khác gì đã dự báo trước cái chết của mẹ Hoa cả.
Có thể dễ dàng thấy rằng, ngày mất của mẹ Hoa đã không cố định mà thay đổi một cách hết sức vô lý
Để "bảo vệ" biên kịch, một khán giả cuồng phim đã bày tỏ quan điểm rằng có thể mẹ Hoa được lấy ngày âm làm ngày mất. Song điều này đã ngay lập tức bị bác bỏ vì theo lịch âm năm đó, ngày được ghi lên bia mộ sẽ là ngày 09/12 mới đúng.
Những cuộc tranh luận tìm lời giải cho "hạt sạn" của phim nhưng rốt cuộc, vẫn không có một lời giải thích nào hợp lý
Tuy nhiên đó chỉ mới là một "hạt sạn" nhỏ giữa rất nhiều chi tiết vô lý của "Mặt nạ gương". Ở tình huống Hoa chạy trốn kẻ thù, một chiếc giày đã rơi ra trên đường chạy. Thế là thay vì chạy tiếp, nữ nhà văn lại thong thả ở lại buộc dây giày cho đến khi kẻ lạ mặt đó bắt kịp.
Thay vì tận dụng cơ hội "ngàn năm có một" để thoát thân, Hoa vẫn bình tĩnh ngồi buộc giày, điều này khiến khán giả cảm thấy hết sức "lấn cấn"
Không những vậy, việc Hoa nhanh trí lấy được điện thoại của tên bí ẩn để liên lạc với bên ngoài là một nỗ lực đáng khen nhưng rất tiếc hành động tiếp theo lại như tăng độ khó cho cái "trò chơi" này vậy.
Thay vì nháo nhác đi tìm cảnh để chụp thì Hoa có thể gửi định vị của cô cho Tùng (Bảo Anh) như cái cách cô đã làm trong lần bị bắt cóc trước đó. Cứ cho là lúc ấy Hoa rối trí không nghĩ ra được hoặc không có mạng nên chỉ gửi được hình ảnh qua tin nhắn, nhưng làm ơn là chọn một cảnh vật cố định như số nhà, cây cầu,… đằng này cô lại đi chọn con diều và cầu vồng, thứ xuất hiện rất nhiều ở vùng ngoại ô và có thể biến mất bất cứ lúc nào, quá là mơ hồ.
Hình ảnh mà Hoa chụp để gửi cho Tùng không khác nào tăng độ khó cho "trò chơi" này, một khung cảnh hết sức mơ hồ
Và khán giả cũng có thể thấy tổ điều tra của đã Tùng vất vả như thế nào khi đưa ra những suy luận dựa trên bức hình của Hoa. Khoanh vùng nó nằm ở ngoại ô phía Nam thành phố và phải đi phân nhỏ cấp thôn, xác minh tên địa danh đến cấp nhỏ nhất. Mặc dù trong lúc gấp rút, nguy nan mà anh vẫn có thể suy luận đó là tên địa danh, chi tiết này thật quá gượng ép và phi thực tế.
Chỉ với hình ảnh bầu trời nhưng đội điều tra của Tùng vẫn có thể tìm ra địa điểm chính xác nơi Hoa bị bắt giữ, chi tiết này thật sự khá gượng ép
Chưa dừng lại ở đó, khi chạy ra được đến cổng, thay vì leo lên cổng để thoát thì Hoa lại hô hoán lên. Thử hỏi xem, liệu có tên bắt cóc nào lại chọn chỗ có người qua lại làm "đại bản doanh" không? Và nếu có người đi qua đó đi nữa thì với cái cánh cổng đã khóa chặt thì cũng không ai có thể lập tức vào giúp Hoa.
Và chuyện gì đến rồi cũng đến, khi Hoa nhận ra mọi điều mình làm là vô nghĩa và bắt đầu trèo lên cổng thì đã quá trễ, cô lại tiếp tục bị tóm một lần nữa bởi kẻ lạ mặt kia.
Những tình huống xử lý "cồng kềnh" đã khiến Hoa một lần nữa bị kẻ lạ mặt cho "vào tròng"
Việc điều tra của công an đi vào bế tắc, thủ trưởng của Tùng buộc phải đưa ra lệnh tạm giữ Khôi (Ngọc Quỳnh) để hỏi han. Nhưng công an khi xét nơi ở của Khôi lại chỉ phát hiện mỗi một đôi giày có dính vệt keo, Tùng liền xác định đó là vệt keo của nhân tình ông Minh (NSƯT Trần Đức) để lại vào cái hôm ông Minh gặp chuyện.
Chỉ với một vệt keo nhưng Tùng lại có thể xác định nghi phạm là Khôi một cách hết sức cảm tính
Nhưng chỉ một vệt keo làm sao có thể dùng làm bằng chứng để bắt được Khôi, nghề nghiệp của anh ta là buôn bán bất động sản, đi lại rất nhiều ngoài công trường và việc dính một vệt keo dưới giày là hoàn toàn bình thường. Nếu biên kịch cứ để dựa vào vệt keo mà lập luận thì đúng là trò đùa.
Chi tiết vô lý này đã khiến nhiều khán giả ngay lập tức đặt dấu chấm hỏi
Nói gì thì nói, để làm ra một bộ phim hoàn chỉnh với không một "hạt sạn" là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, hy vọng rằng trong tương lai những bộ phim Việt có thiên hướng về điều tra hình sự, logic thì sẽ nên cẩn thận hơn trong tính toán, tránh gặp phải những chi tiết vô lý như thế này để đảm bảo không "gây lú" cho người xem.
Quang Hùng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)