Công nghệ 3D đã thổi vào lĩnh vực nghe nhìn luồng gió của một cuộc cách mạng mới trong đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Ngày nay, việc sử dụng kỹ thuật 3D trong sản xuất và chiếu phim đang là “mốt” thịnh hành, đem lại cảm giác mới lạ hấp dẫn cho người xem, kéo theo nguồn thu khổng lồ cho nhà sản xuất và phát hành phim.
“Lòi mắt, chóng mặt mới thấy hình 3D”.
Ở Việt Nam hệ thống rạp của Megastar, Galaxy, B.H.D hay Lotte tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Biên Hoà… được trang bị máy chiếu 3D và đã chiếu nhiều phim 3D kể từ sau cú đột phá đầu tiên với “Avatar 3D” vào cuối năm 2009. Khán giả nhiều khi muốn xem phải đăng ký vé trước nhiều ngày. Đây là những rạp có thiết bị chuẩn của nhà sản xuất, có giá trị từ 3 tới 4 tỉ đồng VN. Phim chiếu ở đây được nhập thông qua hội đồng duyệt quốc gia trước khi công chiếu.
Tuy nhiên, ở bài viết này, người viết muốn nói việc lạm dụng phim 3D lợi bất cập hại ở một khía cạnh khác. Nhìn thấy sự ăn khách, đem đến lợi nhuận nhanh và lợi dụng sự tò mò, hiếu kì cái mới của một bộ phận công chúng ở những nơi xa các đô thị, chưa được tiếp cận với phim 3D, một số cá nhân đã kết hợp cùng với một số đơn vị có chức năng chiếu phim của nhà nước ở các tỉnh lẻ để đem “phim 3D” về phục vụ và kinh doanh. Mà những người trong nghề gọi chính xác đây là phim 3D “đểu”.
Các hệ thống rạp của Megastar, Galaxy, B.H.D hay Lotte
mới có thể chiếu phim 3D chuẩn.
Thực chất của loại 3D “đểu” này là họ sử dụng 2 máy chiếu HD lệch pha, người xem được đeo kính loại rẻ tiền hai màu, và khi xem phim, cũng thỉnh thoảng cảm giác phim nổi lên hiệu ứng ba chiều. Nhưng thông thường, xem xong một phim như thế này, nhiều khán giả nói rằng: “Xem lòi mắt, chóng mặt mới thấy hình 3D”.
Máy “đểu”, phim cũng “đểu”
Vậy thì họ chiếu máy gì và phim gì? Tác hại ra sao? Một số chủ rạp ở các tỉnh đã và đang chiếu loại “phim 3D” này tiết lộ: chỉ cần 150 – 200 triệu đồng sẽ được trang bị máy chiếu 3D. Thế nhưng, do tỉnh không có vốn đẩu tư nên phải liên doanh, liên kết với tư nhân theo tỉ lệ ăn chia “tứ lục” 4/6 hay “tam thất” 3/7. Chủ rạp từ 3 đến 4 phần, chủ máy 6 đến 7 phần.
Còn phim thì vì là người trong làng điện ảnh nên các chủ rạp biết rất rõ loại phim này được mua ở ngoài thị trường chợ đen, không tem nhãn kiểm soát, không bản quyền, không thông qua kiểm duyệt. Họ nói rằng, trong một số phim đã chiếu cũng có vài phim nằm trong số các phim mà nhà nhập khẩu Megastar, Galaxy nhập chính thức vào Việt Nam.
Thế nhưng, nếu bản phim chính thức đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia kiểm duyệt, thì bản đĩa DVD loại này vẫn được chiếu “nguyên con” (theo cách nói của những người trong nghề là không phải cắt, còn nguyên bản của nhà sản xuất). Như vậy, có thể nói chính xác: đó là phim 3D “đểu”, vì máy cũng “đểu”, phim cũng “đểu”.
Nhưng tại sao nó lại được nhiều rạp của hệ thống chiếu bóng Nhà nước “nhắm mắt làm liều”? Người ta thấy có ba nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do không có kinh phí (ước từ 3 đến 4 tỷ đồng) để trang bị hệ thống kỹ thuật 3D như Megastar, Galaxy, nên các rạp chọn giải pháp nhanh nhất và rẻ nhất là liên doanh với tư nhân để đưa máy 3D “đểu” vào rạp.
Phim Avatar 3D bị chiếu rởm tại các rạp ở một số tỉnh.
Thứ hai, khán giả ở những nơi này chưa được xem 3D thật nên khi nghe nói đến 3D là hiếu kỳ đến xem. Họ không có điểu kiện để so sánh và cũng không biết phim nào là ngoài luồng và trong luồng, nhất là khi nó lại được chiếu trong rạp của nhà nước. Một chủ rạp không che giấu: “Nếu “nó” (khán giả) mà đã xem 3D thật thì khi xem chỗ tôi “nó” đòi lại tiền vé”.
Thứ ba, các rạp chiếu phim ở tỉnh được mặc nhiên là nơi chiếu phim đã duyệt và được phép bán vé. Vì vậy, chẳng ai đến hỏi họ phim được duyệt chưa. Còn rạp thì thuộc ngành văn hoá của tỉnh nên cơ quan quản lý cũng yên tâm không kiểm tra. Do đó, phim ngoài luồng 3D được nghiễm nhiên chiếu trong rạp.
Tuy nhiên, nói như trên rất dễ “vơ đũa cả nắm”. Vì rằng nhiều rạp ở nhiều tỉnh đã, đang chiếu, hoặc đang sửa rạp để chiếu phim 3D loại này như Rạch Giá, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Thuận, Vũng Tàu; một số tỉnh miền Trung; các tỉnh phía Bắc: Nam Định, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang… Bên cạnh đó, vẫn có những tỉnh như Long An từ chối thẳng thừng: “Thà không chiếu còn hơn lừa khán giả”, hoặc đang chiếu giữa chừng thấy không ổn phải huỷ hợp đồng như Tiền Giang, Bình Thuận, Vũng Tàu.
Nghe nói các chủ máy có trong tay 20 đến 30 hợp đồng với các tỉnh để đặt máy chiếu 3D “đểu”. Khi chiếu xong ở tỉnh, họ sẽ mang về huyện. Điều này có chính xác hay không vẫn chưa kiểm chứng được. Nhưng đã thấy mối đe doạ và tai hoạ khôn lường. Tác hại của 3D “đểu” này ra sao và biện pháp chấn chỉnh như thế nào? Người viết không đề cập đến nội dung này thì chắc chắn ai cũng biết: đem một món ăn tinh thần nguy hại trực tiếp cho sức khoẻ do thiết bị kỹ thuật không đảm bảo, nội dung phim không lành mạnh, thì tác hại của nó lớn đến nhường nào.
VnMedia