Từ chuyện về chiếc váy ren của “vị khách không mời”
Ngay sau đêm khai mạc, câu chuyện về chiếc váy ren của “vị khách không mời” Hồng Quế đã tràn ngập khắp các trang báo kèm theo chỉ trích dữ dội từ công luận. Sự việc diện váy ren phản cảm trên thảm đỏ, người mẫu Hồng Quế không phải là người đi tiên phong. Đã có nhiều nữ diễn viên trên thế giới bị chỉ trích về chuyện ăn mặc thiếu ý thức, thiếu văn minh trên thảm đỏ vinh danh.
Cũng có một câu chuyện khác về việc ăn mặc. Khi ra trước thế giới, khi đứng trên thảm đỏ một liên hoan phim quốc tế, nhiều nghệ sỹ trên thế giới rất biết cách đề cao sự tự tôn dân tộc, niềm tự hào văn hóa của đất nước mình. Báo chí nước Pháp từng “nức nở” trước những chiếc váy thêu rồng phượng đặc trưng văn hóa Trung Hoa của nữ diễn viên Phạm Băng Băng khi cô xuất hiện trên thảm đỏ LHP Cannes. Người ta thấy ở nữ diễn viên ấy niềm tự hào, kiêu hãnh dân tộc, trước thế giới.
Rất ít nghệ sỹ chọn áo dài mặc trên thảm đỏ
Trên thảm đỏ LHP Quốc tế Hà Nội 2012, chỉ lác đác đôi ba nữ diễn viên Kim Khánh, Kim Hiền, Hồng Ánh chọn áo dài dân tộc trong đêm khai mạc. Chẳng thể trách được những nữ diễn viên tài sắc khi họ thích diện váy hàng hiệu sexy đính kim sa lóng lánh. Váy áo lóng lánh khiến thảm đỏ sặc sỡ hơn. Chỉ có điều, trên thảm đỏ đêm khai mạc, người ta đã chứng kiến những ấn tượng đặc biệt từ nữ diễn viên Iran với trang phục truyền thống kín đáo. Chiếc váy dài đen, khăn choàng đen, đôi giày đen, nữ diễn viên Iran trở nên nổi bật giữa rừng váy áo lóng lánh.
Chuyện giữ gìn hình ảnh
Đêm khai mạc, trong khi nghệ sỹ Việt xếp hàng dài ngoài… ngã ba đường Trần Hưng Đạo gần tiếng đồng hồ đợi bước chân lên thảm đỏ, những diễn viên Hàn Quốc ngồi yên lặng trên xe ô tô, họ còn tìm cách che chắn để không ai phát hiện ra, tránh bị chụp ảnh trộm (!).
Tại liên hoan phim Hàn Quốc do nhà phát hành phim Hàn tổ chức tại Việt Nam hồi đầu tháng 11 đã có câu chuyện người đẹp Trúc Diễm “ê mặt”, “tan nát”… khi bị một sao Hàn từ chối chụp ảnh cùng. Mỗi nghệ sỹ Hàn Quốc khi sang dự một event tại Việt Nam, họ đều có hợp đồng rõ ràng, trong đó ghi chi tiết họ sẽ chụp ảnh với những ai, trong bao lâu. Họ không “tạo dáng” ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai và sẵn sàng từ chối những ai không có tên trong bản hợp đồng. Đó là một cách giữ gìn hình ảnh của giới nghệ sỹ Hàn- những nghệ sỹ được sinh ra từ một nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp và hà khắc.
Đứng trước thế giới, niềm tự tôn dân tộc lớn hơn bao giờ hết
Và chuyện buồn của một nền điện ảnh nghèo ý tưởng
Cuộc hội thảo “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” diễn ra trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội 2012 giống như tất thảy những cuộc hội thảo khác của giới làm phim Việt. Những cuộc cãi vã giữa các đạo diễn. Những câu chuyện cũ kỹ, xa xưa đến mức “kinh điển” của điện ảnh Việt. Chuyện phim tư nhân, chuyện phim nhà nước, chuyện phim thương mại, phim nghệ thuật… Đạo diễn Lê Hoàng ngợi khen sự vươn dậy của các đạo diễn trẻ dòng phim thương mại, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng, phim thương mại hoàn toàn vô nghĩa.
Từ 10 năm trước, Lê Hoàng và Phi Tiến Sơn đã có một “cuộc chiến”. Khi ấy, Lê Hoàng làm Gái nhảy và Phi Tiến Sơn cho ra mắt Lưới trời. Gái nhảy đương nhiên là phim giải trí. Lưới trời là một câu chuyện về tham nhũng. Hai phim cùng dự tranh giải thưởng của Hội Điện ảnh. Năm ấy, Gái nhảy đã không qua được Lưới trời. Cuộc tranh cãi đến bây giờ vẫn chưa dứt.
Tại cuộc hội thảo của LHP Quốc tế Hà Nội 2012, cả hai đạo diễn đều lập luận sắc sảo, đều đưa ra những luận điểm sâu sắc. Chỉ có điều, hai bộ phim, Cát nóng của Lê Hoàng và Đam mê của Phi Tiến Sơn đều khiến khán giả… “méo mặt”.
Giải thưởng của LHP Quốc tế Hà Nội 2012 được nhận xét là hợp lý
"đúng người, đúng giải". Điện ảnh Việt được một giải "an ủi"
cho Thiên mệnh anh hùng. Đam mê trắng tay.
Cát nóng của Lê Hoàng được lựa chọn chiếu khai mạc, Đam mê của Phi Tiến Sơn là một trong hai đại diện của điện ảnh Việt Nam tham gia tranh giải, cả hai bộ phim đều… nhợt nhạt. Đặt những tác phẩm mới của điện ảnh Việt cạnh những bộ phim của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines… mới thấy hết sự nghèo nàn về ý tưởng, lạc hậu về sáng tạo của phim Việt.
Bộ phim Night of silence (Đêm yên tĩnh) của Thổ Nhĩ Kỳ thắng lớn tại LHP Quốc tế Hà Nội lần này. Bộ phim gần như được quay trong một bối cảnh duy nhất- căn phòng tân hôn của đôi vợ chồng mới cưới, chú rể là một ông già 60 tuổi vừa mãn hạn tù và cô dâu là một bé gái 14 tuổi. Câu chuyện phim chỉ xoay quanh cuộc trò chuyện của ông già và cô bé trong đêm tân hôn, sự sợ hãi trong lòng họ, những đạo luận khắc nghiệt ràng buộc… Hai nhân vật, một bối cảnh đã làm nên sự xuất sắc cho Đêm yên tĩnh. Nói như đạo diễn- NSƯT Nguyễn Hữu Phần, “Xem xong Đêm yên tĩnh người ta có thể mất ngủ”.
"Khi đứng trước thế giới, hãy kể cho họ nghe câu chuyện giá trị nhất
về bản sắc"
Trong 14 phim truyện nhựa dự tranh giải thưởng tại LHP Quốc tế Hà Nội 2012 có nhiều cái tên ấn tượng. Bên cạnh Đêm yên tĩnh, bộ phim Bị còng tay, Bài ca của sự yên lặng… đều là những phim có cách kể chuyện và tiếp cận đề tài đặc biệt. Bộ phim thể hiện rõ nét dấu ấn sáng tạo của các đạo diễn. Điều ấy đã không được tìm thấy trong các tác phẩm điện ảnh mới của Việt Nam.
Nhận xét về điện ảnh Việt hiện đại, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh có nói “Tôi rất ngưỡng mộ điện ảnh Iran. Họ biết cách kể cho thế giới nghe những câu chuyện rất đỗi đời thường của họ một cách hay, hấp dẫn và lạ. Trong khi điện ảnh thế giới đang hướng tới những nét đặc trưng, riêng biệt, độc đáo của văn hóa bản địa, dân tộc bản địa, điện ảnh chúng ta lại thích bắt chước, thích được gọi là hội nhập, thích vươn tới quốc tế bằng những chiêu trò, bằng những câu chuyện nửa Tây nửa Ta với biệt thự, siêu xe, chân dài... Hãy bắt đầu từ những câu chuyện gần gũi, giản dị nhất. Ngoài kia, bao nhiêu người nông dân đang mất đất. Ngoài kia, còn bao cảnh đời “không biệt thự”, “không siêu xe”. Bộ phim hay không thể đến từ đồng tiền, bộ phim hay phải được làm ra từ chữ tâm, chữ tài của đạo diễn”.
Dân trí