Tuy nhiều lần lên tiếng than thở về số phận long đong của những đứa con tinh thần của mình, song trước những lời đề nghị quá chân thành của giới làm phim, nhà văn võ hiệp Kim Dung đành phải “gửi con vào nhà trẻ”. Ông bảo: “Nhà trẻ nào nuôi nấng không đàng hoàng, tôi chỉ có quyền lên tiếng góp ý và chuyển con mình sang nhà trẻ khác. Những tác phẩm của tôi cũng vậy, lần chuyển thể này không như ý tôi thì hy vọng vào lần chuyển thể sau”. Thế nhưng với bộ phim Thiên long bát bộ 2013, ông không thể nào đứng ngoài cuộc.
Một vài hình ảnh trong phim Thiên long bát bộ 2013.
Khởi chiếu trên Đài truyền hình Hồ Nam (Trung Quốc) với tỷ xuất khán giả lý tưởng nhưng cứ sau mỗi tập, rating phim lại giảm dần. Ngoài việc chọn sai diễn viên, trang phục không phù hợp thì những sáng tạo khi đưa nhiều yếu tố hiện đại vào phim khiến những ai yêu thích dòng phim võ hiệp chính thống cảm thấy khó chịu.
Ví dụ như cảnh Kiều Phong xuất hiện trên 2 tấm ván trượt giống như vận động viên lướt ván; chiếc mặt nạ giống đồ lót của Mộc Uyển Thanh; hay cây gậy của Kiều Phong có hình dáng nhạy cảm… Trên trang mạng xã hội cá nhân, đạo diễn điện ảnh Cao Quần Thư (phim Phong thanh) đã hài hước chỉ trích: "Xem được 10 phút, tôi đã phải vào toilet để… ói!".
Cây Đả cẩu bổng của Kiều Phong có hình dáng nhạy cảm.
Vì vậy, để có một phiên bản hoàn chỉnh hơn phát sóng đợt 2 từ ngày 17/1 tới đây, Đài truyền hình Chiết Giang đã mời nhà văn Kim Dung làm cố vấn cho công việc cắt gọt lại Thiên long bát bộ 2013. Lúc đầu,Kim Dung từ chối với lý do sức khỏe, nhưng sau khi biết khán giả đang kêu than thảm thiết, ông đã đồng ý tham gia với thù lao tượng trưng chỉ 1 USD.
Lần đầu tiên, nhà văn Kim Dung (phải) nhận lời làm cố vấn để cắt gọt một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của ông. Ngồi bên cạnh Kim Dung là nhà sản xuất Trương Kỷ Trung - người có công đưa dòng phim võ hiệp lên màn ảnh nhỏ Trung Quốc qua các tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu (phiên bản Lý Á Bằng), Thần điêu đại hiệp, Lộc đỉnh ký (phiên bản Huỳnh Hiểu Minh)...
Theo Baodatviet.vn