Tranh thủ lúc Quốc Anh nghỉ ngơi trong buổi ghi hình Gặp nhau cuối năm, phóng viên đề nghị phỏng vấn anh về vai diễn và cảm giác lần đầu tiên tham gia Táo Quân, chương trình hài mà nhân dân cả nước mong đợi vào ngày cuối cùng trong năm. Tuy nhiên, Quốc Anh liên tục từ chối với lý do "vai diễn quá nhỏ và không có gì để nói". Nhưng, cuối cùng, sau nhiều lần thuyết phục, anh đồng ý dành cho Giáo dục Việt Nam một cuộc trò chuyện ngắn, trong vòng đúng 10 phút của giờ giải lao.
- Lần đầu tiên góp mặt trong chương trình Táo Quân, cảm giác anh thế nào?
Thực lòng tôi rất phấn khởi, bởi chương trình là một thương hiệu mà tất cả các nghệ sỹ - nhất là nghệ sỹ hài muốn tham gia biểu diễn. Trong Táo Quân 2012, tôi không phải diễn một vai, mà chỉ ra hát một vài bài cuối chương trình, gọi là góp vui một chút thôi!
Ngoài Gặp nhau cuối năm, Quốc Anh còn góp mặt ở 3 đĩa hài Tết 2012
Gặp nhau cuối năm là chương trình có sự nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng khâu kịch bản, mang đậm chất hài, nhưng tính giáo dục cao. Chính vì vậy, tôi luôn mong muốn được tham gia các chương trình như thế này. Nhưng quả thật, dạng như tôi tham gia vào hơi khó, nên đợt này dù có tham gia, cũng không hẳn đóng một dạng vai nào cả mà chỉ thể hiện một số bài hát văn (còn gọi chầu văn hay hát bóng) đẩy hiệu quả đoạn kết thôi.
- Liệu có phải chỉ vì khả năng hát văn tốt nên anh mới được chọn tham gia chương trình?
Cũng có thể! Tôi vừa hát, lại có thể vừa diễn nên chắc là vì lý do đấy mà chương trình mời tôi. Đây không phải một vai diễn hài mà tôi khoe giọng hát một chút thôi. Dùng giọng hát để nói thói hư tật xấu sẽ nó nhẹ nhàng, dễ nghe, dễ cảm nhận.
- Các nghệ sỹ tham gia Gặp nhau cuối năm gắn bó với nhau từ lâu nên thường tung hứng nhau hết sức ăn ý. Lần đầu tham gia, anh có mất nhiều thời gian “hòa nhập” với họ?
Đúng là ê-kíp các nghệ sỹ như Công Lý, Xuân Bắc, Chí Trung, Vân Dung… đã làm với nhau cả chục năm trời, nên việc họ diễn hiểu nhau là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tham gia chương trình, tôi không gặp khó khăn gì. Vì thực tế phần diễn của tôi ngắn, không hề khó gì cả.
Hơn nữa, dù tôi không làm với các bạn trong Táo Quân, nhưng vẫn diễn cùng họ ở một số đĩa hài, chương trình khác. Tiện chia sẻ thêm, năm nay, tôi cũng góp mặt ở 3 đĩa hài Tết. Hy vọng khán giả sẽ thích.
- Trong số diễn viên góp mặt ở Táo Quân, anh thích cách diễn của ai nhất?
Mỗi nghệ sỹ ở Gặp nhau cuối năm đều có phong cách diễn rất riêng và cái duyên hài của mình. Diễn hài nhất định phải có duyên. Không có duyên thì chết ngay, khán giả không cảm nhận được sự hóm hỉnh thú vị của chất hài. Tôi rất cảm tình với ê-kíp này.
Nếu để nói đến sở thích cá nhân để tôi thích, thì mỗi bạn tôi thích mỗi kiểu, vì họ đều có một cái hay để học hỏi. Tôi ấn tượng về Quốc Khánh rất nhiều. Cách diễn Quốc Khánh không theo dạng hài “méo mồm, méo miệng”, mà là một chất hài “độc đáo”, tạo cho mình được phong cách riêng.
Quốc Anh rất cảm tình với ê-kíp làm Gặp nhau cuối năm.
- Nhiều năm nay, Quốc Anh tham gia khá nhiều trong các đĩa hài Tết, nếu ai đó nói anh gương mặt bán đĩa ăn khách, nhưng không phải gương mặt thu hút trên truyền hình, anh nghĩ sao?
Tất nhiên là bản thân mỗi nghệ sỹ hài chúng tôi đều cố gắng xây dựng thương hiệu riêng cho mình, nên chúng tôi thường có sân chơi riêng cho mình: Người thì chạy sô tỉnh, người tham gia đĩa hài Tết, tham gia các chương trình truyền hình…
- 3 điều “được nhất” năm 2011 của anh?
Năm 2011, tôi thấy mình được quá nhiều. Nhưng nếu chỉ nói 3 điều, thì đó lần lượt sẽ là: Thứ nhất, Huy chương vàng tại liên hoan sân khấu hài lần đầu tiên tổ chức dưới Quảng Ninh. Thứ 2, Huy chương vàng liên hoan sân khấu chèo hiện đại ở Thái Bình. Điều cuối cùng là được anh em ở nhà hát ủng hộ lên chức phó giám đốc phụ trách nghệ thuật Nhà hát Chèo Hà Nội.
- Còn điều khiến anh phải suy nghĩ, trăn trở?
Trăn trở lớn nhất là làm sao lôi kéo khán giả đến với sân khấu Chèo. Tôi là người làm sân khấu dân tộc, công việc chính vẫn là diễn viên chèo. Chúng tôi rất muốn làm những vở diễn mang hơi thở thời đại để lôi kéo khán giả, nhưng đến nay vẫn chưa làm được nhiều.
Tuy nhiên, tôi nghĩ, đến một thời gian nhất định nào đó, “cái sự” giải trí nói chung của mặt bằng cảm nhận văn hóa cao lên, lúc đó, khán giả sẽ quay về sân khấu chính kịch hoặc bi kịch.
- Đó cũng là lúc sân khấu chèo tươi sáng hơn?
Tôi hy vọng là như vậy.
- Để có sự tươi sáng như anh nói, thì lĩnh vực khân khấu nói chung và sân khấu chèo nói riêng phải đợi bao nhiêu năm nữa?
Không thể ngồi đợi được mà chúng ta phải tự vận động. Tự làm mới mình. Làm mới sao cho khán giả thấy hay và đến với sân khấu. Cái đó nói thì rất hay nhưng làm thì rất khó.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Giáo Dục Việt Nam