Một cảnh trong vở Nước mắt người điên. Ảnh: Thu Huyền.
Đã có sự khác xa nhau khá nhiều giữa kịch hai miền Nam Bắc, thành phố và địa phương tại liên hoan lần này.
Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012 (từ 14 đến 28-7) thu hút 20 đơn vị tham gia với 26 tác phẩm, trong đó có 8 đơn vị xã hội hóa với 10 vở diễn.
Đến nay, liên hoan đã đi được nửa chặng đầu và có vẻ như kịch thành phố Hồ Chí Minh đang chiếm ưu thế hơn so với các đồng nghiệp phía Bắc, nơi được coi là cái nôi của sân khấu kịch nói.
Đồng nghiệp bất ngờ về nhau
Đây là lần đầu tiên liên hoan sân khấu kịch được tổ chức tại một thành phố của miền Trung- vùng đất vốn mạnh về các loại hình nghệ thuật dân gian chứ không phải kịch nói.
Vì thế, trước khi diễn ra, đã có nhiều người bày tỏ sự lo ngại về sự thành công của liên hoan, rằng được tổ chức ở một thành phố trung tâm như Huế thì các đoàn ở miền Bắc và thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải mất một khoản kinh phí không nhỏ cho việc đi lại, ăn ở trong suốt nửa tháng diễn ra ngày hội lớn của làng sân khấu.
Đó là một sự lãng phí không cần thiết, nhất là khi tỉnh nhà-thành phố Huế không có đơn vị dự thi.
Bởi vậy, một trong những mục đích của liên hoan là tạo cơ hội để các nghệ sĩ trong cả nước được dịp xem và học tập lẫn nhau để từ đó rút ra kinh nghiệm làm tiền đề cho những sáng tạo mới sau này, gần như không thực hiện được.
Vì đơn giản, khó có đơn vị nghệ thuật nào, kể cả nhà nước lẫn tư nhân dư dả kinh phí đến mức đủ cho mấy chục con người ở lại xứ này trong suốt nửa tháng chỉ để xem kịch.
Điều này khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối, bởi cùng là người trong nghề, cùng cống hiến cho một loại hình sân khấu là kịch nói - loại hình được coi là mũi nhọn, xung kích nhất trong các thể loại sân khấu nhưng đã có sự khác xa nhau khá nhiều giữa hai miền Nam Bắc, thành phố và địa phương.
Đạo diễn Trần Nhượng bày tỏ: “Có 20 đơn vị dự thi, với hàng ngàn nghệ sĩ diễn viên song nhìn khán phòng thì đủ biết, các nghệ sĩ không đi xem hết. Thật đáng buồn”.
Cũng chính vì không được xem lẫn nhau một cách đầy đủ nên khá nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự tiếc nuối khi nghe ai đó khen nức nở một vở diễn nào đó của đồng nghiệp mà mình chưa được thưởng thức.
Có những vở chưa thể đánh giá là hay hay dở song chí ít cũng tạo ấn tượng mạnh, thậm chí là cú sốc đối với chính những người trong nghề cũng như với khán giả Huế - những người vốn chưa có thói quen đến rạp xem kịch nói.
Khán giả sởn gai ốc
Cú sốc đầu tiên thuộc về sân khấu kịch Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân với những cảnh cực kỳ nóng bỏng cùng dàn sao mà khán giả miền Trung đã quá quen mặt trên truyền hình.
Hai vở: Làm… của tác giả Chu Thơm, dựa theo tác phẩm Làm đĩ của nhà văn Vũ Trọng Phụng do Hồng Vân làm đạo diễn và vở Nước mắt người điên của tác giả Lê Chí Trung - Lê Bình, đạo diễn Minh Hoàng, một vở mới toanh vừa kịp dàn dựng để đi dự liên hoan và một vở từng gây chú ý cách đây mấy năm vì những cảnh vô cùng nóng bỏng trên sân khấu đã khiến khán giả Huế thực sự bất ngờ.
Bên cạnh những câu thoại đậm màu giới tính khá xa lạ với khán giả miền Trung, hai tác phẩm còn sử dụng khá táo bạo những cảnh khoe thân, ái ân trên sàn diễn.
Một cảnh trong vở Làm... Ảnh: T.h.
Người xem được tận mắt thấy cô đào Xuân (Trịnh Kim Chi) trong Làm… vừa khoe tấm lưng trần, vừa múa những động tác gợi cảm trên sân khấu.
Cảnh sốc hơn, ốc Thanh Vân ăn mặc gợi cảm nằm dài trên ghế sofa để chồng vuốt ve trong Làm… Cũng Thanh Vân trong Nước mắt người điên chỉ mặc đồ lót diễn cảnh ái ân với bác sĩ Thái giống như thật.
Cảnh ngoại tình với bác sĩ Thái vừa kết thúc là cảnh nhân vật nữ này “tiếp tục” với người cháu họ trẻ tuổi hơn mình.
Để diễn cảnh này, ốc Thanh Vân và Hòa Hiệp phải thực hiện khá nhiều động tác khó trên sân khấu nhằm diễn tả hoàn cảnh phức tạp của nhân vật.
Hai cảnh nóng liên tiếp lại kéo dài và được diễn tả quá thực khiến nhiều người sởn gai ốc. Những vở diễn như vậy thường là cấm trẻ em đi xem, thế nhưng có lẽ do quá vội nên cả BTC lẫn sân khấu Phú Nhuận đều quên mất điều quan trọng này, thành ra những phụ huynh nào đã trót cho con đi theo đều ân hận.
Âm binh - Sốc không nhờ sex
Tuy nhiên, với nhiều đồng nghiệp phía Bắc - những người chỉ được nghe nói về sự táo bạo của kịch thành phố mà chưa tận mắt chứng kiến thì lại có phần nể phục các đồng nghiệp phương Nam.
Nể vì các bạn dàn dựng cảnh phòng the trên sàn diễn mà hiệu ứng chẳng khác gì điện ảnh, bên cạnh đó là diễn xuất rất đời, rất tự nhiên chứ không cứng nhắc khô khan.
Sau hai vở diễn, ốc Thanh Vân nhận được nhiều lời khen từ những người đi trước bởi diễn xuất chân thực, khả năng nhập vai xuất thần.
Cô được coi là sao của liên hoan, cho đến khi xuất hiện Hoàng Yến-diễn viên đóng vai Nhi trong vở Âm binh của trường Đại học sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh.
Hoàng Yến vốn là diễn viên của đoàn kịch Nam Định, sau chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh công tác. Cách đây mấy năm, chị rất nổi tiếng với vai diễn Đặng Thùy Trâm trong vở kịch cùng tên do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết kịch bản.
Lần này, Nguyễn Quang Vinh tiếp tục viết Âm binh chỉ sau vài ngày khi Hoàng Yến hỏi xin vở, rồi đưa cho chị và nói: Vở này anh viết cho em. Âm binh được lên sàn chỉ một tháng trước khi diễn ra liên hoan và chỉ vỏn vẹn có 8 buổi tập luyện vào ban đêm với ê kíp chỉ có tất cả 9 người, trong đó có 3 diễn viên chính.
Với suất diễn dự thi vào sáng ngày 20-7, Âm binh trở thành hiện tượng của liên hoan trong suốt nửa chặng đường.
“Vở diễn có nhiều chi tiết hay, lại rất sáng tạo khi có nhân vật họa sĩ vẽ tranh cát, vừa diễn xuất, vừa tạo bối cảnh cho tác phẩm. Mới lạ, hấp dẫn, ấn tượng” - nhà lý luận Lê Quý Hiền nhận xét.
Khác với một số vở diễn,chỉ dùng màn hình video để minh họa, bối cảnh của Âm binh được xây dựng qua những nét vẽ tranh cát của họa sĩ Trí Đức. Anh đóng vai gốc phi lao già trên cát, chỉ ngồi im và vẽ theo cảm xúc nhân vật.
“ở vở diễn này, họa sĩ quyết định 50% sự thành công” - Hoàng Yến, diễn viên, đồng thời là nhà sản xuất khen bạn diễn. Tuy nhiên, Hoàng Yến, mới là cái tên được nhắc đến nhiều nhất sau khi vở kịch kết thúc. “Đấy là cái tên tôi đã nể từ lâu” - Diệu Hương trưởng đoàn kịch Quảng Ninh cho biết.
Có thể nói Âm binh là cú sốc thứ hai nhưng không phải nhờ sex (dù có cảnh nhân vật Nhi thể hiện khát vọng được làm mẹ bằng cách vạch áo) mà bằng cảm xúc. Nói như giáo sư Nguyễn Đình Quang thì đó như là “mình vừa được thưởng thức một món ngon”.
Tiền Phong