Sau những dự án phim ngắn, tài trợ cho tủ sách điện ảnh của đạo diễn Việt Linh, từ giữa tháng 4-2011, vợ chồng diễn viên Hồng Ánh và nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn tiếp tục khởi động dự án 89.600 km+... hướng đến những nhà làm phim độc lập ở mọi lứa tuổi. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng diễn viên Hồng Ánh về dự án 89.600 km+...
Giao thông lộn xộn đôi khi là hạnh phúc
Tại sao chị chọn đề tài an toàn giao thông cho dự án phim ngắn này, liệu có phải là phim tuyên truyền về an toàn giao thông?
Nói dự án 89.600 km+... về an toàn giao thông cũng không đúng lắm. Chúng tôi không nhấn mạnh phim tuyên truyền về luật giao thông, mà hướng đến điện ảnh. Vì thế kịch bản sẽ là những câu chuyện về giao thông dưới góc độ điện ảnh. Quan trọng của các phim tham gia dự án này vẫn là câu chuyện và cách thể hiện.
Trên hết, tôi vẫn xuất phát từ thực trạng ý thức chấp hành luật giao thông của người dân hiện nay quá thấp; tỉ lệ tai nạn giao thông ngày càng cao và không giảm. Ngay việc nhỏ như bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì nhiều người dân vẫn không chấp hành. Với thực trạng như vậy, dự án mong muốn kêu gọi ý thức thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, tôn trọng vấn đề giao thông và yêu quý mạng sống của mình, của những người khác.
Vậy những câu chuyện giao thông hằng ngày với lô cốt, kẹt xe, ngập nước… sẽ được kể dưới góc nhìn tiêu cực hay tích cực?
Điện ảnh có nhiều cách kể. Ví dụ, trong giao thông nhiều người cho đó là vấn đề bức bối lộn xộn nhưng dưới lăng kính của những người làm phim đôi khi những lộn xộn đó lại đem đến hạnh phúc, may mắn cho gia đình nào đó ở hoàn cảnh nào đó… Chúng tôi mong muốn có nhiều kịch bản thể hiện đầy đủ muôn mặt giao thông.
Phim ngắn là thể loại rất khó quảng bá, khó kiếm đầu ra cả ở quốc tế lẫn trong nước, tại sao chị lại chọn thể loại phim ngắn cho dự án này?
Đầu tiên, về quy mô sản xuất, phim ngắn phù hợp với khả năng tài chính để chúng tôi dễ đi tìm tài trợ. Thứ đến, nếu một phim ngắn tốt thì phim ngắn là cơ hội đầu tiên để phát hiện ra nhân tài trong lĩnh vực điện ảnh. Bởi phim ngắn đồng nghĩa với việc thời gian cho câu chuyện diễn ra rất ngắn. Thế nên để cho một phim ngắn mang lại xúc cảm cho người xem tức người làm phim có thiên hướng điện ảnh khá đặc biệt.
Hỗ trợ gửi đến các liên hoan phim quốc tế
Vậy đầu ra cho những bộ phim tham gia dự án "89.600 km+..." như thế nào, thưa chị?
Chúng tôi dựa trên mối quan hệ sẵn có giữa công ty và các liên hoan phim (LHP) quốc tế để từ đó lập hồ sơ gửi các phim tham dự LHP ngắn quốc tế.
Chúng tôi được tiếp xúc với các bạn trẻ là sinh viên ngành sân khấu điện ảnh và nhận thấy, rất nhiều các bạn làm tốt nhưng lại không có đầu ra. Các bạn thiếu mối quan hệ để giới thiệu phim, không biết cách thức nộp hồ sơ gửi đi và dù biết cách thức trên thì kinh phí gửi phim dự thi cũng không đơn giản. Từ gửi phim, liên lạc… mọi chi phí đều phải trả tiền. Vì thế chúng tôi sẽ làm giúp các bạn công đoạn này nếu phim hay. Dĩ nhiên, lập hồ sơ là một việc còn phim có đủ chất lượng để được chấp nhận hay không là chuyện khác.
Bên cạnh đó, chúng tôi cố gắng mỗi dự án đều được phát trên trên các kênh truyền hình trong nước, truyền hình cáp, trực tuyến… Có thể chiếu miễn phí ở các rạp chứ không chiếu rạp theo kiểu kinh doanh. Và hơn cả, nếu có được những sản phẩm tốt thì chúng tôi mới tự tin khi giới thiệu đến mọi người và đem đến các LHP
Diễn viên Hồng Ánh đang hướng dẫn một số bạn trẻ tham gia dự án 89.600 km+...
Chị từng tham dự khá nhiều LHP quốc tế, vậy chị có nhận ra hướng đề tài chung nào cho các phim ngắn độc lập dễ tìm tài trợ tại các LHP quốc tế?
Bất cứ một LHP quốc tế nào cũng luôn có những hoạt động bên lề hướng đến hoạt động chính, trong đó có các hội chợ phim. Tại các hội chợ phim, những quỹ điện ảnh trên thế giới cũng công bố mức tài trợ cho các dự án phim độc lập; có thể tài trợ một phần về kịch bản, kỹ thuật hay toàn phần tùy vào quỹ. Các quỹ này đặc biệt chú ý giới thiệu các bộ phim ngắn đến từ các quốc gia điện ảnh kém phát triển. Và đề tài họ quan tâm thường liên quan đến cộng đồng: Môi trường, vấn đề nhập cư, phụ nữ, trẻ vị thành niên, HIV-AIDS… và có những câu chuyện sinh động cho mọi thể loại.
Vậy chọn khía cạnh giao thông, phần nào dự án "89.600 km+…" có hướng đến đề tài chung của các liên hoan phim quốc tế…
Đi và thấy nên chúng tôi muốn làm cùng các bạn trẻ Việt Nam những dự án như thế. Còn có phim dự LHP quốc tế là một mơ ước quá lớn với chúng tôi. Chúng tôi mong từ những dự án nhỏ nếu thành công sẽ mở rộng hơn.
Pháp Luật TPHCM