Dàn diễn viên Mỹ nhân kế hầu như phải tự mình thực hiện các pha hành động.
Không có trường quay hoành tráng, không có đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp, không có vốn đầu tư khủng... như Hollywood hoặc các nước bạn trong khu vực châu Á có nền điện ảnh phát triển, thế nên đôi khi làm được một bộ phim Việt hay thật lắm truân chuyên. Dù cho đạo diễn có tiếng, diễn viên hạng A cũng đành phải “bó tay” vì nhiều chuyện phía sau chiếc máy quay.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vốn được tiếng là... sướng, mỗi năm chỉ làm một phim, lại còn được đầu tư vốn lớn, quy tụ diễn viên ngôi sao... Chính anh cũng nói làm phim ở Việt Nam dễ hơn ở Hollywood, ít cạnh tranh, luật lệ cũng dễ chịu. Bằng chứng là mấy năm qua các đạo diễn Việt kiều đang kéo nhau về nước làm phim. Có điều, anh cũng thừa nhận: “Chỉ khó một nỗi chúng ta không có kinh nghiệm làm phim lâu năm, không có cả bộ phận chuyên bảo hộ hoặc lo phục trang cho phim. Lúc làm Mỹ nhân kế, tôi vẽ ra một chiếc áo yếm rất đẹp, gợi cảm nhưng khổ nỗi vì nó gợi cảm quá nên diễn viên không thể mặc thêm đồ bảo hộ bên trong. Không ai đủ chuyên nghiệp để nghĩ ra một cách bảo hộ khác nên đành khỏi bảo hộ. Cascadeur cũng không thể đóng thế trong những cảnh quay đòi hỏi diễn viên phải té ngã nhiều, vì khó ai có thể thế được cái lưng hay đôi chân dài của Thanh Hằng trong những trang phục sexy như vậy”.
Người mẫu, diễn viên Thanh Hằng tiết lộ, vì không ai có thể đóng thế nên Kiều Thị phải tự mình xông pha đảm nhận tất cả các cảnh nguy hiểm, hậu quả là trên chân cô vẫn còn một vết thẹo kỷ niệm Mỹ nhân kế.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng rất băn khoăn vì điện ảnh nước nhà không có
bộ phận chuyên bảo hộ và lo phục trang chuyên nghiệp cho phim.
Tự thân vận động
Cũng vì không có bộ phận phục trang mà diễn viên hài Quốc Thuận gặp phải một tình huống dở khóc dở cười. Trước khi xuống Đồng Tháp Mười quay phim Mùa sen cạn, anh quyết định tự đầu tư một bộ tóc giả có giá vài triệu đồng. Đến một cảnh quay phải té nhào xuống sông, đạo diễn Nguyễn Dương cẩn thận nhắc anh dùng băng keo hai mặt để dán tóc lại đề phòng trôi mất. Quốc Thuận tự tin nói khi bay xuống anh sẽ dùng hai tay giữ tóc lại. Ấy vậy mà, rơi xuống sông, tay anh vẫn ôm chặt đầu mà tóc thì không thấy đâu. Bao nhiêu người lặn tìm cả buổi vẫn không ra. Báo hại, cả đoàn phim phải đóng máy để chờ bộ tóc giả khác được đặt mua từ Sài Gòn chuyển xuống.
Còn chuyện diễn viên phải tự sắm sửa phục trang cho vai diễn là chuyện thường ngày ở huyện. Rất ít dự án điện ảnh hiện nay có nhà tài trợ trang phục nên các diễn viên vẫn mạnh ai nấy chi. Sao hạng A, lâu lâu tham gia một phim, cát-sê cả trăm triệu đồng thì sắm hàng hiệu. Còn những diễn viên hạng xoàng một năm tham gia cả chục phim, cát-sê ít ỏi thì cứ thẳng tiến... các tiệm bán đồ thanh lý. Một diễn viên tiết lộ, cái lợi khi sắm đồ “siđa” là không sợ đụng hàng, giá cả phải chăng, tìm được quần áo cỡ rộng lại càng hay vì có thể thoải mái đi “bóp” lại đúng phom của mình.
Chiếc motor “khủng” được Dustin Nguyễn lái trong phim Lửa Phật được đầu tư
với số tiền khá... “bèo” nhờ sự sáng tạo của ê-kip.
Phim tâm lý xã hội thì không lo về kỹ thuật, bảo hộ và trang phục, nhưng vấn đề tài chính cũng khiến không ít đạo diễn đau đầu. Phim quay hàng mấy tháng trời, đôi khi diễn viên phải băng rừng lội suối, dầm mưa dãi nắng chẳng khác gì nông dân nhưng tiền cát-sê bèo bọt thì chẳng ai muốn góp mặt. Trong một cuộc phỏng vấn với Mốt & Cuộc Sống, nam diễn viên gạo cội Thế Anh cho biết: “Đóng phim thì tôi máu lắm, nhưng nghĩ đến cảnh ăn bờ ngủ bụi suốt ba bốn tháng giời mà cát-sê chỉ khoảng 30 triệu đồng, tôi hết ham. Già cả rồi, chả còn sức mà đi nữa”.
Thế nên cũng vì muốn đầu tư tiền làm phim chỉn chu mà vợ chồng Đức Thịnh - Thanh Thúy phải bán cả căn chung cư đang sống. Cha mẹ con cái dắt nhau ra ở nhà thuê để dồn tiền làm phim.
Khó ló... khôn
Đôi khi cái khó ló cái khôn, chính trong hoàn cảnh thiếu thốn lại giúp những người làm điện ảnh nước nhà phát huy hết sức sáng tạo. Lửa Phật là một điển hình. Sau khi ra rạp vài ngày, nhà sản xuất phim Lửa Phật hé lộ số tiền “khủng” để đầu tư cho 2 chiếc xe mà nhân vật Đạo (Dustin Nguyễn) và Long (Roger Yuan) sử dụng trong phim. Số tiền được tiết lộ là hơn 100 triệu đồng khiến không ít người ngã ngửa vì nó... quá ít chứ không phải quá “khủng”.
Nhưng ai đam mê dòng phim giả tưởng có motor chắc đều đã từng xem Ghost Rider của Mark Neveldine và Brian Taylor. Trong phần mới nhất Ghost Rider Spirit of Vengeance (2011), tài tử Nicolas Cage đã cưỡi chiếc Yamaha VMAX danh tiếng. Chiếc xe này có giá gốc đã hơn 500 triệu đồng (25.000 USD), chưa tính chi phí “độ” lại cho đúng với tinh thần của phim.
Ví dụ này nêu ra không phải để so sánh mà để thấy, để có được cái chữ “khủng”, nhà làm phim Việt đã có những sáng tạo khó ngờ.
Không có tiền đầu tư xế xịn thì chỉ còn cách biến xế thường thành xế... có vẻ xịn. Họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải tiết lộ, nguyên “xác” hai chiếc xe ban đầu đã mua hết 100 triệu đồng. Phần ấn tượng còn lại là phụ thuộc vào khâu “độ”. Cụ thể, hai chiếc xe đã được kéo dài khung, “độn” thêm chi tiết, thay bộ vỏ mới... Tất cả chỉ nhằm mục đích biến một chiếc xe bình thường 125 phân khối trở nên hoành tráng như một chiếc 750 phân khối mà vẫn có thể chạy ngon lành. Tưởng thế đã là đáng ngạc nhiên lắm rồi nhưng Mã Phi Hải vẫn chẹp miệng chê đắt, bởi lẽ “độ” để đóng phim nên phải gắn thêm nhiều chi tiết thừa, còn không sẽ còn rẻ hơn nữa. “Hoàn thành xong ê-kíp phải chạy thử cho đoàn phim coi để họ yên tâm, lỡ có sao thì chết trước (cười). Đùa thôi, mọi chi tiết đã được tính toán để đảm bảo an toàn”, anh cho biết.
Công Ninh cho biết làm diễn viên không hề sung sướng, thậm chí có
những cảnh quay xong mà ai yếu người sẽ xỉu luôn.
Ai bảo diễn viên là sướng?
Nhà sản xuất khổ vì một nỗi, diễn viên cũng khổ không kém. Đạo diễn Công Ninh vẫn nhớ hoài lúc anh tham gia phim Lẵng hoa tình yêu, bộ phim sitcom đầu tiên của Việt Nam. Bởi lẽ từ sau phim đó, anh chẳng có cơ hội tham gia một bộ phim nào... sướng đến vậy nữa!
Đoàn phim thuê một trường quay thênh thang ở Củ Chi. Diễn viên quay xong có ghế nằm nghỉ ngơi, máy lạnh mát rượi để chờ đến phân cảnh khác. Còn đa phần những phim khác anh tham gia nếu phải quay giữa đồng không mông quạnh thì bị phơi nắng là chuyện bình thường. Mưa lớn quá thì cả đoàn phim chen nhau núp trong xe chở đạo cụ. Công Ninh kể lại: “Những phân đoạn phải giả cảnh ban đêm mới thật kinh hoành. Cả đoàn phim chui trong một căn phòng nhỏ, tất cả cửa sổ, lỗ thông gió đều được bịt kín. Khi đèn chuyên dụng bật lên thì căn phòng không khác gì lò bánh mì, khi quay xong bước ra người ướt đẫm như tắm hơi. Cô nào yếu yếu, chui vô đó mà diễn không được phải quay đi quay lại nhiều lần có khi xỉu luôn”.
Còn chuyện bị đuổi khỏi địa điểm quay dường như đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi không diễn viên nào lấy làm lạ. Công Ninh cảm thán: “Thử nghĩ coi, một đoàn phim mấy chục con người, khỏi nói cũng biết mượn nhà người dân quay được vài bữa kiểu gì cũng phá cho không còn là nhà nữa. Bàn ghế, tranh treo tường bị xê dịch tứ tung để phục vụ cho bối cảnh. Toilet thì quá tải. Chủ nhà nào hiền còn chịu đựng, chớ gặp người khó là bị đuổi khéo luôn. Bởi vậy, mỗi khi đến một chỗ quay mới, thấy người ta vồ vập quan tâm, quý mến thú thật tôi thấy lo hơn là thấy vui. Vì biết kiểu gì vài bữa nữa thôi, mấy tình cảm yêu thương này sẽ chỉ còn là dĩ vãng”.
Cũng đồng cảnh ngộ bị gia chủ “hắt hủi” vì không chịu nổi sự xáo trộn của mấy chục con người, diễn viên Minh Hằng nhớ hoài thời gian tham gia bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc. Có nhiều lúc cả đoàn phim phải chờ lúc chủ nhà đi ngủ mới bắt đầu... quay, đi lại cũng phải rón rén, nói chuyện thều thào. Vì ai cũng sợ, lỡ bị đuổi thì không biết phải làm sao. Điểm nhấn của phim Ngôi nhà hạnh phúc chính là bối cảnh ngôi nhà, nếu bị “trục xuất” thì tất cả công sức đã bỏ ra sẽ... tiêu tùng, phải tìm bối cảnh mới và quay lại từ đầu.
Tuy vậy, thích nghi với điều này, nhiều nhà sản xuất phim đã trở nên rất linh động. Quốc Thuận kể mới đây thôi, trong một bộ phim truyền hình anh tham gia, “mấy ngày đầu quay ở quận Thủ Đức, sau chủ nhà đuổi khéo vì có người thân ở nước ngoài về. Vậy là đoàn phim chuyển sang quận 6. Mới được chừng hai ngày chủ nhà lại không cho quay vì đoàn phim... phá quá lại phải chuyển qua quận Bình Tân. Diễn viên thì dễ thôi, quay đâu thì đi đó, chỉ khó cho ông đạo diễn, chỉ có bối cảnh ngôi nhà của nhân vật chính mà quay tới 3 nơi. Cuối cùng, đành nghĩ ra giải pháp cho nhân vật chính chuyển nhà”.
Còn vô vàn chuyện hậu trường nghe qua thì vui mà ngẫm lại thì thấy thật buồn cho nền điện ảnh kém chuyên nghiệp của nước nhà. Biết vậy để nhủ lòng phải có cái nhìn cảm thông hơn với những bộ phim Việt, bởi đằng sau đó là rất nhiều mồ hôi, nước mắt...
Theo Mốt & Cuộc sống