Lời thoại "sạch" nhưng thiếu hóm hỉnh
Kiếp lông bông được hãng băng đĩa Hồ Gươm Audio-Video giới thiệu là sản phẩm “đo ni đóng giày” cho nghệ sỹ hài Chiến Thắng. Trong buổi họp báo ra mắt sản phẩm này hồi cuối tháng 12/2011, đơn vị sản xuất giới hứa hẹn sẽ đưa người xem đến với nhiều tình huống hài hước, cười ra nước mắt, qua đó giáo dục con người biết sống tử tế, nghiêm túc, không tham lam. Cùng với đó, phía sản xuất không tiết lộ quá nhiều thông tin liên quan tới tác phẩm mà chỉ ngắn gọn: “Mua đĩa rồi sẽ biết”.
Chiến Thắng trong đĩa hài Tết "Kiếp lông bông". Ảnh chụp từ clip.
Bởi vậy, với cách xây dựng 2 nhân vật chính Đô - Sòn theo kiểu ngờ nghệch, chân chất, nhiều “đất” diễn cùng sự tung hứng của một số nghệ sỹ khác như Thanh Ngoan, Thu Hà, Thanh Dương, Bạch Tuyết, Hải Anh, tưởng rằng Kiếp lông bông sẽ mang đến tiếng cười xuân giòn giã. Nhưng ngược lại, cái hài Chiến Thắng chưa thực sự tạo ấn tượng nếu không muốn nói rằng khá tẻ nhạt từ cốt truyện cho tới các tình huống giao tiếp.
Nội dung và lời thoại nhạt nhẽo, các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm thiếu đi các tình huống hài hước, câu nói hỏm hỉnh, Kiếp lông bông cố “mua vui” cho khán giả bằng việc chú trọng vào hành động, tạo hình nhân vật gây cười như: Chiến Thắng cởi trần trùng trục, mẹ Sòn cong cớn, chanh chua, Hải Anh lơ ngơ, cô Sòn bôi phấn son lòe loẹt, dáng đi chẳng giống ai… Nhưng chừng đó là chưa đủ. Thêm nữa, nội dung tác phẩm hoàn toàn không dính dáng, liên quan hay gợi cảm giác gì đến Tết hoặc chí ít… là không khí Tết.
Kiếp lông bông mở đầu bằng hình ảnh cặp đôi Đô - Sòn xuất hiện bên cạnh cây đa, mái đình vốn quen thuộc với khung cảnh làng quê Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ muốn kịch bản thêm phần khác lạ, thay bằng dắt trâu (bò) đi thả, Chiến Thắng đi…chăn ngựa. Tiếp đó, là cuộc nói chuyện “nhạt như nước ốc” về chuyện con Lan, cái Tuyết, trả nợ lô đề…giữa Đô và Sòn. Sau đó, khán giả được dẫn dắt tới các tình huống đối thoại giữa Đô với bố mẹ đẻ, Đô với bố của Sòn (tình huống Đô nói chuyện với bố Sòn đưa chi tiết bố Sòn tai nghễnh ngãng nên 2 bên không hiểu nhau cũng không hề gây cười).
Duy có điều đáng ghi nhận là xuyên suốt đĩa hài Kiếp lông bông, lời thoại khá sạch, ít tục tĩu – điều ít thấy ở các đĩa hài tết hàng năm.
Thông điệp ý nghĩa nhưng không cười nổi
Bước chuyển có tính “đột phá” về câu chuyện cuộc sống Đô - Sòn bắt đầu từ việc Sòn “xui” Đô lấy trộm xe máy của bố Sòn lên huyện làm xe ôm. Công việc mới bắt đầu Đô đã bị đánh đòn đau vì dám phá giá. Tiếp đó, bị cô gái trẻ lừa mất 200 nghìn cuối cùng. Tiền mất, tật mang, Đô trở về nhà Sòn trả xe máy lại bị mắng tơi bời.
2 nhân vật hành nghề xe ôm trong "Kiếp lông bông".
Giận mẹ mắng người yêu, Sòn bỏ sang nhà Đô và xin bố mẹ cho 2 đứa cưới nhau. Thấy 2 đứa ngu dốt, không kiếm ra tiền, gia đình không chấp nhận. Cặp đôi quyết định ra đi lên phố xin việc, nhưng sau bao vất vả vẫn ngậm ngùi không xin được việc vì không mang theo giấy tờ tùy thân.
Trong lúc chán nản, Đô cất lời: “Nếu trời không cho làm người lương thiện nữa thì sẽ làm kẻ ác” - câu nói trên được “phụ họa” thêm bằng hiệu ứng sấm sét như trong phim viễn tưởng. Ngỡ tưởng kịch bản sẽ có nhiều tình huống mới lạ, đột phá khác xa các tình huống “nhạt nhẽo đều đều” nửa đầu đĩa hài thì bất ngờ nhất, việc “làm kẻ ác” mà Đô nói là đi làm…ăn xin. Ăn xin chẳng ai cho, Đô - Sòn quyết định hành nghề thầy bói.
Tình huống Đô - Sòn dán râu, mặc quần áo giả danh thầy bói “siêu đẳng” có tài bắt ma lừa phỉnh người khác khiến kịch bản hài “lộ” ra sự thiếu logic. 2 nhân vật Đô - Sòn ngô nghê, khù khờ ban đầu không còn nữa không còn nữa, thay vào đó là sự… tinh ranh, khôn ngoan, nói năng lưu loát bịm bợp người khác một cách vô lý.
Cuối cùng, việc giả thầy bói bắt ma của Đô bị vạch trần khi bị thằng bé con chủ nhà giật mất mấy cọng râu giả. Thêm một lần bị đuổi đánh, tiền mất, tật mang, Đô - Sòn sợ quá trở về quê, không dám ở lại phố nữa!
Đoạn kết của Kiếp lông bông không đề cập tới chuyện Đô – Sòn trở về nhà cưới hỏi ra sao, mà đưa khán giả đến hình ảnh vợ chồng Đô – Sòn chăm chỉ làm ăn, bên cạnh là 2 đứa con nhỏ với nhiều câu nói thấm thía về tình cảm vợ chồng như: “Em là tài sản quý nhất đời anh”, “Có em bên anh đời đẹp tuyệt vời”, “Có em hạnh phúc, anh làm đến sáng được”…
Nhẫn nại lắm mới dành hết thời gian khoảng 1 giờ xem toàn bộ tiểu phẩm hài tết Kiếp lông bông, hẳn khán giả dễ dàng nhận thấy ngụ ý kịch bản hướng đến việc giáo dục con người biết sống tử tế, nghiêm túc, không tham lam. Tuy nhiên, tiếng cười sảng khoái cần có trong 1 đĩa hài tết thì hầu như "bặt tăm".
Thế mới nói, Kiếp lông bông thông điệp ý nghĩa, lời thoại "sạch sẽ" nhưng nếu gọi là đĩa hài tết thì quả thực… hơi "quá sức", vì... không cười nổi!
Giáo dục Việt Nam