Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhưng thị trường đĩa hài Tết đã sôi động với nhiều tiểu phẩm, băng đĩa của các hãng khác nhau. Nhưng điều dễ dàng nhận thấy là nội dung đĩa vẫn còn dễ dãi và chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn “siêu nhảm”, “siêu nhạt” và chứa đựng sự dung tục.
Nỗi niềm không biết kêu ai
Để đáp ứng thói quen mua đĩa hài về xem trong dịp cuối năm của nhiều người dân, các công ty băng đĩa và các nghệ sỹ hài phía Bắc đã ồ ạt cho ra mắt đĩa hài ngày xuân, khiến cho thị trường đĩa hài Tết vô cùng sôi động.
Vừa qua, Thăng Long Audio vừa tung ra bộ ba đĩa Tết để yêu thương, Cổ tích thời @ và Chôn nhời; Tứ Vân Media vẫn trung thành theo thể loại hài dân gian, với tiểu phẩm Bao Chảnh Vua gỡ án. Ê kíp Chiến Thắng - Quang Tèo với 2 đĩa hài có mặt đầu tiên trên thị trường, được cho là đại diện cho hài Bắc là Làng ế vợ và Mèo nào cắn mỉu nào...
Mặc dù, đều được ghi nhận vì những nỗ lực của nghệ sỹ cũng như nhà sản xuất trong việc tìm kiếm kịch bản, đưa tính thời sự vào mỗi tác phẩm, song lướt qua một lượt các sản phẩm, có thể thấy, cảm giác đầu tiên vẫn là sự nhàn nhạt của các tiểu phẩm. Ở đó, người xem không khó để đọc ra những chiêu trò cũ với mô tuýp chọc cười không mới của nghệ sỹ.
Năm nay, nội dung của các đĩa hài vẫn không có nhiều thay đổi, chủ yếu xoay quanh những chủ đề được nhiều người quan tâm như Táo quân, những “chiêu” quen thuộc như chế nhạc, say rượu, sợ vợ... Chuyện lôi ra để chọc cười vẫn quẩn quanh với chuyện tán gái, lệ làng, “sính vật cầu hôn”. Thậm chí, ngay cả danh hài Xuân Hinh năm nay cũng lại xuất hiện với mô tuýp khá nhàm là “giả gái” để gây cười cho khán giả.
Nhiều tiểu phẩm hài có những lời lẽ khá “sốc” khiến nhiều khán giả phải nhăn mặt khi xem như: “Xóm Đình có mỗi em Hồng/Trông thì khỏe mạnh, nhưng... mông không tròn”; “Con chim là phải có lông/Làm người là phải có chồng mới vui”; Thậm chí trong đĩa hài của một danh hài nổi tiếng, những từ ngữ “chợ búa” và “thô” như “bố mày”, “con chó”, “bỏ mẹ”, “thằng chó này” liên tục được xuất hiện nhằm nâng “tông” cho tiểu phẩm và chọc cười khán giả.
“Ma trận” đĩa hài Tết khiến người mua chóng mặt.
Thêm vào đó là cách quảng cáo sản phẩm lộ liễu, xuất hiện với tần suất dày đặc trong các tiểu phẩm cũng khiến khán giả thấy “bội thực”. Điển hình như trong đĩa hài của một danh hài có tiếng ở miền Bắc, người xem có thể thấy đủ thứ sản phẩm thập cẩm từ thạch rau câu, lẩu nấm, nồi áp suất điện, xe đạp điện... cho đến thuốc trị viêm khớp, sỏi thận, hoạt huyết dưỡng não, siro ho... được cài cắm đủ kiểu trong kịch bản. Nếu tính ra, khán giả có lẽ phải giật mình vì quảng cáo phải chiếm đến 1/3 thời lượng của tiểu phẩm.
Rồi ở Làng ế vợ, quảng cáo còn thô tới mức nằm cả trên cửa xe taxi, được bày chình ình trong quán cóc và lố nhất là qua ca từ của ông chủ quán Quang Tèo: “Lại nói đến món thạch rau câu Long Hải, ăn vào ngon ngọt bổ mà lại đẹp da...”. Trong đĩa hài của danh hài X.H, nhiều đoạn của tiểu phẩm còn lồng cả các nhãn hàng về đồng hồ, địa chỉ cụ thể của dịch vụ chăm sóc răng miệng...
Dẫu biết rằng, thời nay, quảng cáo là cứu cánh cho các đĩa hài vì sản phẩm chỉ vừa ra mắt thị trường một vài giờ là lập tức đã xuất hiện đĩa lậu, thế nhưng, cách cân bằng thu chi bằng việc lôi kéo giới thiệu sản phẩm đã khiến các tiểu phẩm hài không chỉ đơn giản là sự giải trí mà còn nhuốm màu vụ lợi. Chỉ vì lợi nhuận, nhiều tác phẩm đã khoác lên mình cái áo “hài nhảm”, “siêu nhảm” thay vì giữ được tính hài hước mà vẫn thâm thúy sâu sắc. Thế nên, sẽ thật dễ hiểu khi khán giả khó mà tìm ra được những đĩa hài thực sự ưng ý trong hàng loạt những sản phẩm hài trên thị trường hiện nay.
Khổ vì “có bột mới gột nên hồ”?
Nói về thực trạng quảng cáo xuất hiện với tần suất dày đặc trong các đĩa hài hiện nay, nghệ sỹ Chiến Thắng cho biết: “Có nhiều khán giả ức chế, có nhiều người kêu trời rằng đĩa hài gì mà quảng cáo nhiều như xem ti vi nhưng khán giả cũng phải thông cảm cho những diễn viên như chúng tôi. Bởi người diễn viên chỉ biết đi diễn, không thể có nhiều tiền để đầu tư làm đĩa được. Mà “có bột mới gột nên hồ”, nếu đối tác (nhà sản xuất, nhà tài trợ) không bỏ tiền đầu tư thì nghệ sỹ lấy đâu ra sản phẩm. Bên nào cũng thế thôi, phải có lợi cho họ thì họ mới bỏ tiền ra làm, mình không “uốn” theo họ thì không được”.
Theo chia sẻ của nghệ sỹ Chiến Thắng, người nghệ sỹ giống như làm dâu trăm họ, bởi có rất nhiều thứ không thể làm theo ý mình. “Nhiều người cho rằng, trong các tiểu phẩm hài, ngôn ngữ có lúc hơi “thô”, hơi “tục” nhưng đâu biết phần đấy là do bên đạo diễn, bên kịch bản chứ đâu phải ý muốn của diễn viên. Có thể, họ muốn như thế để gần gũi với cuộc sống chăng?”.
Nói về vấn đề này, NSƯT Quốc Anh – Phó giám đốc nhà hát chèo Hà Nội cho biết: “Không thể chấp nhận được việc những cụm từ thô tục xuất hiện trong các tiểu phẩm hài. Khi làm phim hài nên tránh những từ ngữ bậy bạ, văng tục, bởi đó không phải là yếu tố gây hài mà chỉ là sự phản cảm. Theo đó, dạng thơ hay các câu gieo vần đưa vào trong video hài phải thật tế nhị. Chẳng hạn có thể sử dụng những câu vui vẻ đậm chất dân gian như: “Ăn khoai sợ nhất khoai hà/ Đánh bài sợ nhất đàn bà nó rên”... Bởi hài cũng cần có sự thâm thuý, sâu sắc. Có khi xem xong buổi sáng nhưng đêm nằm ngủ mới rúc rích cười”.
NSƯT Quốc Anh cho rằng, để ngăn chặn tình trạng những đĩa hài có chất lượng không đảm bảo, chứa đựng nhiều ngôn ngữ thô tục cần phải xem xét trách nhiệm ở các cơ quan kiểm duyệt. “Riêng về hài phải sạch, ngôn từ phải sạch thì mới cho ra thị trường. Nếu hài mà chỉ dùng ngôn từ bậy bạ thì chỉ mang tính chất bông phèng, bậy bạ. Điều đặc biệt nguy hiểm, nó sẽ ảnh hưởng đến các cháu thiếu nhi. Các nghệ sỹ vốn có sức ảnh hưởng vô cùng lớn. Tác phẩm hài không sạch, sẽ gieo cho các cháu thiếu nhi những ngôn từ kém thẩm mỹ. Nói thực là kém về thẩm mỹ, là không thể chấp nhận được”, nghệ sỹ bày tỏ.
Trách nhiệm thuộc về bộ phận thanh, kiểm tra?! Trước tình trạng đĩa hài Tết có chất lượng dễ dãi và ngôn từ thô tục được bày bán tràn lan trên thị trường, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng cục Biểu diễn nghệ thuật. Ông Chương cho hay: “Cần phải kiểm tra lại xem các đĩa đó đã có tem nhãn hay đĩa lậu. Nếu là đĩa lậu thì việc kiểm soát các sản phẩm nghe nhìn này thuộc trách nhiệm của thanh tra bộ VH-TT&DL hoặc các sở VH-TT&DL”. Những đĩa hài mà PV nhắc đến vốn đã được dán tem nhãn. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, khi PV đề cập đến cơ quan kiểm duyệt lại không nắm chắc về những sản phẩm đó.
Nguoiduatin.vn