Nội dung hấp dẫn
Lấy bối cảnh từ làng quê, ''Mẹ rơm'' có cốt truyện bình dị, gần gũi và ấm áp về tình cha con. Hoàn cảnh trớ trêu khiến Mô gù trở thành một người cha bất đắc dĩ, nuôi một bé gái không phải con ruột của mình từ khi còn đỏ hỏn. Nhưng cũng từ đây, một người chưa bao giờ được yêu thương lại biết yêu thương, lo lắng và hi sinh cho đứa con của mình.
Ở ngôi làng ấy, mỗi người dù tốt hay xấu đều mang nỗi niềm riêng. Dẫu Mô gù mang hình dáng xấu xí nhưng có trái tim nhân hậu, hay Hồng có quá khứ lầm lỗi nhưng lại là người ấm áp, biết sẻ chia tình thương, Loan khù khờ nhưng sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ con.
Bối cảnh chân thực, dung dị như con người chốn làng quê
Với bối cảnh nông thôn bình dị, bộ phim về đề tài gia đình Mẹ Rơm chủ yếu được quay tại Phan Rang (Ninh Thuận) - một vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên ấn tượng. Thiên nhiên trong lành, xanh ngát với những cánh đồng cỏ trải dài hay những cánh đồng lúa thơm nồng mùi lúa mới... những thước phim như đưa khán giả rời xa những bộn bề, vội vã chốn đô thị để trở về với sự yên bình của làng quê.
Đạo diễn của phim, đạo diễn Phương Điền từng chia sẻ: "Mưa gió và sấm chớp vẫn kiên trì với Mẹ Rơm. Ngày nào cũng phải ngắm mưa và thưởng thức sét đánh từ 2 đến 3h đồng hồ…".
Để có được những hình ảnh mãn nhãn trên màn hình nhỏ cho khán giả, cả ê-kip làm phim đã rất vất vả lăn lộn, miệt mài với nắng, với gió và cả những thay đổi liên tục của thời tiết tại đây. Hơn khi nào hết, những thước phim trong trẻo, hồn nhiên và xanh mát như đưa khán giả tạm xa cuộc sống ồn ào, đông đúc chốn thị thành để thả mình vào không gian thoáng đãng và yên bình nơi làng quê.
Diễn xuất tròn vai và hơn thế của dàn diễn viên
Trước khi đóng ''Mẹ Rơm'', nam diễn viên Thái Hòa trong "Cây táo nở hoa" cũng đã khiến khán giả không biết bao lần phải rơi nước mắt, bởi lối diễn mà như không diễn, chạm đến trái tim người xem bởi sự chân thực, mộc mạc và dung dị.
Và đến ''Mẹ Rơm'' - cũng là một kiểu nhân vật ít nói, lầm lì nhưng số phận bi đát hơn. Không chỉ thuộc tầng lớp thấp cổ bé họng trong xã hội, Mô còn bị người làng xa lánh bởi khuôn mặt xấu xí và chiếc lưng bị dị tật. Khi Loan - người con gái anh đem lòng yêu sinh con một mình rồi bỏ đi biệt xứ, Mô gù trở thành người cha bất đắc dĩ của bé gái còn đỏ hỏn. Nhưng anh đón nhận con như một món quà mà cuộc sống dành tặng, và hi sinh mọi thứ, dành cho con những gì tốt đẹp nhất.
Lớn lên từ sự nghèo khó nhưng Hạt dẻ thấu hiểu được tình yêu vô bờ bến và sự hi sinh cao cả của cha Mô dành cho mình
Rất nhiều phân cảnh của hai cha con đã khiến khán giả không kìm được nước mắt, có lẽ bởi chưa từng cảm nhận được hơi ấm của tình yêu, tình thân nên khi có Hạt dẻ - vừa là con, vừa là người bầu bạn, Mô gù đã dành trọn trái tim và cuộc sống này cho con. Khi bé Hạt Dẻ đã lần đầu tiên cất tiếng gọi anh là cha, khuôn mặt của Mô đầy xúc động. Điều này giống như một sự hồi đáp tuyệt vời cho những nỗ lực chăm sóc cùng tình yêu thương vô bờ mà anh dành cho đứa trẻ dù nó chẳng phải con ruột của mình. Mô liên tục nói với bé: “Kêu cha đi, kêu cha lại đi”.
Sự nhập tâm ấy cũng được nữ diễn viên Ngọc Ánh kể thêm: "Xem Thái Hòa đóng dường như ảnh không còn là ảnh nữa mà chỉ là nhân vật thôi. Có một cảnh quay Thái Hòa ôm con ra bệnh viện, chỉ với một hành động nhỏ là ngước mặt lên trời thôi mà cả đoàn phim 40 con người rơi nước mắt".
Và bởi thế, những phân cảnh cha con và tình phụ tử thực sự đã chạm đến trái tim mỗi người xem
Bên cạnh đó, những gương mặt quen thuộc của Cao Minh Đạt - vai Khoản, Cao Thái Hà - vợ Khoản hay Ngọc Lan - vai Hồng... cũng khắc họa rõ những nét tính cách đặc trưng của nhiều kiểu người trong xã hội. Và hơn cả, sau hành trình dài trải qua hỉ, nộ, ái, ố thì họ - từ những người yếu thế như Mô gù, Loan, Hồng; hay thuộc tầng lớp bình dân như Khoản, Xuân; đến những người có vị trí tiền bạc hơn như Hào, Liễu - đều nhận ra rằng đồng tiền không thể mua được tình người. Sức mạnh của đồng tiền đúng là quá lớn, nhưng cũng thể nào mang đến cho người ta sự bình yên và hạnh phúc.
Cách kể chuyện phim mộc mạc, dân dã như chính những con người ở làng quê đó
Mỗi con người ở làng quê ấy, dù tốt hay xấu đều mang nỗi niềm riêng. Mô gù có vẻ ngoài quái dị với lưng gù và một gương mặt xấu xí. Không những thế, hoàn cảnh của Mô đại diện cho những con người ở dưới đáy của xã hội: không cha không mẹ, sống trong căn nhà rách nát sát vách núi và mưu sinh bằng nghề bán than, củi.
Bên trong cái vỏ ngoài xấu xí, già nua, lầm lì đó, Mô gù lại có trái tim nhân hậu, hay Hồng (Lan Ngọc) có quá khứ lầm lỗi nhưng lại là người ấm áp, biết sẻ chia tình thương, Loan (Huỳnh Hồng Loan) khù khờ, ngây dại nhưng biết và luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ, ngay cả mạng sống của mình để bảo vệ con.
Mỗi người họ đều có những số phận thiệt thòi nhưng họ đều sống hết mình, giữ trọn trái tim yêu thương đối với cuộc sống và người xung quanh.
Có lẽ bởi "những gì đến từ trái tim sẽ chạm đến trái tim" nên dù ''Mẹ Rơm'' chẳng cần đầu tư quá tốn kém vào bối cảnh quay nhiều nơi, hay hàng hiệu xa xỉ, những thước phim mộc mạc, dân dã vẫn mang đến biết bao cảm xúc và sức cuốn hút mạnh mẽ đối với khán giả truyền hình. Một câu chuyện phim lay động về tình phụ tử với bối cảnh nông thôn bình dị và đề tài gia đình gần gũi.
Minh Huệ (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)