Là đạo diễn của những bộ phim có doanh thu hàng trăm tỷ đồng như: "Nụ hôn thần chết", "Giải cứu thần chết", "Mỹ nhân kế", "Siêu nhân X", "Dạ cổ hoài lang", "Tháng năm rực rỡ", "Ước hẹn mùa thu"... nhưng Dũng Khùng vẫn giữ nguyên tính cách "nhà quê". Anh có cuộc sống giản dị, mộc mạc, ít khi khoe nhà đẹp, xe sang hay những chuyến du lịch sang chảnh. Ở tuổi 41, Dũng Khùng vẫn đi sớm về khuya một mình.
Mới đây, Nguyễn Quang Dũng chia sẻ câu chuyện về đứa cháu trai - đồng thời tiết lộ cơ duyên anh đến với nghề đạo diễn khiến ai nấy cũng bất ngờ. Theo đó, 2 từ đạo diễn đến với Dũng Khùng cũng rất tình cờ trong một bữa ăn khi anh đang xem bộ phim "Cánh đồng hoang" trên tivi. Anh cho biết, lúc đó "nói đại" cho bữa cơm có không khí khi được ba hỏi về sở thích công việc sau này.
"18+
Về nhà trò chuyện với thằng Cháu (con ông anh)
Duku: Con nghĩ mai mốt con làm gì?
Nó: Dạ không biết.
Duku: Vậy con thích gì?
Nó: Con cũng không biết.
Ờ. Thì mình nhớ hồi mình lớp 10 cỡ tuổi nó, phụ huynh cũng hỏi mình, suy nghĩ của mình y chang nó. Cũng ngay bữa cơm, nhưng lúc đó tivi đang chiếu 'Cánh đồng hoang', cái mình nói đại với ba mình 'mai mốt con làm đạo diễn'. Cho buổi cơm nó có hy vọng đỡ ưu tư.
Ai dè đến gần thi đại học sao lời nói đại lúc trước nó lại khắc ghi trong tâm trí phụ huynh, mà theo phỏng đoán của mình là phụ huynh phải quên chớ. Vì nhà mình có ưu điểm là đãng trí gia truyền. Thế là phụ huynh nhắc: 'Sao hồi đó nói làm đạo diễn mà, thôi thi đại đi'... đó là chuyện xưa.
Nó cũng hưởng gia truyền của nhà tui là dốt ngoại ngữ. Nó giống tui là học rất dốt, hầu như lúc nào cũng hạng 1-2 từ dưới đếm lên. Tui đỡ hơn nó. Nhưng tui chưa bao giờ đi thi mà rớt kể môn Tiếng Anh. Nhưng chỉ học khi nào gần thi thôi.
Ba nó biết nó kỳ này khó trong kỳ thi chuyển cấp 2 lên 3 rồi. Lẹc đẹc đem hồ sơ nó đi xin trường Tư trước, ngặt nghèo là các trường Tư không nhận học sinh học bạ trung bình. Trường Tư giờ cũng tuyển chọn chớ không phải đùa. Ba nó vò đầu bứt tai lại đi tìm trường.
Nó thi chuyển cấp, rúng động cả chợ trong khu Cư Xá Ngân Hàng (khu nhà phụ huynh tui). Vì bà cô giáo 8 chuyện với bà trong chợ là có đứa học trò dốt lắm vậy mà đủ điểm đậu trường công, mà đã thế không hiểu sao điểm Anh Văn nó 9 điểm - xếp hạng 2 của trường. Rồi bà trong chợ kể cho chị tui nghe khi bả đi chợ mà bà trong chợ đó đâu biết bả đang kể là con của bà chị dâu tui. Rồi hoàn cảnh đưa đẩy giờ nó phải học trường công.
Ba nó quyết tâm đợt hè tới cho nó qua Phi học khoá Tiếng Anh 2 tháng để phá dớp dốt Tiếng Anh. Ba nó nói: 'Kệ, hè bỏ học thêm cho con đi Phi vừa học vừa chơi, nhưng miễn sao đừng thi lại thì mới có giờ đi'.
Nó nói: 'Nếu thi lại thà ở lại lớp luôn để đi'.
Tui hỏi thăm mới biết bây giờ mấy đứa nhỏ nó học ngày 2 buổi. 6:45 đóng cổng trường - 17:15 ra khỏi trường, rồi đi học thêm đến hơn 20h mới hết.
Mình mới hỏi: 'Vậy có phải học và làm bài tập ở nhà không?'. Nó nói 'có'. Mẹ nó nói: 'Đúng ra là có, nhưng mà nó thì không'.
Trời ơi. Con nít bây giờ học còn hơn công nhân tăng ca nữa.
Dũng Khùng và anh trai ngày nhỏ
Tui chợt nghĩ rằng xã hội và cái ngành Giáo Dục của mình lúc nào cũng đau đáu làm sao cho con em mình phải học giỏi, chớ ít có nghĩ phương pháp gì cho tụi nhỏ nó thích học. Mình không gieo được ước mơ cho mấy đứa nhỏ, mà toàn doạ nó nếu học không giỏi thì thế này thế kia.
Tui nói thiệt, ai nói thời đi học, thanh xuân là đẹp đẻ nhất của cuộc đời. Ngày tui được tốt nghiệp phổ thông là ngày tui hạnh phúc nhất, tui xong lời hứa với ba tui. Tui nói với ba: 'Con có thể học dỡ, nhưng mà để tốt nghiệp thì dễ mà'. Tui sợ hãi, căm ghét những buổi sáng đến trường, hồi hộp chờ giây phút thầy cô dò sổ gọi tên học sinh lên trả bài trôi qua chậm như cả thế kỷ. 18 năm mỗi ngày như cực hình, mà có ngày nào bịnh được nghỉ lại hạnh phúc như ân xá.
Ngày tốt nghiệp PTTH nó huy hoàng như hết hạn tù. Tui biết đất nước mình đa phần là chịu thương, chịu khó, tài giỏi, hy vọng rất hiếm người đồng cảm với tui.
Nhật Ký
Đời bớt khổ sau năm 18" - Dũng Khùng chia sẻ. Dân mạng thích thú với những dòng viết hóm hỉnh này.
Hoàng Lê (Theo Tri thức xanh)