Khi những mỹ nhân trở về trời, họ thường được thể hiện rất xinh đẹp và đặc biệt quyến rũ. Cái chết của Nhược Hy trong "Bộ bộ kinh tâm" là một hình ảnh kinh điển. Nhược Hy mặc một bộ trang phục đơn giản và tao nhã của hoàng gia, phủ lên người một chiếc chăn lông trắng như tuyết.
Khuôn mặt mệt mỏi, nàng nằm trong vòng tay của thập tứ hoàng tử, xung quanh là khung cảnh cổ kính trang nhã và hoa đào nở khắp nơi, vô cùng lãng mạn. Khi bông hoa trắng trong tay nàng rơi xuống cũng chính thức kết thúc cuộc sống của nàng tại thời phong kiến. Trong tiếng khóc của những người yêu thương nàng, vẻ ngoài duyên dáng của Nhược Hy dần biến mất trong ngọn lửa.
Cái chết của "Ngu Cơ" Lưu Diệc Phi trong "Hồng môn yến" cũng rất đau thương. Trong gió và tuyết, nàng mặc bộ chiếc áo lông sang trọng với trang sức bạc tinh xảo trên đầu, khuôn mặt thanh tú đầy quyết đoán. Nàng bước từng bước đến bên cạnh Hạng Vũ, một người đang hấp hối, và bày tỏ tình cảm của mình với ngài.
Chưa kịp dứt lời, con dao sắc nhọn đã đâm thẳng vào bụng Ngu Cơ. Nàng đã hy sinh thân mình cho Hạng Vương. Nhìn cả hai người khi chết, nàng vẫn nở nụ cười không chút hối hận, còn chàng trông cũng nhẹ nhõm. Cặp đôi được bao phủ bởi tuyết rơi dày đặc, cảnh tượng vừa đẹp vừa bi thảm.
Tuy nhiên, có những nhân vật mà cái chết của họ lại vô cùng hài hước. Trong "Tùy Đường anh hùng", Lý Nguyên Bá là "Đệ nhất hảo hán". Bởi vì thời tiết sấm sét đã phá hỏng việc tốt của mình, cộng thêm tính nóng mà anh đã gầm lên với bầu trời.
Quá tức giận, anh ném chiếc búa được cho là nặng gần nửa tấn lên trời. Không ngờ sau khi chiếc búa bị sét đánh, nó ngay lập tức rơi xuống đất. Do trời mưa to, Lý Nguyên Bá không nhìn rõ nên đã không kịp chạy thoát thân. Mặt anh hứng trọn chiếc búa và tử vong tại chỗ. Nói thực là chả ai dại gì mà tự tay ném búa lên trời kiểu như vậy cả, Lý Nguyên Bá nghịch dại thì phải nhận lấy kết cục cũng không phải là vô lý.
Một người cũng cạnh tranh với Lý Nguyên Bá ở danh mục "Những cái chết ngớ ngẩn nhất" là Tú Niệm trong "Oan gia đổi mệnh". Ban đầu nhìn phong độ của anh rất có khí phách. Anh thực hiện màn nhào lộn trên không trung, hất mái tóc của mình như một màn quảng cáo dầu gội đầu và hạ cánh đầy uy phong.
Nhưng ngay sau đó, anh đứng trên đường cao tốc và bắt đầu thể hiện độ ngớ ngẩn của mình: thử thách dán tờ rơi lên một chiếc xe tải đang chạy quá tốc độ. Kết cục thì ai cũng đoán ra được. Anh tông thẳng vào chiếc xe đó và phải trả giá bằng mạng sống. Khán giả lại một lần nữa nói đùa rằng đây là một đoạn phim tuyên truyền người dân hãy tuân thủ luật giao thông!
Trong "Thiết đạo phi hổ" có sự tham gia của Thành Long, có một chiếc thuyền chở quân đội bị địch tập kích trên đường đi. Tướng quân bèn cầm một quả lựu đạn lên với ý định tấn công kẻ thù. Nhưng bằng một sự hậu đậu nào đó, ông ta đã làm rơi lựu đạn ngay trên thuyền của mình và làm nổ tung quân mình. Có vẻ như quân nhân cần học thật cẩn thận kỹ năng ném lựu đạn.
"Tiểu binh Trương Kiết" còn hay hơn. Thấy quân ta thất trận, anh định bỏ chạy. Nhưng vừa quay đầu lại thì đập đầu trúng một gốc cây, kết quả tử vong tại chỗ. Khán giả đã đùa rằng cái cây này xứng đáng đứng trong hàng ngũ của quân bên kia vì đã có công giết một đối thủ.
Trong những cái chết lãng xẹt cũng phải kể đến bộ phim "Giơ tay lên" bởi cái chết kỳ quặc như này mà đạo diễn cũng có thể nghĩ ra được. Nhân vật đang đu mình trên tàu thì bị chính cái mũ lính của anh rơi trúng đầu khiến anh rơi xuống và tử vong.
Người ta hay nói "Không sợ kẻ địch mạnh, chỉ sợ đồng đội ngu". Và đây là một số trường hợp chứng minh cho câu nói đó. Bị kẻ địch đạp một cái, người lính lùi lại vô tình đẩy luôn đồng đội của mình xuống dưới. Tức giận quay ra đâm kẻ địch lại khiến chính bản thân cũng lao xuống nốt. Đúng là sống chết có nhau. Hoặc cũng có người bị chính đồng đội dùng khúc cây hất lên trời, mắc vào ống khói nóng rẫy, cuối cùng bị bỏng chết.
Còn gì đau khổ hơn là phải chết dưới tay một... con gà. Con gà này nhìn thấy một con châu chấu mắc vào cò súng. Nó liền mổ lấy con châu chấu đó, đồng thời cũng bóp cò luôn, thành công giết chết viên sĩ quan đang vẫy tay chào một cách oai vệ. Đương nhiên những kiểu chết như này chỉ nhằm mục đích giải trí là chính.
Hollywood cũng góp một bộ phim trong danh sách này. Ở đấu trường của "Trò chơi vương quyền", rõ ràng một kẻ đã chiếm ưu thế, sắp giành chiến thắng trong trận đấu đến nơi rồi. Thế nhưng hắn lại đi đi lại lại xung quanh và nói không ngừng. Kết quả là kẻ địch lợi dụng lúc không phòng bị của hắn để thực hiện một cuộc phản công quyết liệt. Đúng là cái miệng hại cái thân.
Cái chết của Uông Mạn Xuân trong "Ngụy trang giả" cũng là một điểm vô lý. Cô bắt cóc Minh Kính để uy hiếp Minh Đài và Minh Lâu. Thế nhưng chỉ vì hai người kia đấu khẩu nội bộ, nói nhiều đến mức ù tai mà cô đã chuyển họng súng sang hai người họ để bắt im lặng. Chỉ chờ có vậy, Minh Đài và Minh Lâu ngay lập tức xả súng giết chết Uông Mạn Xuân.
"Thiên long bát bộ" cũng khiến khán giả hoang mang trước cái chết của Mã phu nhân. Vốn cũng là người có nhan sắc, lúc nhìn thấy khuôn mặt bị biến dạng với những vết máu chằng chịt, cô đã "sợ chết khiếp" theo đúng nghĩa đen.
Cuối cùng, màn kịch chết chóc "hoành tráng" trong một bộ phim truyền hình Ấn Độ xứng đáng là "trùm cuối" của danh sách này. Nữ chính bị kẻ khác bắn thẳng vào đầu và ngã xuống. Theo đúng lý thuyết thực tế và vô số bộ phim khác, với phát súng chí mạng này đáng lẽ cô phải chết ngay lập tức.
Thế nhưng chả có gì xảy ra cả. Nữ chính vẫn có sức mà thao thao bất tuyệt những lời nói cảm động với nam chính. Như thế vẫn chưa đủ kịch tính, lúc chiếc xe đang chuẩn bị đưa cả hai đến bệnh viên, nữ chính nằng nặc đòi người yêu nhặt vòng hoa rơi trên đất đeo cho cô. Suốt quá trình di chuyển, cô còn xem hết các kỷ niệm đẹp đẽ giữa hai người được lưu trong điện thoại.
Dù bị thương nặng như vậy, nữ chính vẫn nói liên tục, còn nam chính khóc không ngừng. Đoạn nhạc buồn không khiến khán giả cảm động mà chỉ làm họ cười lăn cười bò. Có lẽ cả thế giới nên uống nước sông Hằng để có được sức bền và sự chịu đựng dài đến như vậy. Chưa hết, nhờ trình độ y tế "siêu đẳng" của Ấn Độ mà nữ chính bằng cách nào đó đã được cứu sống. Thật sự không nói nổi lên lời!
Thế mới thấy, sự sống và cái chết trong phim quá khác so với thực tế. Hầu hết là được phóng đại để tạo hiệu ứng hài hước, còn một số lại hoàn toàn đánh đố chỉ số IQ của khán giả. Dù sao thì những trường hợp này cũng rất thành công trong việc đem lại tiếng cười cho người xem.
Nhật Linh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)