Là một trong những thị trường điện ảnh mới nổi của thế giới, chứng kiến lượng khán giả đến rạp vẫn tăng đều đặn hàng năm, điện ảnh Việt Nam rõ ràng vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi các dịch vụ xem phim trực tuyến. Thị trường phim chiếu rạp vẫn chưa bị bão hòa như các thị trường điện ảnh lớn trên thế giới, dù trong năm 2020, Việt Nam đã "rục rịch" ghi nhận sự gia tăng số lượng đăng ký các dịch vụ xem phim trực tuyến.
Hollywood ảm đạm
Nhìn sang gã khổng lồ Hollywood, với những tên tuổi nhà sản xuất phim đình đám như Disney, Warner Bros., Marvel Studio,... cũng phải "điêu đứng" vì đại dịch Covid. Theo một thống kê chưa đầy đủ trên trang Vulture, có gần 100 phim Hollywood bị hoãn chiếu do ảnh hưởng của COVID-19. Được kì vọng cứu lấy nền điện ảnh đang tuột dốc phải kể đến bom tấn "Tenet" - phim hành động, khoa học viễn tưởng do Christopher Nolan đạo diễn kiêm biên kịch - đã "anh dũng" ra rạp và thu về kết quả không hề khả quan. Báo chí Mỹ đánh giá "Tenet" đã đẩy nền công nghiệp điện ảnh “lún sâu hơn vào chỗ chết”, do các hãng sản xuất khác nhìn vào “tấm gương” của "Tenet" và lo sợ, tiếp tục lùi lịch phát hành các bom tấn khác đến năm 2021.
Các hãng còn bị buộc phải chiếu rạp song song với việc phát hành phim trên các nền tảng xem trực tuyến do lo ngại dịch bệnh chưa được kiểm soát, tương tự như trường hợp "Mulan" của nhà Disney hay mới nhất là "Wonder Woman 1984" của Hãng Warner Bros.
"Wonder Women 1984" sau nhiều lần hoãn chiếu cũng đi theo nước cờ của Mulan
"Ròm" - Phát pháo đầu tiên năm 2020 của điện ảnh Việt
Riêng đối với thị trường điện ảnh Việt Nam, dịch bệnh Covid khiến hàng chục phim dự kiến phát hành trong nửa đầu năm 2020 đã phải dời lịch chiếu sang cuối năm hoặc thậm chí chưa rõ thời gian ra rạp. Tuy nhiên, song song với việc dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước đã kéo theo nền công nghiệp điện ảnh nước nhà có những kết quả khả quan.
Sau khi được "mở rạp" trở lại, đây là cảnh thường xuyên được thấy ở các rạp khi chưa có phim thực sự thu hút người xem
"Ròm" gây chú ý khi công chiếu giữa mùa dịch, do trước đó đã có vài phim Việt ra rạp và “chìm ngỉm” như: "Truyền thuyết về quán Tiên", "Tôi là não cá vàng", "Đỉnh mù sương",…
Cú đột phá với doanh thu gần 65 tỷ đồng đã đưa "Ròm" trở thành hiện tượng “độc nhất vô nhị” của dòng phim độc lập, mặc dù trước đó vấp phải không ít khó khăn ở khâu cấp phép. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, "Ròm" thắng lớn nhờ ra rạp trong thời điểm không có bom tấn nước ngoài cạnh tranh, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các cụm rạp bằng việc bố trí nhiều suất chiếu, ưu tiên các giờ vàng. "Ròm" với câu chuyện nhân văn, mang đến nhiều suy ngẫm cho người xem, đã giành chiến thắng tại nhánh chính New Currents (phim hay nhất) ở Liên hoan phim Busan năm 2019. Đây cũng là một yếu tố quan trọng thu hút khán giả đến rạp để xem Ròm “chạy đua với cuộc đời”.
Ròm "khai pháo" đầy ngoạn mục cho cuộc chạy đua nước rút của phim Việt
"Tiệc Trăng Máu" - ngôi vương phòng vé Việt giữa mùa dịch
Đối với Hollywood thì không một bom tấn nào, kể cả "Tenet", có thể cứu vãn được nền điện ảnh đang lao đao vì dịch bệnh. Nhưng riêng điện ảnh Việt lại được chứng kiến một hiện tượng bất ngờ khi "Tiệc trăng máu" oanh tạc các rạp chiếu, lập hàng loạt kỷ lục phòng vé.
Bộ phim từng lên lịch công chiếu vào cuối tháng 8/2020 nhưng buộc phải hoãn vô thời hạn vì đúng thời điểm đó, làn sóng Covid bùng phát trở lại tại Việt Nam. Đến khi phim "Ròm" bất ngờ ăn khách ngoài dự đoán, thì nhà sản xuất mới chốt lịch để "Tiệc Trăng Máu" chính thức ra rạp vào 23/10. Và ngay lập tức phim xác nhận doanh thu kỉ lục, đứng đầu phòng vé 5 tuần liên tiếp. Đầu tháng 12/2020, nhà phát hành "Tiệc trăng máu công bố doanh thu “khủng” 175 tỉ đồng. Như vậy phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vượt qua "Em chưa 18" (171 tỉ đồng) để vào top 3 phim nội địa ăn khách nhất từ trước đến nay. Hiện Tiệc trăng máu chỉ đứng sau "Cua lại vợ bầu", "Mắt biếc".
Tiệc trăng máu thực sự là "chiếc phao cứu sinh" giúp cho điện ảnh Việt có thể "sống lại" sau những tổn thương do Covid gây ra
Chặng đua nước rút của điện ảnh Việt
Thành tích của "Ròm" hay "Tiệc Trăng Máu" cho thấy phim các phòng chiếu ế ẩm mùa dịch không hoàn toàn do Covid, khán giả Việt vẫn sẵn sàng ra rạp ủng hộ phim Việt với điều kiện phải đó là những tác phẩm chất lượng và thật sự hấp dẫn. Chớp lấy thời cơ vàng, nhiều nhà sản xuất đưa sản phẩm của mình nhanh chóng gia nhập vào “chặng đua” nước rút cuối năm, khiến điện ảnh Việt sôi động và bùng nổ trở lại.
Phim "Chồng người ta" từng thay đổi lịch chiếu 2 lần, đã ra rạp vào 20/11. Phim lấy chủ đề người đồng tính nam cưới vợ, đề tài còn khá mới đối với điện ảnh Việt và có những tình tiết khiến người xem “xoắn não”.
Một bộ phim về đề tài "đồng tính nam" có plot twist hiếm thấy ở điện ảnh Việt
Cũng ra rạp vào ngày 20/11, đó là phim "Trái tim quái vật" thuộc thể loại kinh dị bí ẩn, hình sự tội phạm và cả tâm lý gia đình của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như Hoàng Thùy Linh, B Trần, Hứa Vĩ Văn, Trịnh Thăng Bình…
Bộ phim được dựa theo những vụ án giết người có thật ở các chung cư cũ
Phim "Bí mật của gió" cũng đã chính thức ra mắt khán giả vào 27/11 vừa qua sau nhiều tháng bị hoãn chiếu. Đây là bộ phim Việt hoãn chiếu lâu nhất do dịch Covid – gần 1 năm tròn.
Bộ phim lập kỉ lục..."hoãn chiếu lâu nhất" của điện ảnh Việt khi bị trì hoãn gần 1 năm
Được mong chờ nhất trong tháng 12 này là phim "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử". Sau nhiều lần “lỡ hẹn”, vợ chồng Thu Trang - Tiến Luật cũng đã ra rạp để phục vụ người hâm mộ. Với thể loại hành động pha lẫn yếu tố hài hước, Chị Mười Ba phần hai đã mang đến những màn rượt đuổi gây cấn nhưng không thể thiếu tiếng cười, bởi sự góp mặt của những “cây hài” như: Thu Trang, Tiến Luật, Kiều Minh Tuấn, Phát La… Bên cạnh đó, phim hài lãng mạn "Người cần quên phải nhớ" của nhà sản xuất Charlie Nguyễn và đạo diễn Đức Thịnh công chiếu ngay dịp Noel cũng thu hút người xem đến rạp không kém.
Bộ phim đã được bảo chứng phòng vé từ độ hot của các diễn viên tham gia như Thu Trang, Tiến Luật, Kiều Minh Tuấn, La Thành,..
Bộ phim hài lãng mạn được ra mắt đúng dịp Noel
Với những thành công này, điện ảnh Việt có đủ tự tin tiến về phía trước, nhất là khi mùa phim Tết Nguyên đán 2021 có nhiều ứng viên tiềm năng “phá đảo” doanh thu phòng vé như "Lật mặt 5: 48h", "Trạng Tí" (hai phim được dời lịch chiếu từ hè 2020 sang chiếu Tết) cùng với "Gái già lắm chiêu 5" và "Bố già" phiên bản điện ảnh của Trấn Thành.
"Lật mặt 5: 48h" đã phải dời lịch chiếu sang mùng 1 Tết nguyên đán
"Trạng Tí" cũng chọn "xông rạp" vào ngày đầu năm mới
Sau thành công trên Web drama, hy vọng "Bố già" bản điện ảnh sẽ là điểm nhấn mùa phim Tết của điện ảnh Việt
Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật giải trí mang tính đại chúng cao, sẽ luôn tự thay đổi và phát triển theo thời gian. Trong khó khăn luôn nảy sinh cơ hội, điện ảnh Việt đang đứng trước thách thức lớn nhưng cũng là bước đệm để thể hiện chính mình. Khi mà các bom tấn Hollywood vắng bóng trên màn ảnh rộng, thị trường phim chiếu trực tuyến tại Việt Nam chưa gây được áp lực lớn, thì đây thật sự là cơ hội “vàng” để điện ảnh Việt trở mình, nâng tầm vị thế trong cuộc chiến bất tận để giành khán giả.
Đỗ Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)