Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Đại tướng của Nhân dân, người con ưu tú của đất Quảng Bình đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 103. Dù biết sinh lão bệnh tử là điều không thể tránh, nhưng cả dân tộc Việt Nam vẫn nghẹn ngào khi biết tin Đại tướng đã từ trần. Người không chỉ là một thiên tài quân sự, một con người có nhân cách cao đẹp mà còn là người tận trung với nước, với Đảng, với dân cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người Đại tướng của dân và vì dân
Có một điều ít ai biết rằng trước khi trở thành Tổng tư lệnh của quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại hoạt động cách mạng trên mặt trận Báo chí. Những bài báo đầu tiên của ông được đăng tải trên nhiều tờ báo như Le Travaill (Lao động), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ra)…là những lời tố cáo đanh thép trước tội ác của quân xâm lược. Hiếm ai có thể “văn võ song toàn” được như ông.
“Văn lo vận nước Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân, Võ hoá Văn”
Công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc giải phóng dân tộc thống nhất đất nước là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên trong các bộ phim làm về đề tài chiến tranh Việt Nam như Hoa ban đỏ, Ký ức Điện Biên…cùng các thước phim tư liệu vẫn chưa thể khắc họa hết tài năng và đức độ của Người qua từng trận chiến. Với những gam màu xưa cũ, mang nặng tính lịch sử, nền điện ảnh Việt Nam có vẻ như vẫn chưa sẵn sàng để truyền tải những kí ức hào hùng của cha ông về người Đại tướng vĩ đại gắn liền với một thời vàng son của dân tộc đến với lớp con cháu đi sau bằng một cái nhìn mang hơi thở của thời đại mới.
Tuy rằng số ít những bộ phim đã ra mắt vẫn được công chúng vẫn đón nhận nhiệt tình nhưng với đa phần lớp khán giả trẻ, đây là những đề tài vẫn chưa thực sự gần gũi và đủ sức hấp dẫn. Họ vẫn kính yêu Người, vẫn tôn trọng những giá trị chuẩn mực muôn đời, nhưng họ khó có thể ép mình nhìn vào lịch sử qua góc nhìn của quá khứ.
Hơn ai hết, thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước cần được biết, cần được thực sự cảm nhận nỗi đau thương, mất mát, cũng như những khoảnh khắc huy hoàng trong lịch sử vệ quốc của dân tộc. Họ cần được thấy, được hiểu nhiều hơn về con người Đại tướng, về một nhân cách cao đẹp đã cống hiến cả một đời người vì độc lập tự do và sự phồn vinh của Tổ Quốc.
Dù có hàng trăm hàng ngàn cuốn sách nói về người được xuất bản, nhưng các tác phẩm điện ảnh với sức mạnh ngôn ngữ của riêng mình, mới có thể chuyển tải được đến công chúng những điều mà góc nhìn văn học chưa thể làm được.
Thế giới đã có rất nhiều những vĩ nhân cùng những trận chiến lịch sử đặt chân lên màn ảnh rộng. Khó có thể liệt kê hết có bao nhiêu bộ phim về những người anh hùng từng được công chiếu và được khán giả trên khắp mọi nơi đón nhận. Lịch sử luôn là cội nguồn gốc rễ để định hình nên hình ảnh của một dân tộc. Và với điện ảnh, đề tài lịch sử luôn là một thách thức để mà khi vượt qua được nó, tác phẩm sẽ mãi trường tồn với thời gian.
Lịch sử - một đề tài thách thức
Cái chúng ta cần là một góc nhìn tươi mới và hợp thời đại, một cái nhìn xóa bỏ khoảng cách giữa các thế hệ, đưa những người Việt trẻ đến gần hơn với những chân giá trị, đến với niềm tự hào thông qua những thước phim về những con người đã cống hiến cho lịch sử oai hùng của một thời giữ nước.
Khi mà năm nào nền điện ảnh nước nhà cũng có đầy rẫy những bộ phim bị xem là “thảm họa”, khán giả ngày càng mất niềm tin vào phim Việt, thì một bộ phim được đầu tư đúng mức, truyền tải được hết những gì tinh túy của cả dân tộc, chắc chắn sẽ là một cú hích lớn, không chỉ tạo hiệu ứng khích lệ mà còn có thể tạo cảm hứng cho rất nhiều người.
Những trang sử cần được viết ra, dù bằng cách này hay cách khác, chỉ cần nó được thực hiện bởi những người có tâm và có “tầm”. Khán giả trẻ chưa và sẽ không bao giờ quay lưng lại với quá khứ, với những gì mà thế hệ cha ông đã trải qua, có điều họ cần nhiều hơn những ngôn từ sáo rỗng, những hình ảnh rập khuôn chỉ đơn thuần mang tính tuyên truyền. Lớp thế hệ đi trước xứng đáng nhận được nhiều hơn thế, để những hình ảnh oai hùng của một thời oanh liệt thực sự ở trong tim những người đang sống và lớp con cháu mai sau.
Theo 2Sao.vn