Trong khi các hãng phim tư nhân giới thiệu đến công chúng hết phim này đến phim khác thì các hãng Nhà nước gần như đặp chiếu. Đã vậy, cứ bộ phim nào chuẩn bị ra mắt thì lại mắc hết “bệnh” này đến “bệnh”. NSND Thế Anh chia sẻ: “Hiện nay nhân lực làm điện ảnh của Việt Nam không thiếu, chỉ có điều là quá dốt, dốt từ diễn viên đến đạo diễn, nhưng cứ đổ lỗi cho hết cái này đến cái khác”.
Từ “bệnh” bản quyền đến “bệnh” không tiền
Chỉ cần điểm qua các dự án phim do Nhà nước đặt hàng tài trợ từ khi mừng Đại lễ 1000 năm đến nay đã cho thấy có quá nhiều rắc rồi. Chẳng hạn như bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ được đầu tư 56 tỷ đồng từ năm 2009 đến nay vẫn… “im thin thít và lặn mất tăm”. Giờ đây cả UBND thành phố Hà Nội và Công ty cổ phần Phim truyện I đều không ai muốn trả lời về số phận của nó.
Gần đây nhất, khi bộ phim Huyền thoại 1C là dự án phim truyền hình lịch sử hiếm hoi được Bộ VH,TT&DL làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Tây Nam Phim sản xuất với tổng kinh phí lên tới 20 tỷ đồng, dài 22 tập, mới phát sóng được một nửa số tập thì bị mắc “bệnh” bản quyền. Cụ thể, phim đề tên tác giả kịch bản là Đoàn Minh Tuấn, tên tác giả kịch bản nâng cao là nhà văn Anh Động, nhưng trên một tờ báo, nhà văn Anh Động đặt câu hỏi Đoàn Minh Tuấn là ai mà đứng trước tên ông trong bộ phim này. Trong khi đó, nhà sản xuất lại nói rằng kịch bản ban đầu do biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết, sau đó, nhà văn Anh Động - người từng tham gia chiến trường 1C - chỉnh sửa thêm. Vậy là, từ những chuyện “hậu trường” không rõ ràng, thiếu chuyên nghiệp, bộ phim lịch sử đã vướng phải những lùm xùm không đáng có.
Cảnh trong phim Huyền Thoại 1C
Bồi thêm vào “mớ bòng bong này” là kỳ án 44 tỷ đồng của Cục Điện ảnh hồi năm ngoái, và đến giờ này được phán một câu xanh rờn: đình chỉ vụ án... cho đến khi bắt được Phạm Thanh Hải, kẻ đang biến mất.
Từ sự việc này điện ảnh Nhà nước gần như đi vào ngõ cụt. Bởi từ khi vụ việc xảy ra đến nay các hãng phim Nhà nước đều năm há mồm chờ… sung rụng. Điều này đã được chứng minh, vì chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết năm 2012 vậy mà chưa có phim nào hoàn thành. Ví như phim Những người viết huyền thoại (kịch bản: Nguyễn Anh Dũng; đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng) của Hãng phim truyện Việt Nam và Cát nóng (kịch bản: Phạm Thùy Nhân; đạo diễn: Lê Hoàng) của Hãng phim Giải Phóng. Hai phim này mới xong giai đoạn quay hình, đang chuẩn bị làm hậu kỳ để kịp ra mắt vào cuối năm.
Há miệng chờ chính sách
Điện ảnh Nhà nước thì ngày một thảm. Trong khi đợi Nhà nước có chính sách cho điện ảnh thì các hãng phim Nhà nước chỉ còn cách ngồi chờ sung rụng. Đơn cử là khi hỏi lãnh đạo hai hãng phim lớn nhất của Nhà nước là Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng về kế hoạch sản xuất phim thì đều nhận được câu trả lời: chưa có kế hoạch vì còn chờ chính sách mới.
Phim Thái sư Trần Thủ Độ.
Theo NSND Thế Anh, hiện nay ta đã có “bột” rồi, nhưng vẫn thiếu người thợ giỏi để “gột nên hồ”. Cần phải đầu tư nhiều cho chất xám, vì hiện nay chúng ta đã xuất khẩu được gạo, cao su, dầu… nhưng riêng nghệ thuật thì chưa thể xuất khẩu được. Giá trị văn hóa của Việt Nam đang ở con số không. Nhưng quan trọng hơn hết, để giải thoát được tình trạng này thì Nhà nước phải sắn tay quan tâm đến điện ảnh một cách thực sự và đúng cách, nếu không, điện ảnh sẽ càng ngày càng thảm.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang thì cho rằng, hiện nay điện ảnh Việt Nam đã có sự phát triển đối với dòng phim tư nhân, nhưng chỉ có điều chất lượng nghệ thuật của dòng phim này không cao, nhiều khi biến điện ảnh thành một thứ như tấu hài. Do đó, một mặt đáp ứng thị hiếu của người xem nhưng một mặt nào đó cũng có hại cho điện ảnh. Còn dòng phim Nhà nước thì thực sự một vài năm lại đây đang ngày càng đi xuống vì không có kinh phí một phần là do những thất thoát của ngành điện ảnh vừa qua. Hàng năm chỉ có thể cho ra đời được 1 – 2 phim mang tính nghệ thuật.
Với một bên là để cho điện ảnh tồn tại đó là phim thương mại, còn một bên là để nghệ thuật phát triển thì lại không có nhiều tiền để làm. Kinh phí không có thì làm sao làm được. Do đó theo tôi, giải pháp đầu tiên là phải có một chính sách nào đó của nhà nước để ủng hộ điện ảnh. Có thể nguồn tiền đó được thu từ đâu đấy. Chẳng hạn giờ họ có quyền làm phim thương mại nhưng cái nguồn tiền từ phòng vé đó sẽ có một phần trích lại đầu tư cho điện ảnh. Cái này là do chính sách của nhà nước và phải do nhà nước ra lệnh mới có thể làm được. Phải có quỹ điện ảnh tốt để đầu tư thêm cho điện ảnh. Dòng phim nghệ thuật có vẻ không hút khách nhưng lại là dòng phim đại diện cho VN đi thi quốc tế.
Phim Huyền Thoại 1C.
Còn về đào tạo là khâu quan trọng nhất, vì cơ sở vật chất của trường đào tạo điện ảnh của ta hiện nay đã tốt hơn rất nhiều, nhưng phải có thầy giỏi và phải được tái đầu tư. Đặc biệt là những em có tài năng thì nên có những đầu tư vào họ. Tôi đã đi chấm thi cho những phim trẻ thấy nhiều em có tài năng hơn hẳn và nếu họ được đi học lên cao nữa, chẳng hạn như sang Mỹ, Hàn Quốc để học hỏi thì sẽ chất lượng hơn gấp nhiều lần.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định: “Để Điện ảnh Việt có chỗ đứng trong lòng khán giả, vai trò Nhà nước là không thể bỏ qua. Tuy nhiên, việc tài trợ phim lại không thể làm như cũ, với lối cào bằng về kinh phí cho mọi loại phim. Vì thế, cơ chế tài trợ này cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ bằng những chế tài minh bạch, nếu không lại thành cơ hội để mưa móc cho nhau thì tệ lắm. Trong trường hợp không thể có chế tài đủ mạnh để làm trong sạch đường đi của nguồn tài chính từ ngân sách, thì có lẽ nên xóa sổ cái gọi là điện ảnh luôn cho khỏi mệt. Lúc đó, phim thị trường sẽ thoải mái lên ngôi, và các Chàng men nàng bóng cứ việc dung dăng dung dẻ”.
Đất Việt