Giới trẻ Việt Nam ngoài trò chơi dân gian thì hầu như, chỉ còn biết bầu bạn với những cuốn phim trên màn ảnh nhỏ.
Những năm 1990 – 2000, khi phim Hàn Quốc chưa làm mưa làm bão ở thị trường của ta, nguồn phim quốc nội còn quá nghèo nàn và lạc hậu, phim truyền hình gốc Hoa trở thành những cái tên lũng đoạn màn ảnh Việt Nam. Những bộ phim dài tập của Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc khi ấy tuy sướt mướt, “sến sẩm” nhưng rất được lòng khán giả bởi nội dung chân thực và nhân văn. Xem phim, người ta không đơn thuần để giải trí, mà đôi khi còn học hỏi được nhiều điều sâu sắc cho cuộc sống.
“Tây du ký” 1986
“Tây du ký” ra đời vào năm 1986, nhưng phải vài năm sau đó, bộ phim mới được “du nhập” về Việt Nam. Ngoài cốt truyện tiểu thuyết đã trở thành kinh điển, phim còn làm các khán giả nhí và giới trẻ Việt mê tít bởi công nghệ kĩ xảo tiên tiến thời bấy giờ.
Nhân vật Tôn Ngộ Không tài trí, quả cảm với 72 phép thần thông được khắc họa sinh động qua diễn xuất tuyệt vời của Lục Tiểu Linh Đồng là điểm sáng lớn nhất của “Tây du ký”. Trong khi những màn thu phục yêu quái gay cấn và thú vị lại đem đến cho người xem những tràng cười hả hê.
Phim được dàn dựng lại nhiều lần với những kỹ thuật làm phim hiện đại, nhưng đối với các thế hệ khán giả người Việt, “Tây du ký” phiên bản 1986 vẫn là kinh điển nhất và không thể thay thế; cũng không diễn viên nào đủ sức thổi hồn vào vai Tôn Ngộ Không được như Lục Tiểu Linh Đồng.
“Hồng lâu mộng” 1987
Với câu chuyện diễm tình bi lụy, phù hợp thị hiếu khán giả thập niên 90, “Hồng lâu mộng” dễ dàng chiếm được cảm tình của người Việt Nam, đặc biệt là những độc giả trung thành của nguyên tác tiểu thuyết.
Tuy nhiên, thành công lớn nhất của bộ phim phải kể đến dàn diễn viên phù hợp với vai diễn, từ nữ chính Trần Hiểu Húc vai Lâm Đại Ngọc đến Đặng Tiệp vai Phượng “ớt” đều dường như sinh ra để dành cho bộ phim này.
Vẻ đẹp dịu dàng của chàng Giả Bảo Ngọc và nét đẹp thanh tú, ướt át của nàng Lâm Đại Ngọc đã trở thành những hình ảnh kinh điển và ám ảnh trong kí ức khán giả Việt Nam. Cái bóng quá lớn của tác phẩm này vô tình khiến phiên bản làm lại năm 2010 không có “đất dung thân” trên màn ảnh nhỏ.
“Bao Thanh Thiên” 1993
Thời điểm năm 1994 – 1995, các gia đình ở thủ đô ai nấy đều háo hức chờ tới buổi tối thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần để thưởng thức bộ phim “Bao Thanh Thiên” trên sóng truyền hình Hà Nội. Phim dàn dựng khá đơn giản xoay quanh câu chuyện Bao đại nhân phá án, nhưng cách kể hấp dẫn với tình tiết lồng ghép khéo léo, cộng thêm diễn xuất nhập vai của dàn diễn viên đủ sức giữ chân khán giả ngồi trước màn hình ti vi.
Mặc dù từng chiếu đi chiếu lại hàng chục lần và cũng được làm lại với nhiều phiên bản công phu hơn về sau này, nhưng “Bao Thanh Thiên” bản phim 21 năm trước vẫn sống mãi trong kí ức thế hệ 8x và 9x đời đầu. Đối với người Việt Nam, Kim Siêu Quần sinh ra để hóa thân thành Bao Thanh Thiên, Hà Gia Kính là diễn viên duy nhất hợp vai Triển Chiêu và cũng không ai đủ mực thước để thay Phạm Hồng Hiên đóng Công Tôn Sách.
Xem phim, người ta không chỉ ngưỡng mộ cốt cách hơn người của Bao đại nhân, mê mẩn vẻ hào hoa phong nhã của Triển đại hiệp, mà còn thích thú với giai điệu của hai ca khúc nhạc phim đã đi vào kinh điển.
“Ngày mai trời lại sáng”
“Ngày mai trời lại sáng” là một dự án kinh phí lớn do đài ATV, Hong Kong sản xuất năm 1996. Với bối cảnh dàn trải từ thập niên 20 đến những năm 40 thế kỷ trước, phim kể về câu chuyện ly tán, nếm trải nhiều sóng gió của một gia đình trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc.
Với câu chuyện chân thực, xúc động được diễn tả thông qua diễn xuất của dàn cast tên tuổi Trần Tú Văn, Mã Cảnh Đào, Lâm Vỹ Thần, Đặng Tụy Văn, Thiệu Mỹ Kỳ…, phim lấy đi nhiều nước mắt của người xem và đủ sức giữ chân khán giả trong suốt 105 tập.
Cho dù ở thời điểm “Ngày mai trời lại sáng” lên sóng hay nhiều năm về sau này, những cái tên Tú Xảo, Hạ Sinh, Hạ Văn vẫn hiển hiện rõ rệt trong tâm trí người Việt Nam.
“Tể tướng Lưu Gù”
Hóm hỉnh nhưng thâm thúy, “Tể tướng Lưu Gù” mang đến cho người xem vô số tràng cười giải trí, những cũng khiến người ta phải trăn trở, suy ngẫm không ít câu chuyện luân lý cuộc đời.
Dáng vẻ bình dân và tài ăn nói sắc sảo của nam diễn viên Lý Bảo Điền, những cuộc đấu khẩu không hồi kết giữa Lưu Gù và Hòa Thân cũng như câu chuyện trốn hoàng cung hưởng khoái lạc của vua Càn Long đều là những chi tiết làm nên thương hiệu riêng của phim.
Mặc dù dàn diễn viên đều là những tên tuổi gạo cội, câu chuyện cũng hơi “già dặn”, nhưng “Tể tướng Lưu gù” vẫn là cuốn phim hấp dẫn đối với người xem ở mọi lứa tuổi.
“Hoa tàn hoa nở”
Phát sóng ở Việt Nam vào cuối những năm 90, “Hoa tàn hoa nở” dệt nên giấc mộng tình yêu lãng mạn cho các cô gái trẻ và cũng trở thành cuốn phim đồng cảm đối với các bà nội trợ.
Chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình cùng tên, lại mang đậm phong cách phim tình cảm của Đài Loan, bộ phim thấm đẫm tính “sến sẩm”, ướt át, nhưng nội dung vẫn gắn liền với cuộc sống đời thực, phản ánh sâu sắc cuộc sống với trăm mối lo toan của người phụ nữ sau đổ vỡ hôn nhân.
Tiêu Ân Tuấn đến nay vẫn là nam ngôi sao phong độ được yêu mến của showbiz Đài Loan
Thời bấy giờ, chuỗi nhân vật Lan Tường, Kha Nhĩ, Hải Mặc… là những cái tên xuất hiện thường trực trong những cuộc bàn tán phim ảnh của khán giả người Việt. Cùng với đó, hình ảnh Tiêu Ân Tuấn sở hữu nụ cười mỹ nam và vẻ điển trai đào hoa cũng làm liêu xiêu không ít cô gái trẻ.
“Hoàn Châu cách cách”
Tạo nên cơn lốc ấn tượng trên màn ảnh nhỏ khắp châu Á, “Hoàn Châu cách cách” hội tụ đầy đủ những yếu tố làm nên một bộ phim kinh điển. Cùng với câu chuyện thú vị được kể một cách hấp dẫn, dàn diễn viên trẻ đẹp và tài năng, bối cảnh thơ mộng và nhạc phim được đầu tư kĩ lưỡng đều giúp bộ phim “đốn tim” khán giả.
Ăn theo cơn sốt của “Hoàn Châu cách cách”, công chúng Việt Nam có dịp được biết đến hàng loạt tên tuổi ngôi sao như Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng, Phạm Băng Băng…
Depplus.vn