Đột phá trong ghi âm
Những ngày đầu làm phim Tây Du Ký, đoàn phim vẫn chưa thể thực hiện việc ghi âm “sống” mà cần phải thêm khâu lồng tiếng. Lý do cũng bởi các diễn viên đến từ nhiều địa phương ở Trung Quốc nên phát âm vùng miền Nam – Bắc cũng khác nhau, rất khó thống nhất được giọng nói, thêm vào đó là tạp âm trong lúc quay…
Những kỹ thuật quay, ghi âm... trong quá trình quay Tây Du Ký.
Hai nghệ sĩ âm thanh lúc đó của đoàn là Tăng Văn Tế và Vương Văn Hoa cũng hy vọng tạo ra những đột phá mới trong việc ghi âm. Và để mang lại cho phim có được âm thanh thực nhất, hai nghệ sĩ trên đã nghĩ ra cách là ghi âm tại trường quay, tức là ban ngày sau khi các cảnh quay hoàn tất sẽ được lồng tiếng người vào ngay trong tối hôm đó.
Công việc cần có không gian yên tĩnh, vì vậy mọi việc sẽ đều được thực hiện vào ban đêm. Để đạt được hiệu quả từ trên trường quay, đoàn nghệ sĩ ghi âm luôn phải túc trực cùng đoàn phim.
Nhiều khi cảnh quay ở trong động thì các nghệ sĩ ghi âm cũng làm việc luôn trong động, hay bên bờ sông… Vì vậy những cảnh quay có tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót hay tiếng vang trong động xuất hiện trong phim đều mang lại cảm giác thật và tự nhiên.
Âm thanh trong đêm tối để tạo hiệu ứng âm thanh những cảnh đêm tĩnh mịch.
Âm thanh của thanh la não bạt, vũ khí lúc xông trận.
Âm thanh tiếng nước chảy của dòng sông, con suối.
Khi đó các nghệ sĩ hòa âm, phối khí lúc nào cũng túc trực cùng đoàn phim, ngoài nghệ sĩ Đổng Hành Cát đảm nhiệm lồng tiếng cho Đường Tăng còn có nghệ sĩ Lý Dương lồng tiếng Tôn Ngộ Không, Triệu Quảng Sam tiếng Trư Bát Giới…
Ngoài ra, các nghệ sĩ này còn phải lợi dụng lúc đêm khuya tĩnh mịch, đến các khu rừng sâu, những con ao chuôm hay thậm chí là các nghĩa trang… để thu âm tại các địa điểm này cho các cảnh quay về sau.
Thế nhưng công việc này cũng không được bao lâu thì buộc phải dừng lại do lượng công việc ngày một nhiều, nhiều người phải kiêm làm cả ca ngày lẫn đêm vô cùng cực khổ, thời gian quay phim lại dài nên cũng không thể duy trì mãi.
Số lượng nhân viên cũng tăng lên, vì vậy đoàn lại phải theo quy định cũ là sẽ thực hiện việc ghi âm sau khi hoàn tất tại xưởng phim.
Nghệ sĩ lồng tiếng cho Bát Giới ban đầu là Triệu Sam, ông từng vào vai nhân vật hòa thượng trong tập “Trừ yêu nước Ô Kê” và được bổ nhiệm việc lồng tiếng cho nhân vật Bát Giới.
Một nghệ sĩ hết tức tận tụy và cần cù như Triệu Sam đã từng tìm đến một khu nuôi lợn để ghi âm tiếng ụt ịt của loài vật này, lý do là để tạo được cảm xúc khi lồng tiếng cho nhân vật thêm chân thực.
Để lồng tiếng cho nhân vật Trư Bát Giới, người nghệ sĩ đã xuống tận chuồng lợn
để quan sát và mô phỏng.
Dương Khiết khi biết chuyện đã giải thích cho Triệu Sam: “Tiếng ụt ịt này thì không được, chuyên cần thì tốt nhưng Bát Giới vốn là thần xuống hạ giới mà biến thành yêu lợn, không thể khiến nhân vật này có những đặc tính y sì của loài lợn như vậy, mà cần phải nhân tính hóa mới được”. Về sau người lồng tiếng cho Bát Giới đã được giao cho nghệ sĩ Lý Ba.
Bí quyết cảnh quay bay lộn trên không
Cũng trong tập quay thử có phân đoạn Ngộ Không giao đấu với yêu đạo, có cảnh đánh ở dưới đất và cả ở trên không trung, hầu hết sẽ phải dùng đến kỹ xảo quay. Thời kỳ đó kỹ thuật quay vẫn còn lạc hậu, vì vậy diễn viên vẫn chỉ diễn trước tấm phông xanh để diễn, thế nhưng vẫn không có cảm giác nhân vật đang bay lượn trên không.
Đoàn phim đã nghĩ đến việc tìm thuê một bãi đất rộng và mượn từ đoàn thể thao Giang Tô vài vận động viên nhảy cầu cùng một tấm đệm không khí có độ rộng chừng 10m.
Hai vận động viên nhảy cầu được tuyển chọn sẽ mặc trang phục của Ngộ Không và yêu đạo, và nhiệm vụ của họ chỉ là nhào lộn trên tấm đệm hơi. Những động tác sử dụng binh khí, quay phim sẽ ghi lại kết hợp cùng phông nền trời xanh, sau đó sẽ kết hợp những động tác nhào lộn, nhảy nhót trên không của nhân vật “Tôn Ngộ Không” này lại sẽ mang lại cảm giác như bay lộn trên không thật.
Bí quyết cho cảnh bay lộn trong phim là như thế này.
Các vận động viên nhào lộn diễn vô cùng đẹp mắt và dẻo, cảnh quay trên không thực sự hiệu quả và có sức thuyết phục. Những cảnh này được ghi lại nhiều lần và được sử dụng trong phim mỗi khi có cảnh bay nhảy trên không.
Ngoài ra, những kỹ thuật khác được sử dụng trong quá trình quay để khiến cho nhân vật bay lượn còn phải sử dụng đến các dụng cụ máy móc hỗ trợ như dây cáp treo, cần cẩu, máy động lực... Sau này ở phần hai (quay năm 2000) đã có những kỹ thuật máy móc và kỹ xảo điện ảnh hiện đại hơn nên việc sử dụng kỹ xảo cho việc bay lượn đã trở nên dễ thở và đơn giản hơn đối với đoàn phim.
Theo Trí Thức Trẻ