Đạo diễn Đỗ Thanh Hải.
Theo lời Đỗ Thanh Hải, ở Táo Quân 2012, vai của Xuân Bắc chủ yếu làm tựa để người khác tung hứng. Còn nếu Xuân Bắc tung hết miếng diễn của mình ra chắn hẳn các nhân vật trung tâm không còn là các Táo - điều mà chương trình hướng tới.
- Đầu xuân, nhìn lại Táo Quân 2012 phát sóng đêm 30 Tết, anh thấy chương trình đã thành công như mong đợi chưa, có còn điều gì phải áy náy?
- Cái đó phải để khán giả đánh giá chứ! Riêng cá nhân tôi thấy chương trình đã diễn ra suôn sẻ. Tất nhiên, mỗi lần làm xong thì chúng tôi cũng nhìn nhận lại để rút kinh nghiệm cho năm sau. Nếu có điều hơi tiếc một chút, là lúc đầu dự định sẽ có Trấn Thành tham gia, nhưng sau, vì không sắp sếp được lịch tập nên đành lỗi hẹn với chương trình.
- Táo Quân 2012 - theo như lời anh tiết lộ, có mời một số nghệ sĩ phía Nam phải chăng vì muốn mở rộng đối tượng khán giả miền trong?
- Diễn hài có đặc thù là giọng phía Bắc người Nam rất khó nghe, và ngược lại, giọng phía Nam người Bắc chỉ "bập bõm" nghe được ít nhiều. Thêm nữa, ngôn ngữ biểu đạt hài 2 miền khác nhau nên hơi khó khăn trong việc lựa chọn nghệ sĩ Nam có chất giọng sao cho người Bắc chấp nhận được.
Bên cạnh đó, lịch tập luyện căng thẳng, thâu đêm cũng là yếu tố khách quan khiến nhiều nghệ sĩ ở xa khó lòng đáp ứng. Năm nay, ngoài Trấn Thành, chúng tôi còn mời diễn viên hài Hoàng Sơn ở phía Nam, nhưng anh ấy bận một số công việc cơ quan không ra được, chứ thực tế, kịch bản đã có vai cho anh ấy rồi.
Táo Quân có kịch bản chặt chẽ, đo ni đóng giày cho từng diễn viên, không có chuyện thích ai thì mời người đó. Thêm nữa, chuyện nghệ sĩ phải bỏ ra nhiều thời gian tập luyện để "ngấm" kịch bản, hiểu vấn đề mình nêu ra thì nói ý nọ mới đạt được ý kia nên không phải nghệ sĩ nào cũng đủ thời gian, toàn tâm toàn ý cho chương trình.
- Nhiều năm qua, góp mặt trong chương trình hầu hết là các nghệ sĩ hài miền Bắc, nếu có thắc mắc rằng: "Phải chăng VTV đang thiên vị đối tượng khán giả miền Bắc". Anh lý giải ra sao"?
- Không phải! Bởi vì chúng ta không thể kỳ vọng 100% khán giả xem hài đều phải thích một chương trình nào đó được, điều đó còn tùy thuộc vào độ thẩm thấu của mỗi đối tượng. Chẳng hạn như sự cảm nhận một câu chuyện cười với người lao động bình dân sẽ khác đối tượng là những người trí thức. Nói như thế để thấy rõ hơn việc hài miền Bắc mà chinh phục hoàn toàn người dân Nam chỉ là vấn đề lý thuyết chứ rất khó thành công.
Thực tế, nhiều năm nay một số Đài truyền hình trong Nam đều làm Táo Quân phục vụ người dân dịp Tết, không phải một mình VTV. Các đài ở trong đó cũng chỉ sử dụng nghệ sĩ hài phía Nam, không có nghệ si hài miền Bắc. Cho nên nếu không hiểu đúng bản chất, nhiều người dễ hiểu nhầm chuyện tại sao không mời nghệ sĩ phía Nam.
Vấn đề ở đây là hiệu quả công việc chứ chứ không phải cứ thấy ai nổi tiếng là mời. Có nhiều người hỏi tôi: "Năm nào cũng chừng ấy gương mặt, chừng ấy diễn viên miền Bắc có sợ trùng lặp, nhàm chán không?". Tôi thẳn thắn hỏi lại rằng: "Vậy nghệ sĩ nào là phù hợp để thay thế?". Chưa kể, chúng tôi còn có nhiều dụng ý khác khi xây dựng chương trình như vậy.
- Chẳng hạn vài năm nữa, khi các nghệ sĩ gắn bó lâu nay với Táo Quân như Quốc Khánh, Chí Trung, Công Lý, Xuân Bắc… có tuổi hoặc vì lý do gì đó không còn muốn tham gia chương trình, anh tính sao?
- Tôi nghĩ sự lựa chọn khôn ngoan nhất, chính là đến một thời điểm nào đó, chương trình sẽ dừng lại hoặc phải tìm ra con đường đi mới. Làm nghệ thuật phải có một điểm dừng nhất định – dù chương trình đó đang rất thành công.
Khi tôi làm Táo Quân trên VTV, có rất nhiều đài làm Táo rồi. Vì vậy, điều quan trọng là tạo ra một dấu ấn riêng không để Táo Quân bị lẫn với chương trình khác. Điều hấp dẫn của Táo Quân trên VTV chính là hàm lượng nội dung, thông tin trong chương trình đem lại.
Trong Táo Quân 2012, Xuân Bắc bị khán giả chê diễn nhạt.
- Anh đã tính đến thời điểm Táo Quân sẽ dừng lại hoặc chuyển hướng đi mới?
- Mỗi năm làm xong Táo Quân, tôi lại tự đặt một câu hỏi vui là năm sau mình làm gì nhỉ? Mỗi năm chỉ có một chương trình nên chúng tôi rút hết ruột ra, phải vật vã lắm mới hy vọng được đông đảo khán giả chấp nhận và thích thú.
Nếu năm sau có một ý tưởng khác, một cách làm khác hay hơn, việc thay đổi hoặc tạm dừng Táo Quân hoàn toàn không có gì quá bất ngờ. Dĩ nhiên, chúng tôi còn phải xem xét lượng khán giả dành tình cảm cho chương trình ra sao. Thực ra, ở Táo Quân, các gương mặt là cũ, nhưng bản thân chương trình luôn được đổi mới liên tục.
- Xem Táo Quân năm 2012, nếu như khán giả "hả hê" với cách diễn của Tự Long, Chí Trung thì có vẻ như gương mặt khá được chờ đợi là Xuân Bắc lại diễn có phần nhạt nhòa. Đó là do yếu tố kịch bản?
- Nếu ở mức độ người xem thì họ đánh giá như thế là hợp lý. Vai của Xuân Bắc chủ yếu làm tựa để người khác tung hứng. Còn nếu Xuân Bắc tung hết miếng diễn ra chắc hẳn các nhân vật trung tâm không còn là các Táo – điều mà chương trình hướng tới.
Xuân Bắc là người đưa ra câu hỏi, thậm chí khích cho các Táo bộc lộ quan điểm, tính cách. Tương tự như ở chương trình Hỏi xoáy đáp xoay, Xuân Bắc không phải là một người kém tài năng, nhưng anh ta phải chấp nhận tự làm "lu mờ" toàn bộ hình ảnh riêng. Không phải anh Cù Trọng Xoay là người giỏi hơn Xuân Bắc, anh Cù Trọng Xoay chỉ bằng 1/10 Xuân Bắc, nhưng Xuân Bắc phải biết nhường cho bạn diễn. Đó là yêu cầu của chương trình. Nhân vật Giáo sư Cù Trọng Xoay cần phải được nổi trội, cần được thu hút, thì Xuân Bắc phải biết tôn bạn diễn lên.
- Gắn bó với Táo Quân từ khá lâu, anh có bao giờ nghĩ đến chuyện, một ngày nào đó bên cạnh vai trò đạo diễn, bản thân sẽ góp mặt vào chương trình bằng một vai diễn trên sân khấu - dù nhỏ?
- Mỗi người có một vai trò khác nhau, đúng là có đạo diễn rất mê việc diễn, nhưng tôi không phải mẫu người đó nên chắc sẽ không có chuyện đó rồi!
- Theo đánh giá của nhiều người, nghệ sĩ lầm lỳ, ít nói nhưng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong Táo Quân là "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh. Giả sử, năm tới vì lý do riêng, anh ấy không thể góp mặt, theo anh, ai có thể là người thay thế Quốc Khánh?
- (Cười) Mặc dù câu hỏi là ví dụ, nhưng thực sự, tôi không bao giờ mong muốn anh Quốc Khánh vì bận quá không thể tham gia Táo Quân được. Đối với tôi, trước khi làm một chương trình nào, tôi đều tính đến chuyện các nhân vật sẽ do ai đóng để có những sắp sếp kịch bản cho phù hợp. Nếu không phải anh Quốc Khánh, dĩ nhiên, nhân vật Ngọc Hoàng sẽ khác , không thể như mọi người thấy ở anh ấy được.
- Sang năm, anh có tính đến chuyện tiếp tục mời các nghệ sĩ hài phía Nam tham gia Táo Quân?
- Nếu mọi người để ý những năm gần đây, Gặp nhau cuối năm đều cố gắng đưa những gương mặt mới vào chương trình, có năm là Đức Khuê, Đức Hải… như năm nay là anh Quốc Anh. Điều quan trọng với một diễn viên mới tham gia chương trình là đáp ứng được yêu cầu của vai diễn, đạo diễn chứ không phải là cứ nổi tiếng là được mời hoặc cố gắng mời bằng được.
Giáo Dục