Không thể phủ nhận được một thực tế hiện nay: làn sóng Hallyu nói chung và làn sóng phim Hàn nói riêng đang ngày một có sức phủ sóng rộng khắp toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Các bạn trẻ Việt Nam bị mê hoặc bởi những ngôi sao Hàn Quốc và những câu chuyện cho dù có bị coi là phi lý, giả tưởng trong phim Hàn. Cũng từ đây mà nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã ra đời mà nguyên nhân chính là do hội chứng phim hàn.
Hội chứng phim Hàn nghĩa là gì?
Hội chứng giống như một chứng bệnh, hoặc đó là sự tập hợp những ý kiến, sự kiện… đặc trưng cho một tình trạng riêng biệt nào đó mà gọi chung là tổ hợp đặc trưng của ý kiến và cảm xúc.
Hội chứng phim Hàn hiểu đơn giản là một số đông nhóm người cùng chung ý kiến, cảm xúc đến phát cuồng vì những điều liên quan tới phim Hàn, từ mô típ truyện đến nhân vật, diễn viên trong phim, từ trang phục tới lời thoại trong phim.
Những bộ phim khởi đầu cho hội chứng phim Hàn ngày một phát triển
Hội chứng phim Hàn bắt đầu từ chính làn sóng Hallyu – làn sóng Hàn Quốc, vào những năm cuối thế kỷ 20, từ các bộ phim Mối tình đầu, Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông, Giầy thủy tinh, Ngôi nhà hạnh phúc… Càng ngày hội chứng phim Hàn càng gia tăng về “triệu chứng” và số người “nhiễm”. Nếu như trước đây, người ta chỉ hâm mộ ở mức độ thích xem các bộ phim hay các hoạt động quảng cáo khác của diễn viên trong phim thì nay “hội chứng” đã gia tăng với rất nhiều biểu hiện: từ việc sưu tầm hàng nghìn những biểu hiện mặt khác nhau trong phim của diễn viên đó tới việc bắt chước y xì đúc diện mạo và những việc làm, lời nói giống như trong phim. Số người “nhiễm” trước kia phần lớn nằm trong khu vực châu Á thì nay đã bao trùm trên diện rộng toàn thế giới. Có thể nói, làn sóng Hallyu và hội chứng phim Hàn đã tương trợ cho nhau để cùng phát triển.
Những câu chuyện dở khóc, dở cười vì hội chứng phim Hàn
Học theo ngoại hình của sao: Không khó để nhận ra rất đông người dân Việt Nam hiện nay đang học theo cách phục trang, trang điểm của các ngôi sao Hàn Quốc. Ngay cả các ngôi sao Việt cũng chịu ảnh hưởng từ các diễn viên, ca sĩ Hàn. Vì thế mà không ít lần công chúng Việt thấy những “bản sao” Lee Min Ho, Bi Rain, Kim Tae Hee, Song Hye Kyo... Tuy nhiên, không ít bạn trẻ đã đi phẫu thuật thẩm mỹ cho giống với thần tượng của mình nhưng lại mang họa vào thân vì nhan sắc chẳng thấy đâu chỉ thấy tác dụng phụ của “dao kéo”.
Hotboy Huỳnh Anh được coi là "bản sao Lee Min Ho" tại Việt Nam
Học theo mô típ trong phim: Để giống như những chuyện tình cờ trên phim, nhiều trường hợp được các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 hiện tại kể rành rọt khiến người nghe thấy phì cười. Bạn Hà Thị Liên, cựu học sinh trường chuyên Bắc Giang đã viết: “Có người để tạo phong cách giống girl Hàn Quốc cứ ra chơi là cầm cuốn sách đi dọc hành lang vừa đi vừa đọc, thỉnh thoảng lại tự làm rơi để một boy ga lăng xuất hiện nhặt lên và quen nhau. Nhưng kết quả chỉ là mỏi chân, chữ nghĩa chẳng vào đầu và sách đã rơi rất nhiều nhưng chưa thấy ai xuất hiện như mô típ trong phim Hàn Quốc. Thậm chí có những bạn vì cha mẹ cấm yêu đã bỏ học đi chơi lãng mạn như phim Hàn Quốc. Từ đó dẫn đến bao nhiêu trường hợp dở khóc, dở cười, đặc biệt là hiện tượng “cô dâu mười sáu, mười bẩy tuổi…”. Nhiều chàng trai Việt giờ đây cũng đang rất khổ sở vì luôn bị bạn gái chê bai khi so với những mẫu hình lý tưởng mà cô nàng thấy trên phim.
Vì mê phim Hàn nên có không ít hiện tượng “cô dâu mười sáu, mười bẩy tuổi"
trong xã hội (Ảnh minh họa: Phim Cô dâu 15 tuổi)
Cuồng vì thần tượng trong phim: Những diễn viên nam đảm nhiệm vai chính trong phim đã hớp hồn các khán giả, chủ yếu là nữ tới mức từ già đến trẻ đều ái mộ các ngôi sao nam này. Tới mức những hội chứng chàng Xoăn (Lee Min Ho trong Vườn sao băng), hội chứng Hyun Bin (phim Khu vườn bí mật),hội chứng Kim Soo Hyun (phim The moon embracing the sun)… cứ thế mà ra đời và chiếm lĩnh tâm trí, suy nghĩ của các chị em phụ nữ. Tất cả mọi thông tin về cảnh quay, lịch đóng quảng cáo, những bức ảnh quá khứ, những hình ảnh nhỏ nhặt nhất về bàn tay, đôi tai hay thậm chí cả… lông chân của ngôi sao nam đó cũng thu hút sự tập trung của chị em. Họ bắt chước cách ăn mặc, cách nói năng của ngôi sao đó y xì đúc như trong phim. Vì yêu mến ngôi sao mà các fan dùng mọi biện pháp để bảo vệ thần tượng của mình. Khi một ai đó nói xấu thần tượng trước mặt fan, ngay lập tức họ sẽ khẩu chiến, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay để quyết chứng minh cái đúng về thần tượng.
Lee Min Ho, Hyun Bin, Kim Soo Hyun gây nên những hội chứng cuồng
của các fan nữ
Đổi họ tên theo phim Hàn: Câu chuyện thực tế tưởng như chỉ là giả tưởng này lại xuất hiện tại các huyện miền núi ở Quảng Nam, càng chứng tỏ sức hút ghê gớm của phim Hàn. Tại đây, đồng bào vùng cao Cơtu đã đồng loạt thay tên, đổi họ của con em vì… mê phim Hàn. Theo quyển sổ hộ tịch được lưu trong ngành tư pháp xã Atiêng (huyện Tây Giang), những cái tên nửa Cơtu, nửa Hàn Quốc như: Pơloong San Diu, Alăng Na Ra, Bhriu Thị Hy Su… trở thành một danh sách dài dằng dặc. Thậm chí cả các cán bộ xã cũng đặt lại tên con là Bhling Jang Gun, Pơloong San ốc…
“Phương thuốc” trị hội chứng phim Hàn
Sẽ có nhiều người đặt lại câu hỏi: Tại sao phải “trị” hội chứng phim Hàn? Khi mà việc học theo cách ăn mặc, trang điểm của nhiều ngôi sao Hàn Quốc đã giúp cho nhiều bạn trẻ có một phong cách trẻ trung, hiện đại và trông hấp dẫn hơn rất nhiều so với trước đây. Khi mà việc xem phim Hàn khiến họ trở nên yêu đời hơn, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn và biết đối nhân xử thế.
Đằng sau những mặt lợi kia là những câu chuyện dở khóc, dở cười khi nhiễm hội chứng cuồng phim Hàn và còn có một nỗi lo tiềm tàng khác. Việc xuất khẩu văn hóa thông qua những bộ phim nói riêng và công nghiệp giải trí nói chung (diễn viên, ca sĩ) chính là việc mở rộng tầm ảnh hưởng về lối sống, nếp suy nghĩ mang tính Hàn Quốc lên thế hệ trẻ của các nước khác. Nhiều bậc phụ huynh người Việt đang rất lo lắng vì con em mình đang quá chuộng sao Hàn. Chúng mải miết xem các bộ phim của Hàn tới mức thức đêm, trong khi việc chuyên tâm đến học hành lại không đạt được mức đó. Mở một kênh truyền hình hay mở một trang báo mạng, một tờ tạp chí đâu cũng thấy nói và viết về sao Hàn, khiến nhiều bậc cha mẹ tự hỏi: truyền thông Việt đang vô tình PR cho văn hóa Hàn Quốc chăng? Dẫu biết, tất cả đều xuất phát từ nhu cầu thưởng thức và sở thích của khán giả, nhưng cũng chính vì đề cập tới quá nhiều, phát sóng quá nhiều đã khiến lớp trẻ, những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường bị nhiễm vào sự mê hoặc đó.
Trong phòng của một fan yêu nhóm nhạc Big Bang (Hàn Quốc)
ngập tràn hình ảnh của thần tượng dán trên tường
Khi đã bị nhiễm vào “hội chứng” phim Hàn, nhiều bạn trẻ sẽ bị nhiễm cả những thói xấu của các nhân vật trong phim. Sự nóng nảy, hay đánh nhau, hay nghi ngờ, đố kỵ… là những mặt không tốt nhưng lại dễ khiến những bạn trẻ học theo.
Hẳn tới đây, bạn đọc sẽ cảm nhận thấy cần có những biện pháp để khắc phục những triệu chứng quá đà trong hội chứng phim Hàn.
Mời bạn cùng chia sẻ suy nghĩ, ý kiến của mình về vấn đề này!
24h