“Cô dâu đại chiến” công chiếu từ ngày 28/1, là phim ra rạp muộn nhất trong 3 phim Tết năm nay, và trụ rạp lâu nhất. Tính đến ngày 11/2, tức là chỉ 2 tuần sau khi công chiếu, phim đã thu về 23 tỷ đồng.
Giữa 2 bộ phim cùng chiếu Tết năm nay: một phim kinh dị “Bóng ma học đường” gây ấn tượng với mác phim 3D đầu tiên của Việt Nam và một chuyện cổ tích “Thiên sứ… 99” quy tụ nhiều gương mặt hot boy, hot girl nhưng đều có nội dung nhạt và cách làm chán, “Cô dâu đại chiến” trở thành lựa chọn của đông đảo khán giả ở nhiều thành phần, lứa tuổi.
Một kịch bản hấp dẫn, những nhân vật ấn tượng, phong cách phim hiện đại từ quay phim, âm nhạc, thiết kế bối cảnh… là những yếu tố thu hút người xem. Dàn diễn viên xinh đẹp với diễn xuất thú vị, những bối cảnh hiện đại sang trọng, câu chuyện vui vẻ với những tiếng cười sảng khoái, cùng thông điệp tình yêu, cuộc sống nhẹ nhàng, dù mang phong cách hài nhảm, đây có thể nói là phim giải trí chuyên nghiệp, nghiêm túc và hấp dẫn nhất trước nay, nếu không coi "Dòng máu anh hùng" cũng là một dạng phim giải trí.
Khi công chiếu trong dịp Tết, phim đã tạo nên hiện tượng cháy vé thường xuyên, cả ở Hà Nội và TP.HCM. Những ngày đầu năm mới, hầu như các suất chiếu ở các cụp rạp đều không còn một chỗ trống và có nhiều khán giả thậm chí đi xem lại nhiều lần.
"Cô dâu đại chiến" là câu chuyện xoay quanh một chàng trai hấp dẫn, bông phèng, đa tình (Huy Khánh) với sở thích là những cô gái “đẹp và thơm” cùng mong muốn tìm một người vợ hoàn hảo. Xoay quanh anh là các mối quan hệ với một cô tiếp viên hàng không lãng mạn (Ngân Khánh), một cô bác sỹ ham vui (Vân Trang), một cô diễn viên lọc lõi (Phi Thanh Vân), một cô đầu bếp mạnh mẽ (Lê Khánh), và một cô họa sỹ hoàn hảo (Đinh Ngọc Diệp).
Sau phim truyện đầu tay tại Việt Nam “Chuyện tình xa xứ”, “Cô dâu đại chiến” thêm một lần khẳng định “túyp” làm phim của Victor Vũ. Anh rất duyên trong những đề tài tình yêu, cuộc sống nhẹ nhàng, trẻ trung cùng phong cách hài hước lãng mạn lịch sự, hiện đại và ý thích cũng như lối chia sẻ thông điệp khẽ khàng, ý nhị.
|
Đạo diễn Victor Vũ cùng các nhà đầu tư, khách mời trong tiệc mừng thành công doanh thu |
Tại giải Cánh diều Vàng năm 2011, bộ phim đã nhận được giải Âm nhạc xuất sắc nhất và là 1 trong 3 phim nhận Bằng khen của BGK, cùng “Tây Sơn hào kiệt” và “Vượt qua bến Thượng Hải”.
Nhiều người trong nghề đã dành những lời khen ngợi về chuyên môn cho tác phẩm của đạo diễn Victor Vũ cũng như chia sẻ sự vui mừng trước những thành công thương mại của phim.
Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, doanh thu của “Cô dâu đại chiến” là điều khiến “các anh em trong nghề ngạc nhiên” vì vượt khỏi ước tính của mọi người. Theo anh, đây cũng là niềm vui chung cho điện ảnh Việt Nam.
“Điều đó cho chúng ta thấy rõ được sự phát triển của thị trường, và thị hiếu của khán giả. Trong tương lai, các nhà sản xuất cũng sẽ mạnh tay làm những bộ phim tốt hơn”.
Anh chia sẻ, “ở khía cạnh khán giả, khi xem phim thú thật tôi có những trận cười rất sướng. Còn ở khía cạnh chuyên môn, Victor Vũ đã thành công khi xây dựng các tuyến nhân vật. Ở mỗi nhân vật, mỗi cô dâu đều có nét đặc trưng rất rõ ràng. Tình tiết rất có duyên, những “miếng” hài đầy bất ngờ, nhất là đoạn Thái mua những chiếc nhẫn để cầu hôn”.
|
Đạo diễn Lê Hoàng, người khơi mào lại dòng phim giải trí với “Gái nhảy” năm 2003 cũng cho rằng, “Cô dâu đại chiến” là phim Tết khá nhất năm nay. Theo ông, đây không chỉ là phim Tết xem cho vui, mà còn là một phim khá thú vị và đàng hoàng. "Những người trí thức hay bình dân sau khi xem đều không có phàn nàn gì cả".
“Theo tiêu chuẩn của một bộ phim ăn khách và đàng hoàng, nó đều đáp ứng được. Thứ nhất, phim rất hấp dẫn. Thứ hai, phim không đi theo lối mòn. Thứ ba, từ tiết tấu đến cách xây dựng nhân vật đều rất hiện đại. Cái khó nhất của người diễn viên là làm sao diễn cho cường điệu mà người xem vẫn chấp nhận được. “Cô dâu đại chiến” đã làm tốt điều đó với tất cả các diễn viên trong phim” - ông nói.
Ông Park Sung Hoon – Tổng giám đốc Lotte Cinema cũng bày tỏ: “Tôi nhận thấy đây là bộ phim có kịch bản tốt, nhiều tình huống vui nhộn. Thêm vào đó là khả năng diễn xuất hài hước của các diễn viên đã mang đến tiếng cười cho khán giả. Tôi mong rằng điện ảnh Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều bộ phim thành công hơn nữa không chỉ trong những dịp lễ tết như thế này".
Đây là một tín hiệu vui đối với phim Việt nói chung và các đơn vị sản xuất nói riêng là Vietnam Studio và Saiga Films (phối hợp cùng Galaxy Studio, Saigon Media, HK Films).
Hơi ngạc nhiên khi Victor Vũ nhiều lần chia sẻ về ý thích, sở trường (?) làm phim kinh dị, ly kỳ và việc chịu ảnh hưởng từ đạo diễn Afred Hitchcock – ông vua của thể loại phim tâm lý - ly kỳ.
Bộ phim đầu tay Spirit (Oan hồn) của anh, thực hiện ở Hollywood có thể nói chỉ là một dạng “chuyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn bằng hình” được kết nối bằng chút lắt léo cấu trúc. Và Victor Vũ có lẽ không phải tạng đủ tầm tư duy trừu tượng cao sâu nên những cố gắng cắt nghĩa hay chia sẻ những quan điểm về tâm linh, về nghiệp – ngã, những quan điểm phản quan điểm… của anh trở nên trẻ con và kém duyên.
Chưa xem Giao lộ định mệnh - bộ phim mà anh khẳng định là theo phong cách Hitchcock để kiểm tra lại ấn tượng này. Việc giống với bộ phim "Shattered" của Mỹ khiến những thế mạnh được khẳng định của phim vẫn chưa thể cho biết thêm gì về "sở trường" này của anh.
Theo VNMedia