Cú lừa ngoạn mục khiến khán giả bật ngửa
Sau khi làm khán giả hụt hẫng vì bị dời từ tháng 8 sang tháng 11, Cô Ba Sài Gòn đã chính thức ra rạp vào ngày 9/11/2017 trên tất cả cụm rạp. Sau một quãng thời gian tung pop art, teaser đủ kiểu, liệu Cô Ba Sài Gòn có đủ khả năng đáp ứng sự mong đợi và kỳ vọng của khán giả không?
Chưa có bộ phim Việt nào nhận được nhiều luồng ý kiến và quan tâm chỉ từ một tấm poster. Tấm áp phích này được khán giả và giới chuyên môn mổ xẻ rất chi tiết - điều mà không phải phim nào cũng làm được.
Thông qua poster, cũng như lời trong ca khúc Cô Ba Sài Gòn thì khán giả cũng sẽ tinh ý nhận ra được nội dung của phim. Tuy nội dung rõ ràng nhưng người xem sẽ cảm thấy các tình tiết còn hơi rời rạc, thiếu sự liên kết. Đặc biệt, đáng chú ý là phần đầu phim làm hơi choáng vì có quá nhiều thương hiệu thời trang được nhắc đến, với những người ít hiểu biết về lĩnh vực này thì chắc chắn sẽ cảm thấy đuối khi xem những phân cảnh đó.
"Hòn ngọc viễn đông" đã được tái hiện lại từ những tà áo dài bay rợp phố, những cô gái búi tóc sang trọng đến cái kẻ mắt đậm cùng hàng ngàn thứ hay ho khác về một quãng ký ức đẹp đẽ. Từ trailer, poster, âm nhạc, khán giả tưởng chừng như mình sẽ được xem một cuộn phim về Sài Gòn thập niên 60. Thế nhưng, thực chất thời gian của bối cảnh Sài Gòn những năm 60 chỉ chiếm khoảng 1/3 bộ phim. Là một bộ phim về Sài Gòn xưa, nhưng đa số bối cảnh là ở năm 2017, chỉ có một đôi nét là về Sài Gòn những năm 60, đây là điều sẽ gây thất vọng cho những ai mong chờ nhiều hơn về Sài Gòn thời ấy.
Như những ngôi sao hạng A thời nay, Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) - con gái của má Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) - chủ nhà may Thanh Nữ, được mệnh danh là Cô Ba Sài Gòn vì phong cách thời trang thanh lịch nổi tiếng khắp Sài Gòn vào năm 1969. Tuy là truyền nhân đời thứ 9 của nhà may Thanh Nữ nhưng Như Ý chỉ đặc biệt thích Âu phục. Mặc cho người mẹ nghiêm khắc, khó tính bắt cô phải học cách may cho bằng được chiếc dài nhưng cô luôn tìm cách thoái thác, viện đủ thứ lý do để được may những bộ Âu phục mà mình thiết kế. Xung đột cứ thế diễn ra cho đến một ngày kia, Như Ý vô tình mặc chiếc áo dài của Thanh Nữ, bất ngờ "xuyên không" đến năm 2017.
Viên ngọc xanh chính là vật đã giúp Như Ý đến thế giới hiện đại. Viên ngọc trên chiếc áo dài của Như Ý tại sao lại có khả năng đưa cô du hành xuyên thời gian? Bộ phim chưa đưa được thông điệp rõ ràng về vấn đề này và đây là một điểm trừ nhỏ. Bộ phim sẽ tiếp tục khiến bạn bất ngờ khi câu chuyện của Như Ý trong năm 2017 lại thú vị và nhiều thứ hay ho mà bạn không thể đoán trước được. Đến đây, kịch bản của phim được đánh giá ở mức điểm tốt.
Một bộ phim có kịch bản tốt, được xây dựng theo cấu trúc truyền thống nhưng chắc chắn nó sẽ không đi theo lối mòn của những phim cùng đề tài. Bộ phim đặt ra được vấn đề ngay từ đầu và bám theo đó để giải quyết, đặt Như Ý là trung tâm và mọi chuyện xoay quanh cô ấy cùng quá trình thay đổi, đối diện với tương lai của chính mình, khinh thường nó, rồi phấn đấu để vượt qua nó nhưng thực chất là để cho chính mình trưởng thành.
Đặc biệt, không như những bộ phim khác, chuyện tình cảm của Như Ý và Tuấn (S.T 365) cũng được giản lược và đó là quyết định hoàn toàn sáng suốt. Tuy chỉ là một câu chuyện cũ nhưng biết mình thể hiện điều gì, kể câu chuyện gì, bộ phim đã có sự hấp dẫn hơn những bộ phim thích thể hiện những điều to tát nhưng càng làm càng nhạt.
Một bộ phim chỉn chu hết mức có thể
Phim Việt ra rạp không thiếu sót chỗ này cũng là ở chỗ khác. Đôi khi chỉ vài sự thiếu tinh tế nhỏ nhặt đã khiến khán giả vô cùng khó chịu. Ấy vậy mà "Cô ba Sài Gòn" lại hoàn toàn khác, đúng như lời Ngô Thanh Vân thì đến cái áo ngực của diễn viên cũng phải chỉn chu.
"Cô ba Sài Gòn" tập hợp đủ các thế hệ diễn viên, từ những gương mặt trẻ như Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9x cho đến những tên tuổi lớn như NSND Hồng Vân, Diễm My, Thuỷ Hương, Ngô Thanh Vân. Mỗi người đẹp lại mang đến một nét diễn chân phương riêng, đẩy câu chuyện lên kịch tính nhất. Đặc biệt, khán giả đã không cầm được nước mắt khi có phân cảnh nhân vật do Hồng Vân đảm nhiệm quỳ xuống và ăn năn hối hận về những sai trái đã làm trước kia. NSND Hồng Vân trong vai Lan Ngọc 48 năm sau tuy có những màn diễn ít nhưng cực kỳ chất lượng. Những đoạn diễn tay đôi với Lan Ngọc cô không chỉ thể hiện xuất sắc mà còn khiến Lan Ngọc bung được nội lực của mình. Cái gì hay ho nhất, kinh nghiệm nhất của lứa diễn viên gạo cội cần phô ra chính là ở những vai diễn có vai trò như thế này. Ninh Dương Lan Ngọc cũng đã có bước tiến dài về diễn xuất kể từ dự án điện ảnh gần đây nhất là Tấm Cám Chuyện Chưa Kể, cộng với gương mặt tươi tắn, tất cả đã góp phần vào sự thành công của bộ phim cũng như đưa tên tuổi của Lan Ngọc đến với nhiều khán giả hơn.
Những gì được thể hiện trong phim đã là chuẩn mực của thời ấy, từ cách ăn mặc cho đến cách mà người Sài Gòn xưa giải trí. Cho dù chưa được sống qua thời kỳ thập niên 60 của thế kỷ trước nhưng nét xưa của Sài Gòn trong phim vẫn tác động vào cảm xúc của người xem.
Cô Ba Sài Gòn được đầu tư chỉn chu về mặt âm thanh, cũng như Tấm Cám Chuyện Chưa Kể không thua kém gì với các phim Hollywood. Nhạc phim được sắp xếp rất khéo léo và chuẩn mực đến từng chi tiết. Nghe được các bài Sài Gòn Đẹp Lắm, 60 Năm Cuộc Đời - từ đầu đến cuối phim là ai cũng muốn gợi lại Sài Gòn thời xưa và nay.
Là một cuốn phim Việt Nam trên tầm so với những phim khác phát hành trong thời gian qua, Cô Ba Sài Gòn không hề câu kéo khán giả bằng những chiêu trò mà vẫn tạo nên thiện cảm trong lòng khán giả. Nhiều thông điệp về tà áo dài – quốc phục của đất nước, nhà sản xuất cũng đã khéo léo lồng vào, cũng như tình cảm gia đình thiêng liêng vào trong phim.
Quả thật, cảm giác xem một bộ phim đẹp đã "sướng" lại thêm yếu tố độc đáo và bất ngờ càng bị cuốn theo và thăng hoa cùng mạch phim hơn.
Mon (Theo Giadinhvietnam.com)