Dù đóng ở hai vai phụ, nhưng Chí Phèo (do diễn viên Bùi Cường thủ vai) và Thị Nở (diễn viên Đức Lưu thủ vai) lại được khán giả nhớ và nhắc tới nhiều hơn cả.
Diễn viên Bùi Cường vai “Chí Phèo”
Tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Điện rồi về làm việc ở Xí nghiệp Điện Tam Quang, năm 25 tuổi, Bùi Cường mới nộp hồ sơ thi tuyển vào trường Sân khấu- Điện ảnh. Vào một ngày định mệnh, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã gọi Bùi Cường đến bảo rằng muốn mời ông vào vai Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy.
NSƯT Bùi Cường.
NSƯT Bùi Cường chia sẻ: "Một buổi sáng, đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa gọi tôi đến bảo: "Cường này, cậu có thể cắt ngắn mái tóc dài đi không (hồi đó có mốt đàn ông để tóc dài ngang vai). Tôi bảo, vâng, nếu là vì nghề diễn thì em sẵn sàng. Đạo diễn bảo, mình đang làm phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", phim chuyển thể từ 3 tác phẩm "Sống mòn", "Lão Hạc" và "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, mình muốn mời Cường vào vai Chí Phèo, Cường thử vào vai xem sao nhé!".
Tôi vừa mừng vừa lo khi nhận lời đạo diễn Phạm Văn Khoa. Mấy ngày sau đó, tôi tranh thủ tìm đọc sách của nhà văn Nam Cao để hình dung một Chí Phèo cho hợp lý. Tôi thấy có hai điều đặc biệt ở Chí Phèo, một là dáng đi say rượu, hai là giọng cười đầy riêng biệt của Chí. Tôi cũng uống rượu để thử say xem thế nào, nhưng càng uống càng thấy mình... tỉnh.
Giọng cười hô hố, ha há cũng chả giống ai nhưng không thể lột tả được chân dung Chí Phèo. Hồi đó hàng xóm nhà tôi có nuôi một con chó, và có lần tôi thấy nó bị... hóc xương và cái ặc ặc trong cổ như vừa khóc vừa cười vừa đau đớn của nó khiến tôi quyết định sẽ cho Chí Phèo cái tiếng cười kiểu như thế. Còn dáng đi say rượu đặc trưng của Chí cũng khiến tôi mất nhiều công sức, thời gian để tập và để diễn cho ra một Chí Phèo không trộn lẫn với những nhân vật khác.
Sau này NS Bùi Cường từng chia sẻ: Tôi cũng từng gặp khá nhiều rắc rối, thậm chí bị hành hung vì có người nghĩ Chí Phèo thật đang ở trước mặt mình. Nhưng, nhân vật Chí Phèo cũng “cứu” tôi trong nhiều lúc khó khăn. Tôi nhớ một lần tôi làm phim. Chúng tôi chọn bối cảnh vừa trải qua một trận ném bom ở một đơn vị bộ đội và đã thấy ưng ý rồi.
Nhưng đến khi vác máy lên quay thì nơi đó đã được “phủ xanh đất trống đồi trọc” bằng những cây keo. Cả đoàn chỉ biết nhìn nhau ái ngại vì biết kiếm đâu ra bối cảnh bây giờ. Đúng lúc đó thì đồng chí chỉ huy của đơn vị đó đến và nói: “Có phải anh từng đóng vai Chí Phèo không?”. Và để tạo điều kiện cho chúng tôi quay phim, đồng chí đó đã cho nhổ hết các cây keo mang về ươm tiếp, chờ đến khi đoàn quay xong rồi mới cho trồng lại.
Bùi Cường cũng thành công trong vai trò đạo diễn
Chí Phèo ngoài đời - diễn viên Bùi Cường là một người có vóc dáng chất phác, gương mặt hiền lành.
Sau vai diễn để đời trong "Làng Vũ Đại ngày ấy", NSƯT Bùi Cường còn tham gia nhiều vai diễn khác như vai K9 (Năm Hòa) trong "Biệt động Sài Gòn" hay Trần Quân trong "Kẻ giết người", Mộc trong "Không có đường chân trời"…
Ông cũng lấn sân sang lĩnh vực đạo diễn và chính là người đưa tên tuổi Minh Vượng lên hàng diễn viên hài ăn khách qua bộ phim "Người hùng râu quặp".
Bùi Cường còn là có một gia đình hạnh phúc với vợ và hai cô con gái.
NS Đức Lưu vai Thị Nở
Sau hơn 30 năm diễn vai diễn để đời Thị Nở, với NSƯT Đức Lưu, ký ức về những năm tháng xưa vẫn chưa hề phai nhạt. Khi mới tiếp xúc, ít ai ngờ bà đã ở tuổi 79. Bà chia sẻ bí quyết là lao động hăng say và vui với những thành quả mình đạt được. Nói về nghiệp diễn, bà cho hay: “Dù không đi hết con đường nghệ thuật, không theo đuổi nghề diễn đến cùng nhưng đối với nghệ thuật trong tôi luôn có một niềm đam mê, nó như một dòng sông vẫn luôn chảy trong máu.
Vì sau vai diễn Thị Nở, tôi không đóng phim mà về Thành ủy Hà Nội làm ở ban đối ngoại nên có thể mọi người nghĩ rằng tôi không còn đam mê với nghiệp diễn. Nhưng từ năm 2014, tôi lại tham gia bộ phim 3 tập về Quảng Nam và đến những năm tháng cuối đời lại bắt đầu nhận một vai diễn về một nữ anh hùng trong một bộ phim về đề tài kháng chiến chống Mỹ. Sau tất cả tôi vẫn quay trở lại với con đường nghệ thuật và vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật của mình.”.
Nhớ về vai diễn Thị Nở, bà cho hay: “Bây giờ khi xem lại bộ phim tôi cảm thấy rất buồn cười nhưng cũng rất đáng yêu, không biết sao hồi đó tôi lại có thể hóa thân một cách ngố ngố ngây ngây đến thế. Một phần là do khả năng diễn xuất nhưng cũng cần kể đến việc tạo hình xấu “ma chê quỷ hờn” đã giúp cho nhân vật ấy sống trong lòng công chúng cho đến tận bây giờ. Nhiều khán giả chẳng nhớ tên thật Đức Lưu mà chỉ nhớ biệt danh Thị Nở”.
NSƯT Đức Lưu, Thị Nở của thời hiện tại
Bà bộc lộ về tạo hình nhân vật xấu nhất nền điện ảnh Việt: “Để có được tạo hình xấu ma chê quỷ hờn như vậy, tôi đã được đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa đến bệnh viện để làm một bộ răng đen hạt nhót. Hai bên má ngậm bông băng sao cho bề ngang rộng hơn chiều cao khuôn mặt và cái mũi được đắp thêm cao su, bôi phẩm đỏ ở đầu.
Tôi không cảm thấy buồn vì tạo hình xấu xí ấy mà khi nhìn mình trong gương tôi chỉ thấy buồn cười. Tôi vui vì đã làm cho nhân vật Thị Nở bước ra từ những trang văn của nhà văn Nam Cao và sống mãi đến tận bây giờ. Đặc biệt, là khi về thăm lại Làng Vũ Đại khán giả vẫn thắc mắc tại sao ngoài đời xinh thế mà hóa trang được thành Thị Nở xấu đến vậy”.
Làng Vũ Đại ngày ấy đã mang lại tiếng vang cho đoàn làm phim. Bản thân nghệ sỹ Đức Lưu đã được khán giả đón nhận và rất yêu quý. Tuy nhiên chồng và các con bà cũng gặp không ít rắc rối vì thành công của vợ, của mẹ. Bà nhớ lại, thời ấy chồng bà là PGS.TS Trần Hạ Phương đã gặp rất nhiều khó khăn, điều tiếng vì vai diễn của vợ: “Lúc bấy giờ, “cảnh nóng” trong phim ở nước ngoài là điều bình thường nhưng ở Việt Nam thì mọi người vẫn chưa quen nên bộ phim gặp rất nhiều khó khăn trong khâu kiểm duyệt.
NSƯT Đức Lưu trong vai Thị Nở
Nhan sắc thật ngoài đời của 'Thị Nở' do NS Đức Lưu đóng
Và cũng vì cảnh vạch yếm trong phim ấy mà chồng tôi chịu nhiều điều tiếng “vạ lây”, nhiều người ác miệng còn nói cho vợ đóng cảnh ấy được bao nhiêu tiền. Nhưng vì chồng tôi là một trí thức nên ông ấy rất hiểu và thông cảm cho vợ. Dẫu vậy ông ấy cũng không khỏi suy nghĩ vì nhiều khán giả còn lăng mạ nhưng ông Phương vẫn chịu đựng cho niềm vinh quang của vợ.
Một cảnh trong phim
Phải mất 10 năm để cân bằng sau khi tôi đóng Thị Nở. Hàng xóm xì xào khi qua nhà tôi, các con tôi đi học bị trêu trọc là con Chí Phèo... nhưng cũng có những kỷ niệm rất ngọt ngào.
Tôi nhớ lần đó khi đi sang dự đại hội tại Matxcơva, có buổi giao lưu với 500 công nhân Việt Nam. Khi biết tôi là người đóng vai Thị Nở, họ đã công kênh lên. Sau này, trong một lần dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Nga, vị đại sứ Nga hỏi vui: “Cho tôi xin bát cháo hành chị Lưu ơi”.
NSƯT Đức Lưu hiện có cuộc sống khá hạnh phúc, đủ đầy: các con thành đạt, các cháu giỏi giang. Bà trải lòng: “Từ khi chồng tôi mất, tôi rất đau buồn nhưng không hề cảm thấy cô đơn hay sợ sệt vì cuộc đời đã dạy cho mình dày dạn hơn trước những bão tố và cần có niềm tin vào cuộc sống. Cùng với việc mang yêu thương chia sẻ với người khác, niềm vui hiện tại của tôi là nhìn con cái trưởng thành.
Lúc rảnh rỗi, tôi thường xuyên lên facebook để cập nhật trạng thái, chia sẻ ảnh. Có lẽ việc sử dụng thành thạo sản phẩm công nghệ giúp tôi cập nhật tin tức nhanh nhạy, cộng với việc thích giao tiếp với người trẻ đã giúp tôi sống trẻ trung hơn”.
“Còn khỏe mạnh ngày nào còn làm việc tốt cho xã hội ngày ấy”
Ở độ tuổi bên kia con dốc của cuộc đời, bên cạnh hoạt động nghệ thuật, NSƯT Đức Lưu còn âm thầm làm rất nhiều chương trình từ thiện. Bà quan niệm rằng từ thiện có rất nhiều cách để làm, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, chắp nối những điều bổ ích, nhưng khi làm từ thiện thì nên nghĩ đến lợi ích của nhiều người.
“Bản thân tôi biết rằng nhu cầu sống của mình như thế nào là đủ, gạt bỏ những tham sân si ở đời và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Trong cuộc đời, tôi đã đi nhiều nơi có cơ hội nhìn thấy thiếu thốn của những mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Chính điều đó đã thôi thúc tôi cần phải hành động, chắp nối những nhịp cầu, mang đến những điều tốt đẹp cho họ. Bà già Lưu này còn khỏe mạnh ngày nào thì sẽ cố gắng làm việc tốt cho xã hội ngày ấy.” – Nghệ sĩ Đức Lưu chia sẻ.
Hễ cứ ai nhắc đến việc đi làm việc phúc đức, thiện tâm là bà sẵn sàng xách túi lên đường. Trong chương trình đại lễ Vu Lan báo hiếu vừa qua, kết hợp với việc tu sửa chùa và mời sư về làm trụ trì tại một ngôi chùa ở huyện nghèo của tỉnh Ninh Bình, bà đã nhờ các nhà khoa học mang mô hình rau sạch về với nhân dân Nho Quan, để bà con nơi đây sản xuất và chính bà cũng là người nhận tìm nơi tiêu thụ sản phẩm của họ.
“Tôi luôn quan niệm chết không phải là hết mà là đi về một thế giới khác mà thôi. Tôi không hề cảm thấy lo sợ khi tuổi già ngày càng đến gần, tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đón nhận nó vì đó là quy luật của cuộc sống. Nhưng tôi thấy tiếc quãng thời gian đang trôi qua và phải luôn chạy đua với từng giây phút còn lại của cuộc đời để làm những việc có ích.” – NSƯT Đức Lưu tâm sự.
VD (Theo Giadinhvietnam.com)