Cao Thái Sơn
Ngay từ khi “thai nghén” kịch bản này, biên kịch kiêm đạo diễn phim có gặp và hỏi ý kiến Cao Thái Sơn về đề tài này. Tôi nói với anh rằng đề tài này khó lắm, vì từ trước đến giờ các nhà làm phim toàn sử dụng người đồng tính làm trò cười mua vui cho khán giả. Thậm chí đến cả tôi khi nghe phim đồng tính Việt còn không hứng thú. Anh Tuyến cười và nói với tôi một câu, em cứ chờ xem!
Nửa năm sau tôi nhận được cuộc điện thoại của anh Tuyến mời tôi dự ra mắt phim “Cầu vồng không sắc”, nhưng tôi không tham dự được vì chuyến lưu diễn của mình bên Mỹ. Thay vì đi xem, đạo diễn đã chiếu cố để cho tôi xem bản dựng phim và hỏi ý kiến của tôi về phim. Quả thật tôi đã quá bất ngờ khi hình ảnh người đồng tính trên phim của anh đã khác xa so với những gì những phim khác đã thể hiện. Tôi hiểu, câu chuyện của anh không chỉ đơn thuần đi sâu vào tình yêu đồng tính giữa hai nhân vật Hùng và Hoàng, mà anh muốn khán giả cảm nhận được khoảng trống trong mối quan hệ gia đình giữa ba mẹ và con cái. Tôi cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến mà bà mẹ đã dành cho con mình, nhưng chính tình yêu mù quáng ấy đã khiến bản thân bà phải trả giá quá đắt!
Tôi thực sự bị thuyết phục bởi lối diễn mà như không diễn của cả êkíp diễn viên, và nước mắt tôi cứ tuôn rơi theo những cung bậc cảm xúc của phim. Tôi muốn hét to lên rằng: “Đồng tính không phải là bệnh! Đừng để cầu vồng không sắc!”.
Quang Hà
Trước tiên cho phép Quang Hà cảm ơn đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến và 2 diễn viên chính Thanh Tú và Vũ Tuấn Việt đã cho tôi một cảm xúc rất là… lạ so với tất cả các bộ phim về đề tài đồng tính khác. Bản thân Quang Hà thấy đây là một bộ phim có kịch bản hay, là những diễn viên tương đối mới mẻ với công chúng nhưng đã mang đến một cảm xúc thật tuyệt vời khi được xem bộ phim này.
Gia đình là một xã hội thu nhỏ chính trong gia đình nên hiểu và cảm thông thì xã hội ở ngoài mới chấp nhận. Khán giả hãy đến xem bộ phim này để cảm nhận, tôi nghĩ không cần phải giới thiệu bộ phim này cho ai cả vì đây hoàn toàn là một bộ phim về đề tài đồng tính nóng hổi trong xã hội hiện nay.
Hiếu Nguyễn
Phim “Cầu vồng không sắc” của đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến là một góc nhìn khác về đề tài đồng tính. Bộ phim chặt chẽ về nội dung, diễn viên đẹp, diễn xuất đồng đều mang đến cho Hiếu khá nhiều cung bậc cảm xúc.
So với những bộ phim về đề tài đồng tính trước đây thì “Cầu vồng không sắc” nhẹ nhàng, sâu sắc, nhân văn hơn và không hề phản cảm. Những cảnh nhạy cảm trong phim được quay ở góc độ “dễ chịu” và không thô thiển. Những cảnh lột tả tình cảm của hai nam chính tinh tế và sâu sắc hơn khiến khán giả chấp nhận họ, cảm thông với nỗi đau của họ. Đó là điều quan trọng nhất mà cả đoàn phim “Cầu vồng không sắc” khát khao nhận được nhất. Và Hiếu nghĩ họ xứng đáng có được phần thưởng chính là cái nhìn tán đồng và yêu thương cho những con người ôm nỗi đau của một kiếp người không trọn vẹn.
Minh Xù
“Đồng tính không phải là bệnh” đây chính là khẩu hiệu chuyển tải thông điệp mà êkíp bộ phim muốn mang lại cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều suy nghĩ trái chiều, đồng tình, không hưởng ứng, bác bỏ, tán thưởng hay phát rồ lên... Thế nhưng, đứng ở vai trò là 1 người đã thưởng thức bộ phim, và có nhiều sự nhìn nhận tiếp xúc với cái gọi là “bệnh” thì tôi chả thấy nó làm tôi đau đớn hay tôi yếu đi. Có chăng trong những câu chuyện tình yêu đồng giới là sự hy sinh cho tình cảm ấy hoặc sống tốt đẹp hơn vì cái thứ cảm xúc đến từ 2 con tim khác nhau nhưng có cùng chung nhịp đập.
Tôi có thể khẳng định 1 điều rằng theo quan điểm cá nhân: “Chúng ta sống thì phải có cảm xúc, nếu không mình sẽ trở thành 1 người vô cảm! Và hệ quả của vô cảm thì có lẽ nhiều phim ảnh đã lột tả được chuyện này. Và trong chính “Cầu vồng không sắc” cũng đã thể hiện được sự ra đi của 1 con người mà lẽ ra đó là điều không đáng có! Còn về mặt cảm xúc, chân thành, đồng cảm và chia sẻ theo hướng tích cực, nó sẽ mang lại cho chúng ta những điều tương tự”.
Don Nguyễn
“Cầu vồng không sắc” khá buồn nhưng lại khiến con người ta có cái nhìn thật hơn với những người đồng tính. Họ không khác biệt, họ có tình yêu chân thành và dám hy sinh vì tình yêu. Họ xứng đáng được yêu và hạnh phúc như bao cặp đôi khác. Xin đừng nhìn họ với ánh mắt kì thị, bệnh hoạn.
Lan Phương
Lần đầu tiên Lan Phương rất bất ngờ khi anh Nguyễn Quang Tuyến làm bộ phim này. Anh là một con người dường như là không chuyên, vậy mà “Cầu vồng không sắc” lại được anh “thai nghén” từ kịch bản, đạo diễn cho đến mọi thứ chi tiết trong quá trình làm phim. Bất ngờ tiếp theo là diễn viên Thanh Tú – một gương mặt tương đối mới mẻ trong làng điện ảnh Việt nhưng qua bộ phim này thực sự Thanh Tú đã lấy nước mắt của khán giả khi đến rạp.
Nói về đề tài đồng tính trong phim này thì đây thực sự là một cú đột phá trong các bộ phim có cùng chủ đề gần đây của điện ảnh Việt. Lan Phương thực sự cảm thấy đây là một góc nhìn tương đối mới mẻ và sâu sắc trong cảm xúc về một đề tài “những tưởng là nhạy cảm”. Cái được nhất của bộ phim này chính là những cảnh quay rất hoành tráng đẹp ở mọi khung hình. Cùng với những hình ảnh đó là âm nhạc rất hay trong phim đã thực sự chạm đến trái tim của Lan Phương. Khi xem bộ phim này Phương cảm giác như đang xem một bức tranh sinh động về một mối tình thật đẹp.
Bỏ qua một vài chi tiết được cho là thừa hay người ta vẫn thường gọi là sạn không đáng kể, Lan Phương đã xúc động rơi nước mắt trước cảnh quay của 2 nam diễn viên chính cuối phim. Khi Phương xem đến đoạn này thì quay ra khán giả cũng rưng rưng nước mắt giống Phương (cười). Dường như, đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến đã chọn những diễn viên tương đối đồng đều về diễn xuất.
Bản thân Phương làm nghệ thuật tương đối lâu và cũng tiếp xúc với rất nhiều người đồng tính. Họ đều là những người rất dễ thương và có tài năng trong cuộc sống. Trong cuộc sống này chẳng ai cho mình cái quyền lựa chọn giới tính của mình trước khi sinh ra, vậy tại sao phải nghĩ đồng tính là bệnh? Bây giờ cả thế giới cũng đã công nhận và có cái nhìn cởi mở hơn đồng tính chứ không phải là căn bệnh để mà phải kỳ thị hay tránh xa.
Sơn Trí (Theo Giadinhvietnam.com)